Bệnh tiểu đường type 1 có nguy hiểm không?

30-04-2024 10:47 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Bệnh tiểu đường type 1 (hay còn gọi là đái tháo đường type 1) xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trẻ tuổi. Nếu không tuân thủ điều trị và sử dụng thuốc, người bệnh sẽ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân gây ra tiểu đường type 1

Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường type 1 do tế bào beta ở tuyến tụy bị phá hủy khiến cơ thể không còn hoặc còn rất ít insulin. Điều này dẫn đến việc lượng đường trong máu người bệnh không hóa thành năng lượng.

Trong nguyên nhân gây ra tiểu đường type 1 thì đến 95% trường hợp do cơ chế tự miễn (còn được gọi là type 1A) và 5% không rõ nguyên nhân (gọi là type 1B). Ở type 1A do hệ miễn dịch tấn công nhầm và phá hủy các tế bào có nhiệm vụ sản xuất insulin ở tuyến tụy. Người bệnh phải phụ thuộc nguồn insulin từ bên ngoài đưa vào.

Tiểu đường type 1 là bệnh mạn tính kéo dài suốt đời. So với tiểu đường type 2 phổ biến và thường khởi phát muộn (trên 40 tuổi) thì tiểu đường type 1 ít phổ biến hơn, chiếm khoảng 5-10% tất cả các trường hợp tiểu đường, thường phát triển ở trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên. Tuy nhiên, bệnh tiểu đường type 1 cũng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Bệnh tiểu đường type 1 có nguy hiểm không?- Ảnh 1.

Theo dõi chỉ số đường huyết thường xuyên đề phòng biến chứng.

Hệ lụy khi điều trị tiểu đường type 1 không đúng chỉ định

Đối với bệnh nhân tiểu đường type 1, insulin đặc biệt quan trọng, nếu sử dụng thiếu insulin hoặc ngừng điều trị insulin đột ngột hoặc kèm theo các yếu tố nguy cơ khác như nhiễm trùng, chấn thương, stress, nhồi máu cơ tim… sẽ thúc đẩy nhiễm toan ceton do tiểu đường.

Đây là một biến chứng nặng thường xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường type 1 và có thể để lại các di chứng, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Nhiều biến chứng mạn tính khác của đái tháo đường type 1 cũng có thể xảy ra như các biến chứng mạch máu nhỏ như biến chứng thận dẫn đến suy thận, biến chứng võng mạc dẫn đến mù lòa; các biến chứng mạch máu lớn có thể gặp như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, bệnh động mạch chi dưới. Những biến chứng này gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, giảm chất lượng cuộc sống và giảm thời gian sống của bệnh nhân.

Bệnh nhân tiểu đường type 1 cũng dễ bị hạ đường huyết do sử dụng insulin không phù hợp. Một số bệnh nhân ăn quá ít tinh bột hoặc hoạt động thể chất quá mức có thể gây hạ đường huyết.

Trong điều trị tiểu đường type 1, chế độ dinh dưỡng hợp lý có vai trò đặc biệt quan trọng. Bệnh nhân tiểu đường type 1 cần có một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng cũng như lựa chọn những loại thực phẩm phù hợp ít gây tăng đường huyết và có lợi ích đến các biến chứng của bệnh. Trường hợp bệnh nhân tiểu đường type 1 ăn quá nhiều hoặc ăn quá ít đều ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị bệnh.

Bệnh tiểu đường type 1 có nguy hiểm không?- Ảnh 2.

Cần có chế độ ăn uống khoa học để phòng bệnh tiểu đường type 1.

Cần làm gì khi bị tiểu đường type 1?

Bệnh nhân tiểu đường type 1 thường gầy, do đó cần có chế độ ăn nhiều calo để cung cấp năng lượng. Ăn đủ các nhóm chất glucid (chất bột đường: cơm, phở, hủ tiếu, bún, mì, bánh mì, ngô, khoai…), lipid (chất béo: dầu thực vật) và protid (chất đạm: thịt, cá, đậu phụ…), chất xơ (rau các loại nên dùng trước các bữa ăn).

Cần tránh đường đơn từ bánh kẹo, mật, chocolate, sữa chua,… vì hấp thụ nhanh sẽ làm tăng tiết insulin sớm. Đường trong trái cây cũng hấp thụ nhanh, chỉ nên dùng cuối bữa ăn.

Ngoài ra, ăn uống lành mạnh và tập thể dục sẽ giúp cải thiện tác dụng insulin, giảm glucose trong máu, cải thiện các rối loạn chuyển hóa, tim mạch và tâm lý.

Tiểu đường type 1 cần điều trị insulin thường xuyên, kết hợp với các thuốc điều trị đái tháo đường để giúp cải thiện nhu cầu insulin sau ăn.

Bệnh nhân tiểu đường type 1 cần kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên. Lượng đường trong máu càng gần mức an toàn càng tốt để giúp ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường.

Ngoài những lưu ý về chế độ ăn uống, rèn luyện, sử dụng insulin đúng cách, người bị tiểu đường loại 1 cần đề phòng các biến chứng của tiểu đường. Bởi vì ngay cả những người kiểm soát tốt bệnh tiểu đường thì vẫn có khả năng phát triển các biến chứng này.

Cần lưu ý đi khám nếu có các biểu hiện sau:

  • Kiểm tra thấy lượng đường trong máu tăng cao hơn.
  • Tê, ngứa ran hoặc đau ở bàn chân, cẳng chân.
  • Có vấn đề về thị lực.
  • Vết loét hoặc nhiễm trùng ở bàn chân.
  • Tình trạng trầm cảm hoặc rối loạn lo âu.
  • Các triệu chứng cho thấy đường huyết quá thấp: yếu hoặc mệt mỏi, run rẩy, đổ mồ hôi, khó chịu, khó suy nghĩ, nhịp tim nhanh, nhìn đôi hoặc mờ mắt.
  • Các triệu chứng cho thấy đường huyết quá cao: khát nước, mờ mắt, khô da, suy nhược hoặc mệt mỏi, cần đi tiểu nhiều.
  • Chỉ số đường huyết dưới 70mg/dL (3.9 mmol/L).

Cần gọi cấp cứu 115 hoặc đến cơ sở y tế gần nhất nếu có triệu chứng:

  • Đau, tức ngực.
  • Đau thắt ngực.
  • Khó thở.
  • Mất ý thức.
  • Co giật.


BS. Nguyễn Văn Bàng
Ý kiến của bạn