Thực tế này cho thấy sự cần thiết của việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân về nguy cơ cũng như mức độ nguy hiểm của bệnh, từ đó có chế độ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tim mạch hợp lý.
Nguyên nhân nào dẫn đến vấn đề về tim mạch?
Nhiều người vẫn cho rằng, chỉ những người cao tuổi mới mắc các bệnh lý về tim mạch, tuy nhiên thực tế ở Việt Nam đang chứng minh rằng, bệnh lý tim mạch đang có xu hướng “trẻ hóa” bởi tỷ lệ thanh niên mắc chứng nhồi máu cơ tim, hay đột tử đang ngày càng tăng cao. Như vậy, không chỉ người cao tuổi, ngay cả những người trẻ tuổi cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Có rất nhiều lý do dẫn đến vấn đề về tim mạch, có thể những thói quen, sở thích mà bạn đang thực hiện mỗi ngày chính là nguyên nhân chủ yếu nhưng bạn lại không nhận ra điều đó.
Hút thuốc: Yếu tố hàng đầu làm tăng nguy cơ gây ra các bệnh lý động mạch vành, tăng huyết áp...
Béo phì: Tăng cholesterol máu khiến quá trình xơ vữa động mạch phát triển nhanh. Đây cũng là yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh tăng huyết áp, các bệnh về động mạch chủ, động mạch vành, chi dưới... Ngoài ra, lười vận động thể lực đều có nguy cơ cao các bệnh về tim mạch.
Stress: Những triệu chứng căng thẳng, stress về tâm lý đều có thể dẫn đến những bệnh lý về tim mạch,
Đái tháo đường: Đây là nguyên nhân lớn gây ra bệnh tim mạch. Ngoài ra, gene di truyền và tuổi cao cũng sẽ dẫn đến những vấn đề về bệnh tim mạch.
Các nguyên nhân khác: Do bẩm sinh, viêm ngoài màng tim, viêm cơ tim...
Bệnh lý tim mạch bao gồm nhiều vấn đề về nhịp tim, van tim, động mạch...
Dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc các bệnh lý về tim mạch
Khó thở: Triệu chứng khó thở xuất hiện nhiều lúc khi làm việc nặng, sau khi tập thể dục, thậm chí khi bạn không làm gì... Khó thở có thể là do vận động quá sức hoặc lo lắng về việc gì đó. Nhưng đôi khi khó thở cũng có thể là triệu chứng bệnh về tim, báo hiệu chuẩn bị hoặc đang lên cơn đau tim, trụy tim.
Đau ngực: Đau ngực có thể do bệnh phổi hoặc bệnh về xương, bệnh thực quản hoặc các bệnh đường tiêu hóa, tuy nhiên đau ngực cũng là triệu chứng phổ biến của nhiều bệnh tim mạch gây nên. Nguyên nhân thường gặp nhất của đau ngực do tim là thiếu máu cơ tim cục bộ.
Hồi hộp, choáng và ngất: Hồi hộp, choáng và ngất có thể do các bệnh lý tim mạch làm tăng thể tích nhát bóp (hở van tim, nhịp chậm) hoặc có thể là dấu hiệu của rối loạn nhịp tim. Nếu như nhịp tim bất thường kết hợp giảm đáng kể huyết áp và cung lượng tim, gây choáng váng, mờ mắt, mất ý thức (ngất) hoặc các triệu chứng khác.
Phù: Trong bệnh tim, phù do tăng áp lực nhĩ phải gây ra. Phù báo hiệu các bệnh về tim như bệnh màng ngoài tim, bệnh van tim bên phải và chứng tim phổi mạn. Phù cũng có thể do suy tĩnh mạch. Trường hợp suy tim phải nặng có thể gây ra cổ trướng và hầu như bao giờ cũng đi kèm với phù.
Các bệnh tim mạch thường gặp
Tăng huyết áp: Người cao tuổi thường mắc bệnh tăng huyết áp gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và dễ dẫn đến tình trạng bị nhồi máu cơ tim, tắc nghẽn cơ tim, đột quỵ... Khi bị bệnh cần điều trị thuốc hạ huyết áp hàng ngày kết hợp với chế độ ăn uống, luyện tập phù hợp.
Bệnh mạch vành: Bệnh mạch vành là bệnh lý về tim mạch nguy hiểm nhưng việc nhận biết sớm bệnh lại rất khó khăn, bởi các triệu chứng ban đầu của bệnh động mạch vành rất mơ hồ, thường là bằng những cảm giác nặng ngực hay cơn đau thắt ngực bên trái. Cơn đau xuất hiện khi xúc động, gắng sức và thường xuất hiện vào buổi sáng. Tần suất và cường độ các cơn đau ngày một tăng và nặng hơn.
Tai biến mạch máu não: Các thể bệnh tai biến mạch máu não hay gặp nhất còn gọi là đột quỵ: Co thắt mạch máu não, thiếu máu não thoáng qua, nhồi máu não, vỡ mạch máu não... Nặng nhất là xuất huyết ồ ạt gây ngập não thất làm cho bệnh nhân tử vong trong vòng 1 - 2 giờ đồng hồ. Các dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là bệnh nhân bị đau đầu dữ dội, chóng mặt, tay chân yếu hoặc liệt và đi vào hôn mê. Việc đề phòng quan trọng nhất là phải phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp và tình trạng xơ vữa động mạch, để điều trị tốt.
