Ngày 4/8, báo điện tử Sức khỏe&Đời sống (Suckhoedoisong.vn) tổ chức buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “ Phòng bệnh đường tiêu hóa”. Tham dự chương trình có Đại tá, TS.BS Nguyễn Tiến Thịnh – Chủ nhiệm khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương quân đội 108; TS. Từ Ngữ - Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng bộ môn Nhi trường Đại học Y Hà Nội. Chương trình, với sự tài trợ của nhãn hàng Lifebouy, được phát trực tiếp trên Suckhoedoisong.vn, trên kênh Youtube của báo Sức khoẻ&Đời sống và trên fanpage của báo Sức khoẻ&Đời sống.
Hiểm họa từ thức ăn đường phố
Trong chương trình, rất nhiều độc giả cho biết họ rất hay ăn thức ăn đường phố, những thực phẩm chiên rán bán tại các cửa hàng ăn v.v….. Trước thực trạng này, BS Từ Ngữ khẳng định đó là các loại thực phẩm vô cùng độc hại bởi không đảm bảo vệ sinh. “Ngày nào cũng ăn đồ đường phố thì chắc chắn có hại cho sức khỏe. Những người thích ăn thức ăn đường phố thì hãy coi chừng cái việc chúng ta ăn như vậy sẽ mang lại những tác hại khôn lường cho sức khỏe sau này” – BS Từ Ngữ nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến trên, BS Nguyễn Tiến Thịnh nói rằng thực phẩm đường phố có nhiễm trùng, khi ăn phải thực phẩm không sạch sẽ gây ra các nhiễm trùng nhiễm độc ăn uống, đây là cấp cứu nội khoa, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Tất cả bệnh nhân có nhiễm trùng nhiễm độc ăn uống phải được xử lý trong bệnh viện để đảm bảo an toàn tính mạng cho bạn, chẩn đoán chính xác chủng, khuẩn bạn bị nhiễm và cách ly khỏi cộng đồng để tránh lây nhiễm ra cộng đồng.
Với đồ chiên rán, các bác sĩ đều cho biết rất hại cho sức khỏe. Bởi nhiêt độ sôi, cao gây phá hủy thành phần dinh dưỡng có trong thực phẩm, đặc biệt là vitamin. Trong khi đó, mỡ trans khi vào cơ thể lại làm phá hủy hệ thống men ở trong đường tiêu hóa, gây ảnh hưởng lâu dài tới quá trình tiêu hóa, hấp thu các chất dinh dưỡng. Càng dùng nhiều dầu mỡ, nhất là dầu mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần, sẽ gây tích tụ trên đường tiêu hóa và làm hạ thấp tỉ lệ các chất hấp thu qua đường ruột đi vào trong gan, tĩnh mạch. Ở các nước phương Tây có tỷ lệ cao ung thư đại tràng có liên quan đến thói quen ăn uống đồ nướng. Khi chế biến dưới nhiệt độ cao sinh ra chất nitrosamin, đây là một trong những yếu tố gây ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là đại trực tràng.
Đại tá, TS.BS Nguyễn Tiến Thịnh cho biết bệnh tiêu hóa hiện đang là một thách thức của ngành y. Để phát hiện sớm bệnh lý về đường tiêu hóa, chúng ta cần hiểu về chức năng của cơ quan tiêu hóa. Cơ quan tiêu hóa có 3 chức năng chính là chức năng chứa đựng, vận chuyển, bài tiết - hấp thu để đảm bảo sự sống của mỗi cá thể. Khi có những rối loạn, thay đổi những chức năng này sẽ có biểu hiện trên lâm sàng như triệu chứng trên các ống tiêu hóa từ đường tiêu hóa cao đến đường tiêu hóa dưới như đau bụng, ợ hơi, ợ chua, khó nuốt, các dấu hiệu rối loạn đại tiện, bỗng nhiên gầy sút cân, giảm trọng lượng không rõ lý do, hoa mắt, chóng mặt.
Để phát hiện sớm bệnh, cần lưu ý các biểu hiện cơ quan tiêu hóa có thể biểu hiện tại chỗ nhưng đôi khi cũng có thể là biếu hiện bệnh lý của các bệnh khác thông qua cơ quan tiêu hóa. Hãy lắng nghe cơ thể mình, nếu thấy các dấu hiệu trên không thay đổi khi người bệnh đã thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng, người bệnh cần đến các phòng khám chuyên khoa tiêu hóa để được thăm khám, phát hiện sớm và điều trị khỏi.
Ăn đúng, sống chuẩn đẩy lùi bệnh
Một bạn đọc gọi điện thoại tới chương trình cho biết bạn được bác sĩ chẩn đoán bị hội chứng ruột kích thich và được kê toa điều trị nhiều đợt nhưng không khỏi chỉ đỡ. Bác sĩ nói bệnh này phải chữa dài hạn và khó dứt được. Bạn đọc này rất băn khoăn là điều đó có đúng không và liệu có phương pháp chữa bệnh hiệu quả không. Trước câu hỏi này, BS Nguyễn Tiến Thịnh giải đáp rằng: cách thức điều trị hội chứng ruột kích thích cần toàn diện, như điều chỉnh lối sống (phù hợp với bệnh), lựa chọn thực phẩm, cân bằng ăn uống. Hiện nay các phương pháp điều trị mới không có khuyến cáo nhiều, chủ yếu vẫn là thầy thuốc tư vấn cho bệnh nhân điều chỉnh hành vi, và thói quen ăn uống. May mắn là bệnh rối loạn chức năng đại tràng không có yếu tố gây tổn thương hay ung thư.
