Hà Nội

Bệnh tiểu đường type 1 và các dấu hiệu cần cấp cứu

07-06-2023 18:00 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Bệnh tiểu đường type 1 (hay còn gọi bệnh đái tháo đường loại 1) là một bệnh lý trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể phá huỷ các tế bào sản xuất insulin của tuyến tuỵ.

Bệnh tiểu đường type 1 đặc trưng bởi sự phá hủy các tế bào beta tuyến tụy, dẫn đến thiếu hụt insulin. Bệnh tiểu đường type 1 chiếm khoảng 5-10 % các trường hợp mắc bệnh bệnh tiểu đường ở Hoa Kỳ, Canada và Châu Âu (trong khi bệnh tiểu đường type 2 chiếm hơn 90%).

Độ tuổi biểu hiện khởi phát bệnh tiểu đường type 1 với một đỉnh ở 4-6 tuổi và lần thứ 2 ở tuổi dậy thì (10-14 tuổi). Nhìn chung, khoảng 45% trẻ mắc bệnh trước 10 tuổi.

Bệnh tiểu đường type 1 là tình trạng bệnh lý xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất được hoặc sản xuất rất ít insulin dẫn đến thiếu hụt insulin nội sinh nghiêm trọng. Insulin là một hormone giúp đưa glucose trong máu đi vào các tế bào trong cơ thể để tạo năng lượng cho tế bào hoạt động.

Nếu không có insulin, glucose trong máu không thể đi vào tế bào và tích tụ dần trong máu dẫn đến tăng đường máu, trong khi các tế bào lại bị "đói năng lượng" do không thể tiếp nhận được glucose. Lượng đường trong máu tăng cao kéo dài sẽ gây hại cho cơ thể và gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng của bệnh tiểu đường.

Việc lựa chọn hình thức cũng như thời gian luyện tập nên phù hợp với điều kiện sức khỏe của người bệnh.

Bệnh tiểu đường type 1 là tình trạng bệnh lý xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất được hoặc sản xuất rất ít insulin.

Các yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường type 1

Theo nghiên cứu, bệnh tiểu đường type 1 chỉ chiếm khoảng 5% tổng số trường hợp mắc nhưng bệnh ảnh hưởng đến cả nam và nữ giới với tỷ lệ ngang nhau. Người bệnh có nguy cơ mắc tiểu đường type 1 cao hơn là những người có bố mẹ hoặc anh chị em ruột mắc tiểu đường type 1. Người da trắng, người dưới 20 tuổi… có nguy cơ mắc tiểu đường type 1.

Như vậy, có thể hiểu rằng nguyên nhân gây ra tiểu đường type 1 do cơ chế tự miễn (còn được gọi là type 1A) chiếm 95% trường hợp và 5% không rõ nguyên nhân (gọi là type 1B). Ở type 1A, do hệ miễn dịch tấn công nhầm và phá hủy các tế bào có nhiệm vụ sản xuất insulin ở tuyến tụy, người bệnh phải phụ thuộc nguồn insulin từ bên ngoài đưa vào.

Một vài yếu tố nguy cơ như nhiễm virus Coxsackie, Rubella, Cytomegalo... hoặc chế độ ăn tiếp xúc sớm với sữa bò cũng có liên quan tới việc khởi phát bệnh. Một số kháng thể kháng tế bào beta của tụy cũng có thể tìm thấy ở phần lớn bệnh nhân tiểu đường type 1.

Biểu hiện của bệnh tiểu đường type 1

Các biểu hiện của tiểu đường type 1 có thể khởi phát trong một thời gian ngắn từ vài tuần đến vài tháng. Các biểu hiện có thể là:

  • Người bệnh đi tiểu nhiều.
  • Khát nước nhiều
  • Uống nước nhiều
  • Sụt cân/Cảm thấy đói nhanh chóng (đặc biệt là sau khi ăn

Ngoài ra người bệnh tiểu đường type 1 luôn mệt mỏi, mờ mắt, thường xuyên bị nhiễm trùng da, đường tiết niệu hoặc âm đạo….

Các dấu hiệu của một tình trạng cấp cứu với bệnh nhân tiểu đường type 1 là:

  • Người bệnh xuất hiện ớn lạnh
  • Biểu hiện lú lẫn
  • Có biểu hiện thở nhanh, hơi thở có mùi hoa quả chín,
  • Người bệnh đau bụng,
  • Có biểu hiện mất ý thức (hiếm gặp)…

Bởi đây là các dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng hơn có thể khiến người bệnh nguy hại cho sức khỏe cần phải đến ngay cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị.