Bệnh động mạch ngoại biên: Bệnh viêm tắc động mạch ngoại vi có hai thể: Bệnh Buerger là tình trạng viêm của 3 lớp thành động mạch, xảy ra ở những bệnh nhân trẻ, tuổi dưới 40, nghiện thuốc lá nặng. Bệnh động mạch ngoại vi thứ hai hay gặp nhất là tình trạng viêm và tắc động mạch do xơ vữa động mạch, xảy ra ở những người bị bệnh tăng huyết áp và có rối loạn chuyển hóa mỡ. Các triệu chứng ban đầu của bệnh còn khá mơ hồ, bắt đầu bằng tình trạng đau cách hồi, đau khi đi lại, các cơn đau ngày càng tăng lên, đến một lúc nào đó bệnh nhân đau ngay cả khi nghỉ ngơi và xuất hiện những vết loét, hoại tử của chi...
Bệnh van tim do thấp tim: Loại bệnh này hay gặp ở những vùng có khí hậu ẩm ướt, nhiệt đới gió mùa như ở Việt Nam. Bệnh có nguyên nhân nhiễm vi trùng liên cầu khuẩn tan máu nhóm A. Khi bị nhiễm loại vi trùng này, cơ thể sẽ sinh ra một loại kháng thể chống lại nó. Bản thân các kháng nguyên là loại vi trùng lại có cấu trúc gần giống với cấu trúc của mô khớp và van tim. Vì vậy, khi kháng thể tấn công tiêu diệt vi khuẩn nó cũng tấn công làm tổn thương mô khớp và van tim luôn, làm cho khớp bị sưng lên, còn van tim thì biến dạng gây ra hẹp hở van tim... Từ đó đưa đến suy tim, thậm chí tử vong.
Bệnh tim bẩm sinh: Bệnh tim bẩm sinh là bệnh về tim hay gặp nhất ở Việt Nam. Bệnh thường biểu hiện bằng tình trạng khó thở, hay bị viêm phổi, tím tái và đứa trẻ thường bị suy dinh dưỡng nặng.
Phình động mạch chủ bóc tách: Phình động mạch chủ bóc tách là một biến chứng rất nặng của phình động mạch chủ. Người bệnh có thể bị đau ngực dữ dội đến ngất đi. Có nhiều trường hợp bệnh nhân tử vong ngay trong giai đoạn bệnh mới bắt đầu.
Viêm cơ tim: Viêm cơ tim có thể xảy ra ở những người khoẻ mạnh trước đó không hề bị bệnh tim và gây ra tình trạng đột tử. Khi cơ thể mệt mỏi các loại siêu vi trùng xâm nhập vào cơ thể tấn công lên cơ tim, nhất là siêu vi trùng loại Coxacki. Ngoài ra, có thể bị viêm cơ tim do hóa chất, do sự tăng quá nhiều của hormon tuyến giáp... Ở những bệnh nhân này, tình trạng viêm cơ tim có thể đưa đến suy tim và bệnh nhân bị tử vong nếu không phát hiện ra và không được điều trị.
Tầm soát và phòng ngừa các bệnh lý về tim mạch như thế nào?
Có nhiều phương pháp khác nhau để điều trị bệnh tim mạch như thay đổi lối sống, dùng thuốc, phẫu thuật hay can thiệp mạch cũng là một phần của việc điều trị. Trong quá trình điều trị, bạn sẽ phải thay đổi lối sống như: Ăn ít chất béo, tập luyện 30 phút mỗi ngày, bỏ hút thuốc, uống rượu. Sử dụng thuốc hạ huyết áp, thuốc lợi tiểu, uống aspirin hàng ngày, dùng thuốc hạ cholesterol. Có thể phẫu thuật sửa, thay van tim nếu có chỉ định. Đối với mạch vành kỹ thuật hay làm là nong mạch vành hoặc đặt stent mạch vành.
Để tầm soát và phòng ngừa các bệnh lý về tim mạch, mỗi người cần thực hiện:
Thay đổi khái niệm khám sức khỏe: Không phải khi cơ thể thật sự mệt mỏi, ốm yếu mới cần đi khám mà nên đi khám định kỳ ngay cả khi cơ thể đang khỏe mạnh và hoạt động bình thường. Tầm soát tổng quát sức khỏe tim mạch là cách tốt nhất để phát hiện sớm cũng như phòng và điều trị bệnh hiệu quả.
Ngưng hút thuốc lá: Hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh tim, đặc biệt là xơ vữa động mạch. Nếu hút thuốc, bỏ thuốc là cách tốt nhất để giảm nguy cơ bệnh tim và biến chứng của nó.
Hạn chế rượu bia: Uống rượu nhiều, dài ngày sẽ gây tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim.
Kiểm soát huyết áp: Hãy kiểm soát huyết áp ở mức an toàn. Huyết áp tốt nhất là dưới 120 tâm thu và tâm trương 80, được đo bằng milimet thủy ngân (mm Hg).
Tiêu thụ nhiều rau xanh, hoa quả, cá: Rau xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp tăng cường sức khỏe cho hệ tim mạch, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim nhờ khả năng chống viêm đối với mạch máu.
Loại bỏ các chất béo có hại: Chất béo bão hòa có trong bơ, sữa, thịt... là “thủ phạm” khiến mức độ cholesterol xấu tăng và giảm cholesterol tốt. Trong bữa ăn hàng ngày chỉ nên có khoảng 1% thức ăn chứa chất béo bão hòa. Những thực phẩm như bơ thực vật, dầu, đồ chiên xào, đồ ngọt... cũng phải hạn chế.
Siêng năng tập thể dục: Tác dụng tốt của tập thể dục là làm tăng lipoprotein tốt và giảm lipoprotein mật độ thấp. Chỉ cần đi bộ mỗi ngày 30 phút là đã giúp điều hòa hệ tim mạch, tăng cường nhịp tim và giảm nguy cơ mắc bệnh về tim mạch.