Tại Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai, ước tính mỗi năm có 3.500-4.000 trường hợp phải can thiệp tim mạch, trong đó 15-17% là bệnh nhân dưới 40 tuổi. Có những người 25-30 tuổi bị nhồi máu cơ tim, phải can thiệp tim mạch. Trong cộng đồng, tỉ lệ người trẻ 30-40 tuổi bị tăng huyết áp rất cao.
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, bệnh tim mạch vốn được biết đến là căn bệnh hay gặp ở người già thì nay tấn công người còn rất trẻ và là gánh nặng y tế lớn. Trong đó, nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm, tỷ lệ tử vong trên 70%. Bệnh có thể xảy ra đột ngột khi đang ngủ, chơi hay làm việc và có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
Lý giải nguyên nhân bệnh tim mạch ngày càng phổ biến ở người trẻ, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng cho rằng, có nhiều yếu tố trong cuộc sống được chứng minh làm tăng khả năng xuất hiện và tiến triển bệnh lý tim mạch. Những yếu tố này được gọi là yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch. Các yếu tố đó là:
- Hút thuốc: Hút thuốc là hoặc hút thuốc lào đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý động mạch vành, tăng huyết áp, bệnh động mạch ngoại biên…
- Ít hoạt động thể lực: Lười hoạt động thể lức làm tăng khả năng xuất hiện bệnh tăng huyết áp, bệnh động mạch vành…
- Thừa cân: Thừa cân là yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh động mạch vành. Bạn cần duy trì cân nặng ở mức hợp lý.
- Căng thẳng (stress): Các căng thẳng trong cuộc sống, các stress tâm lý đều được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.
- Tăng cholesterol máu: Tăng cholesterol máu làm thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch, nó là yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh tăng huyết áp, bệnh lý động mạch cảnh, động mạch chủ, động mạch vành, động mạch chi dưới.
- Tăng huyết áp: Tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng, nó là yếu tố nguy cơ làm xuất hiện và tiến triển bệnh lý động mạch vành, bệnh động mạch chủ, bệnh động mạch ngoại biên… Bạn cần điều trị tăng huyết áp theo phác đồ của bác sỹ tim mạch để làm giảm nguy cơ tiến triển bệnh lý tim mạch.
- Đái tháo đường: Bệnh lý này là yếu tố nguy cơ rất mạnh mắc các bệnh lý tim mạch như bệnh lý động mạch vành, bệnh động mạch cảnh, bệnh động mạch chủ và bệnh động mạch ngoại biên… Nếu bạn bị đái tháo đường, bạn cần tuân thủ điều trị bệnh này nghiêm ngặt để tránh biến chứng tim mạch.
- Yếu tố gia đình: Một số bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, bệnh lý cơ tim giãn, bệnh cơ tim phì đại, hội chứng Brugada có tính chất gia đình.
- Tuổi: Nam giới trên 55 tuổi hoặc nữ giới trên 65 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp....
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, mỗi năm toàn cầu có 17,5 triệu người tử vong do các bệnh tim mạch. Trong đó, nhồi máu cơ tim là cấp cứu khẩn, nếu không kịp thời, nguy cơ tử vong 50%.
Tại Việt Nam, mỗi năm khoảng 200.000 người chết vì bệnh tim mạch, chiếm 33% tổng số ca tử vong. Trong các bệnh lý tim mạch, động mạch vành và đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong hoặc tàn phế nhiều nhất.
Để giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, chuyên gia tim mạch khuyến cáo người dân cần:
- Có chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế ăn mỡ, da động vật, gan, thức ăn nhanh.
- Tích cực tập luyện thể thao, hạn chế bia rượu và các chất kích thích.
- Người trẻ không nên chủ quan nghĩ rằng nhồi máu cơ tim chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi mà bỏ qua các dấu hiệu bệnh, dễ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng sau này...
Xem thêm video đang được quan tâm:
Tác hại của việc nhịn ăn sáng giảm cân, thải độc