Vào năm 2008, có khoảng 17,3 triệu người đã chết vì bệnh tim mạch. Đến năm 2030, con số này ước tính sẽ là 23,6 triệu người. Lối sống ít vận động cùng với chế độ ăn uống quá mặn, nhiều chất béo là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.
Tim mạch - “chiếc bơm” của sự sống
Hệ tim mạch bao gồm tim và các mạch máu, có nhiệm vụ quan trọng là vận chuyển máu đi khắp cơ thể để nuôi các bộ phận. Hệ tim mạch bị tổn thương sẽ dẫn tới các hậu quả nặng nề, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Chỉ cần tim ngừng đập 10 phút là các tế bào sẽ chết và không thể hồi phục chức năng được nữa.
Các mảng bám trong động mạch làm tăng nguy cơ thiếu máu cung cấp cho cơ thể.
Có thể mô tả hệ tim mạch bằng hình ảnh sau: Một cái bơm bằng cơ (trái tim) bơm chất lỏng (máu) chảy qua một hệ thống ống dẫn lớn nhỏ phức tạp (các mạch máu) đi khắp cơ thể. Khi di chuyển trong các mạch máu, máu lấy oxi từ phổi, chất dinh dưỡng từ ruột non và hormone từ các tuyến nội tiết, sau đó phân phối lại cho các tế bào của cơ thể rồi thu về cacbonic và những chất thải khác. Máu sẽ mang những chất thải đó đến phổi và thận để thải ra ngoài.
Hệ tuần hoàn bao gồm tim và các mạch máu: động mạch (được thể hiện bằng màu đỏ) mang máu chứa oxy, tĩnh mạch (được thể hiện bằng màu xanh) mang máu chứa cacbonic.
Nhận diện “sát thủ” hàng đầu đối với sức khỏe
Bệnh tim mạch bao gồm các rối loạn gây áp lực lên mạch máu hoặc tim, thu hẹp hoặc gây tắc động mạch, đồng thời ngăn cản tim bơm máu một cách hiệu quả.
Lối sống và chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa lẫn điều trị các bệnh về tim. Thay đổi cách lựa chọn thực phẩm (cắt giảm lượng chất béo bão hòa, tăng cường axit béo omega – 3, các chất béo không bão hòa đơn, ăn nhiều rau củ quả) có thể giúp cải thiện sức khỏe một cách đáng kể.
Một số bệnh tim mạch thường gặp
Tăng huyết áp: Nếu bạn có nguy cơ hoặc đã bị tăng huyết áp thường xuyên (chỉ số huyết áp tâm thu cao hơn 140mmHg và chỉ số huyết áp tâm trương trên 90mmHg), thì có nghĩa là bạn đang bắt tim và các động mạch phải chịu áp lực cao hơn bình thường.
Tăng mỡ máu: Nồng độ cao của cholesterol toàn phần (lớn hơn 5mmol trên mỗi lít máu), LDL (cholesterol “xấu”) hoặc triglyceride (chất béo trung tính) trong máu còn được biết đến với tên gọi tăng lipid máu (lipid còn có tên gọi thông dụng là mỡ). Rối loạn này có thể làm tích tụ các mảng bám trong động mạch, làm tăng nguy cơ thiếu máu cung cấp cho các bộ phận của cơ thể.
Nồng độ cholesterol cao có thể dẫn đến bệnh nhồi máu cơ tim.
Bệnh mạch vành: Dạng bệnh lý này có thể sinh ra do hội chứng chuyển hóa hoặc một trong chín tác nhân bất kỳ sau đây. Nếu nhận thấy mình có nguy cơ mắc phải chứng bệnh này, bạn cần thay đổi chế độ ăn uống và lối sống để có thể cải thiện tình hình theo hướng tốt hơn. Đó là: Nồng độ LDL trong máu ở mức cao (hơn 3mmol/lít); tăng homocysteine (phân tử axit amin do cơ thể sản xuất, là thành phần có trong thịt được tiêu thụ mỗi ngày), hoặc tăng CRP (C-reactive protein); huyết áp cao (hơn 140/90mmHg), hoặc đang dùng thuốc hạ huyết áp; mức HDL thấp; gia đình có tiền sử mắc bệnh tim mạch sớm (bị nhồi máu cơ tim trước tuổi 55 đối với nam và 65 đối với nữ); tuổi tác (đàn ông trên 45 và phụ nữ trên 55 tuổi); đang mắc bệnh tiểu đường; hút thuốc lá; béo phì – chỉ số BMI trên 30.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch (và đái tháo đường) cao nhất là những người được chẩn đoán mắc hội chứng chuyển hóa (metabolic syndrome).
Bạn có khả năng mắc phải hội chứng này nếu có ít nhất ba trong số năm biểu hiện sau đây:
Nồng độ đường huyết (đường trong máu) lúc đói tăng cao, đạt mức 6,7mmol/lít máu, hoặc đang bị tiểu đường;
Huyết áp trên 130/85mmHg – dấu hiệu tiền cao huyết áp;
Mức triglyceride trong máu cao hơn hoặc bằng 2mmol/lít;
Mức HDL (cholesterol “tốt”) trong máu thấp, ít hơn 1mmol/lít đối với nam giới và 1,4mmol/lít đối với nữ giới;
Số đo vòng eo lớn hơn 102 cm đối với nam giới và 88 cm đối với nữ giới.
Dinh dưỡng trong phòng ngừa điều trị bệnh tim mạch
Để phòng ngừa bệnh tim mạch cần thay đổi lối sống, giảm cân, vận động, chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường rau, củ quả, trái cây...
Lựa chọn dầu ăn tốt cho tim mạch: Chọn các loại dầu ăn từ đậu nành, dầu mè, dầu hướng dương mỗi ngày sẽ tốt cho tim mạch; ngăn ngừa cholesterol máu cao.
Giảm nồng độ homocysteine: Sự gia tăng nồng độ homocysteine trong máu thường làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và gây hẹp lòng động mạch. Chúng ta có thể làm giảm nồng độ homocysteine bằng cách bổ sung các loại vitamin từ thực phẩm giàu axit folic, B6 và B12 như gạo lứt, chuối, gan....
Thế còn bia rượu thì sao: Tính năng chống oxy hóa của rượu vang đỏ có thể giúp bảo vệ tim thông qua việc tăng nồng độ HDL và làm cho LDL ít bị oxy hóa, lắng đọng lại trong động mạch. Tuy nhiên không được lạm dụng quá nhiều.
Lòng đỏ trứng có nhiều cholesterol.
Tăng lượng chất xơ ăn vào: Các nghiên cứu đã chứng minh rằng ăn các thực phẩm giàu chất xơ mỗi ngày có thể giúp giảm khoảng 5% nồng độ LDL, vì thế chế độ ăn giàu chất xơ có thể giảm nguy cơ đột quỵ và các chứng bệnh tim mạch khác.
Giảm nồng độ cholesterol toàn phần, LDL và triglyceride: Cholesterol chỉ hiện diện trong các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật (thịt, cá, sò, ốc, trứng, sữa....) chứ không có trong các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (rau củ, trái cây, ngũ cốc, đậu đỏ, hạt...). Lòng đỏ trứng, trứng cá muối và nội tạng động vật có hàm lượng cholesterol cao nhất. Ví dụ, lòng đỏ một quả trứng có trung bình chứa khoảng 200mg cholesterol…
Tại Mỹ, chương trình giáo dục quốc gia cholesterol khuyến cáo lượng cholesterol dung nạp qua đường ăn uống nên giới hạn ở mức 20mg mỗi ngày có thể duy trì một trái tim khỏe mạnh.