Tương tự, bạn Trần Văn Hải còn trình bày tình trạng bệnh như sau: cháu năm nay 25 tuổi, cao 1,66 nặng 47kg, người rất gầy, thường xuyên bị đi ngoài phân lỏng và thỉnh thoảng bị tiêu chảy khi ăn các loại thức ăn lạ, hoặc ăn thịt mỡ cũng bị tiêu chảy, mỗi lần như vậy bị đau bụng dữ dội. Bạn Hải không uống rượu bia, hút thuốc lá. Trước đây mỗi lần cảm thấy bất an trong bụng là bạn Hải lại uống ngay thuốc Tetracycline 500mg, nhưng ngưng uống thì lại bị. Đại tá, TS.BS Nguyễn Tiến Thịnh tư vấn rằng bạn Hải đang bị hội chứng ruột kích thích hay rối loạn chức năng đại tràng. BS Nguyễn Tiến Thịnh khuyên bạn Hải rằng cần có thói quen sinh hoạt điều độ, lựa chọn thực phẩm, chế độ dinh dưỡng cân bằng. Một trong những bí quyết để điều trị thành công là sự kiên trì, điều chỉnh thói quen sinh hoạt, tiết chế ăn uống, có chế độ ăn uống hài hòa, bệnh sẽ có kết quả tốt.
Hết sức cẩn trọng với virus HP
Bạn Minh Vũ ( Sóc Sơn, Hà Nội) có hỏi: “Mẹ tôi qua đời vì ung thư dạ dày, tôi cũng mắc bệnh dạ dày, tôi rất lo con của tôi cũng có thể mắc bệnh vì cháu rất hay kêu đau bụng, nhưng tôi chưa cho cháu đi khám vì cháu còn nhỏ mới 5 tuổi. Xin bác sĩ cho biết, bệnh dạ dày có phải là bệnh di truyền hay không?”. Trước câu hỏi này, PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy cho hay đây là câu hỏi mà rất nhiều người thắc mắc. Bệnh viêm dạ dày, bệnh HP cũng có tính chất gia đình. Nếu bệnh có tính chất di truyền nghĩa là có gen di truyền, khoảng 50% người bị đau dạ dày là có tiền sử gia đình có người mắc. Người ta cũng thấy là tỉ lệ người có nhóm máu O và A hay mắc đau dạ dày nhiều hơn, cao hơn 1,4 lần so với những người mang nhóm máu khác. Do đó người có tiền sử gia đình có người bị viêm dạ dày thì có khả năng bị viêm dạ dày nhiều hơn so với người khác. Tại các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, 70% ca ung thư dạ dày là có căn nguyên là virus HP. Ung thư dạ dày thường xuất hiện ở 50 - 60 tuổi, vì virus HP âm ỉ trong cơ thể hàng nhiều năm liền. Với tiến bộ khoa học, điều kiện kinh tế toàn cầu ngày nay thì ước tính tỉ lệ nhiễm virus HP là có giảm, có thay đổi. Tuy nhiên, các thày thuốc trong bệnh viện hiện nay lại phải đối mặt với tình trạng đề kháng HP. Do đó, rất nhiều hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức chỉ để tìm ra những phương pháp điều trị HP hiệu quả nhất, mang lại tiệt trừ HP cho bệnh nhân với chi phí hợp lý.
Ở trường hợp của bạn Minh Vũ, BS Nguyễn Tiến Thịnh khuyên rằng bạn cần cho con đi khám, vì bên cạnh yếu tố di truyền còn liên quan đến tập quán, thói quen, lối sống… để xác định chính xác có bị bệnh này hay không. Hiện có nhiều phương pháp thăm dò không gây đau đớn gì, điều trị triệt để, bên cạnh đó các bác sĩ sẽ tư vấn chế độ dinh dưỡng hợp lý.
TS. Từ Ngữ bổ sung thêm rằng có rất nhiều người có virus HP trong người nhưng không điều trị, nhưng lưu ý ở những người có gia đình có mạch nguy cơ cao. BS Từ Ngữ khuyến cáo rằng với những người mà trong gia đình đã có người bị virus HP rồi, thì cần đi thăm khám để xem có bệnh hay không, nếu có để điều trị. Tuy nhiên, điều trị bệnh này thường tái đi tái lại. Nhưng quan trọng nhất là việc giữ gìn vệ sinh, đừng để điều trị xong lại bị tái nhiễm. Chúng ta có thể hạn chế được điều này bằng con đường vệ sinh. BS Từ Ngữ khẳng định nếu hiện nay ai cũng rửa tay, toàn dân rửa tay thì chúng ta sẽ giải quyết được bệnh truyền nhiễm. Chứ người này rửa tay, người kia không thì cũng không giải quyết được vấn đề. BS Nguyễn Tiến Thịnh cũng nhắc lại rằng một trong những nguyên tắc tránh lây nhiễm bệnh là rửa tay, không chỉ cho bản thân mình mà còn cho cộng đồng.
Theo các bác sĩ, mỗi chúng ta phải thay đổi hành vi, tạo ra môi trường mà chúng ta không bị nhiễm HP và không để lây nhiễm HP ra cộng đồng.