Trước đây các bệnh lý tim mạch có nguyên nhân chủ yếu là nhiễm khuẩn (một đặc trưng thường thấy ở các nước có điều kiện đời sống thấp) như hẹp hở van tim, suy tim, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn… Nhưng hiện nay với sự thay đổi trong lối sống đã làm bùng nổ các bệnh tim mạch không lây nhiễm như tăng huyết áp, bệnh mạch vành. Cùng với đó là các bệnh chuyển hóa như rối loạn mỡ máu, đái tháo đường đang tăng lên mạnh mẽ đã tác động trực tiếp, gián tiếp đến các bệnh lý tim mạch.
Các bệnh lý tim mạch đang thay đổi
Nếu như cách đây 20 năm, bệnh lý tim mạch của chúng ta chủ yếu là các bệnh van tim (hẹp hở van hai lá, hẹp hở van động mạch chủ... ) biến chứng của bệnh thấp tim, một căn bệnh nhiễm khuẩn thường gặp ở các nước đang phát triển, thì hiện nay chúng ta phải đối mặt với sự bùng nổ của các bệnh thường gặp ở các nước phát triển như bệnh tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não, bệnh động mạch chủ... đưa bệnh lý tim mạch lên trong số 10 loại bệnh lý thường gặp nhất. Bên cạnh đó là sự bùng nổ của các bệnh lý liên quan đến rối loạn chuyển hoá như rối loạn lipid máu, đái tháo đường, hội chứng chuyển hoá, những bệnh liên quan trực tiếp và là nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý tim mạch. Chính vì vậy, gần đây đã xuất hiện một thuật ngữ mới “Các bệnh tim mạch chuyển hoá” (cardiometabolic). Điều này đòi hỏi các bác sĩ tim mạch phải có hiểu biết rộng hơn không chỉ trong lĩnh vực tim mạch mà còn các bệnh về chuyển hoá.
Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tim mạch
Phình động mạch chủ bụng. |
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, trong số 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam thì tử vong do bệnh động mạch vành đứng thứ nhất, chiếm tỉ lệ 13%. Nhồi máu cơ tim (NMCT) là thể bệnh nặng nhất trong các bệnh động mạch vành, đây là một bệnh lý rất thường gặp và có liên quan nhiều đến sức khoẻ cộng đồng ở các nước công nghiệp phát triển. Ở Việt Nam, trong thời gian gần đây tỷ lệ nhồi máu cơ tim ngày càng có khuynh hướng tăng lên rõ rệt. Mặc dù có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, nhưng nhồi máu cơ tim cấp vẫn là một loại bệnh nặng, diễn biến phức tạp, có nhiều biến chứng nguy hiểm luôn đe doạ tính mạng người bệnh, vì thế tỷ lệ tử vong vẫn còn cao.
Chảy máu não do tăng huyết áp
Tỉ lệ người bị đột quị tăng lên cùng tuổi tác và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều người trong những “năm tháng hoàng kim” của họ. Những bệnh này gây nhồi máu não (thiếu máu cục bộ) hay xuất huyết não. Tỉ lệ mắc và tử vong do tai biến mạch máu não có thể giảm đi nếu ta biết và điều trị tốt hơn các bệnh tim và động mạch trong đó có tăng huyết áp. Tuy nhiên tỉ lệ mắc bệnh tăng huyết áp ở nước ta đang gia tăng với tốc độ chóng mặt. Đặc biệt tỉ lệ bệnh nhân được kiểm soát tốt, chỉ số huyết áp còn thấp, do vậy tỉ lệ bị biến chứng còn khá cao, trong đó có tai biến mạch não. Tử vong do bệnh tai biến mạch máu não đứng hàng thứ hai sau bệnh động mạch vành.
Hầu hết bệnh nhân đái tháo đường tử vong do biến chứng tim mạch
Rối loạn chuyển hóa lipid tác động lớn đến các bệnh lý tim mạch Trong những năm gần đây, thói quen ăn nhiều thịt mỡ, ăn ngọt, và sự thích thú khi thấy mình lên cân sau thời gian nghỉ ngơi dài, đã giảm nhiều cùng với sự hiểu biết của đông đảo người dân ngày càng gia tăng về dinh dưỡng và chuyển hóa lipid. Rối loạn chuyển hóa lipid máu, một yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh lý tim mạch, một bệnh lý được coi là đặc trưng của các nước đang phát triển, đang công nghiệp hóa. Ở người trưởng thành, nếu nồng độ cholesterol tăng cao quá 10% giá trị bình thường, nguy cơ bị các biến chứng tim mạch sẽ tăng thêm 30%. Ðiều quan trọng hơn là phải phân tích các thành phần khác nhau của cholesterol ở trong máu: LDL-C, HDL-C... Hầu hết những người có cholesterol máu cao đều hoàn toàn khỏe mạnh và cách duy nhất để phát hiện ra bệnh là làm xét nghiệm máu. |
PGS.TS.Nguyễn Quang Tuấn