Bệnh tiểu đường type 1 các dấu hiệu cần cấp cứu - Ảnh 2.

Liệu pháp insulin là phương pháp điều trị chính cho bệnh tiểu đường type 1.

Nếu có các dấu hiệu của hạ đường huyết hãy cho bệnh nhân uống nước đường hoặc 1 cốc sữa không béo. Nếu không có thì cho bệnh nhân uống 1/3 lon nước ngọt… sau đó cho bệnh nhân đến bệnh viện sớm để được thăm khám, đánh giá nguy cơ biến chứng và đưa ra phương pháp điều trị.

Điều trị tiểu đường type 1

Liệu pháp insulin là phương pháp điều trị chính cho bệnh tiểu đường type 1. Mục tiêu của liệu pháp là thay thế hormone bị thiếu và đạt được chỉ số đường huyết theo mục tiêu.

Mục đích cần đạt khi điều trị insulin trong bệnh tiểu đường type 1 là mức đường huyết hằng ngày được sử dụng để theo dõi đường huyết và điều chỉnh quản lý ở cả trẻ em và người lớn, nhằm duy trì kiểm soát glucose gần mức bình thường nhất có thể. Nghĩa là cân bằng các nguy cơ biến chứng lâu dài của bệnh tiểu đường và hạ đường huyết.

- Ở trẻ em và thanh thiếu niên:

+ HbA1c < 7% cho hầu hết trẻ em và thanh thiếu niên

+ Mức đường huyết mục tiêu khoảng 80- 130 mg/dl trước bữa ăn, và 80- 140 mg/dl khi đi ngủ và qua đêm.

Mục tiêu ít nghiêm ngặt hơn với HbA1c < 7,5% có thể phù hợp với bệnh nhân trẻ tuổi và những người mắc bệnh tiềm ẩn làm hạn chế khả năng phát hiện các triệu chứng hạ đường huyết, những người bị hạ đường huyết không nhận thức được, những người không có máy theo dõi glucose... Mục tiêu thậm chí ít nghiêm ngặt hơn HbA1c< 8% đối với bệnh nhân có tiền sử hạ đường huyết nặng hoặc nhiều lần hôn mê vì hạ đường huyết.

Ngược lại, mục tiêu A1c < 6,5% được ADA đề xuất nếu có thể đạt được mà không bị hạ đường huyết hoặc gánh nặng chăm sóc quá mức.

- Ở người lớn:

Đối với người trưởng thành, A1c < 7% cân bằng tốt nhất các rủi ro của biến chứng lâu dài và hạ đường huyết.

Tóm lại: Bệnh tiểu đường type 1 không thể ngăn ngừa được, thậm chí không thể biết ai sẽ mắc bệnh hay sẽ không mắc căn bệnh này. Một số vấn đề chủ yếu trong điều trị bệnh tiểu đường type 1 là:

Người bệnh cần điều trị bằng Insulin, do vậy, cần tuân thủ chỉ định của các bác sĩ, không tự ý bỏ tiêm Insulin và không tự tìm kiếm các phương thức điều trị mà không tham vấn bác sĩ chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường.

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo bệnh nhân tiểu đường type 1 nên thử đường huyết thường xuyên, ít nhất 3 lần mỗi ngày để đạt mục tiêu điều trị.

Về chế độ ăn người bệnh cần lưu ý: Một chế độ ăn lành mạnh, đầy đủ tinh bột (carbohydrate) là cần thiết với lượng insulin tiêm vào cơ thể. Người bệnh tiểu đường type 1 cũng cần tập thể dục vì tập thể dục và vận động là yếu tố cấu thành lối sống khỏe mạnh, luôn tuân thủ chỉ định của bác sĩ điều trị.

Cần tập luyện phù hợp, luôn uống đủ nước đặc biệt trong những ngày nắng nóng. Tuân thủ lịch tái khám định kỳ và báo cáo bác sĩ khi có bất kỳ triệu chứng bất thường.

Mời xem video được quan tâm:

Nắng Nóng Cao Điểm Hơn 40 Độ C, Khi Nào Miền Bắc Có Mưa Giông Giải Nhiệt? | SKĐS


BS. Lê Đình Văn
Ý kiến của bạn