Từ đầu tháng 5/2009 đến nay, tại Hà Nội và một số địa phương ghi nhận hơn 800 ca mắc tiêu chảy cấp và ít nhất 59 trường hợp đã được Viện Vệ sinh dịch tễ TW khẳng định dương tính với phẩy khuẩn tả. Tuy nhiên, sau những biện pháp quyết liệt của chính quyền và ngành y tế các địa phương cộng với sự tham gia của cộng đồng, dịch bệnh này đang dần được khống chế.
Ý thức phòng bệnh của dân đã nâng lên?
TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) cho biết, diễn biến dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả trong những ngày gần đây tại một số tỉnh, thành phố có xu hướng chững lại sau các biện pháp chống dịch quyết liệt, kiểm tra chặt chẽ các cơ sở cung cấp, chế biến và bán thịt chó như Hà Nội, Hải Phòng...
Tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia (CBTN&NĐQG), bệnh nhân tiêu chảy cấp ở Hà Nội nhập viện những ngày gần đây đã giảm dần. BS. Nguyễn Hồng Hà, Phó Viện trưởng Viện CBTN&NĐQG cho hay, trong những ngày cao điểm dịch, mỗi ngày có khoảng 40 bệnh nhân tiêu chảy cấp nhập viện. Tuy nhiên thời gian này, con số bệnh nhân nhập viện do tiêu chảy cấp đã giảm, còn 6-10 ca. Hiện tại, số bệnh nhân tiêu chảy cấp đang được điều trị tại viện là khoảng 60-70 bệnh nhân, chủ yếu nằm tại Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp.
Điều trị cho bệnh nhân tiêu chảy cấp ở BVĐK Hà Đông. |
Còn tại BV E, BS. Hoàng Hải Yến, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, tình trạng bệnh nhân tiêu chảy cấp nhập viện ồ ạt như thời điểm đầu của dịch đã không còn. Nếu trong lúc cao điểm, khoa tiếp nhận đến gần 30 bệnh nhân tiêu chảy cấp mỗi ngày thì giờ chỉ còn khoảng 2-3 bệnh nhân. Lý giải cho việc giảm đáng kể các ca tiêu chảy cấp nhập viện thời gian gần đây, BS. Yến cho rằng, có thể do ý thức của người dân sau thời điểm bùng phát dịch đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều người đã ý thức được nguy cơ mắc bệnh từ việc sử dụng các loại thực phẩm ô nhiễm và có nguy cơ ô nhiễm cao như thịt chó, rau sống, tiết canh...
Việc bước đầu khống chế và giảm dần các trường hợp mắc mới bệnh tiêu chảy cấp còn là kết quả bởi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương. Đối phó với dịch tiêu chảy cấp trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, Bộ Y tế đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện các giải pháp bao vây, dập dịch kịp thời không để dịch lan rộng. Viện VSDTTW đã vào tận Thanh Hóa - nguồn cung cấp thịt chó cho các cơ sở ở Hà Nội để điều tra xem nguồn gốc chó nhập về Thanh Hóa là từ đâu và tình hình mang vi khuẩn tả ở chó như thế nào, có hay không và ở mức độ nào?. Đây là bước khảo sát thực địa để phát triển tốt hơn nghiên cứu của Viện. Các cơ quan thông tin đại chúng đã tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng chống dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả, nêu đích danh các cơ sở chế biến kinh doanh thực phẩm không đạt yêu cầu ATVSTP trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Y tế cơ sở là đòn bẩy để dập dịch
Tại Hà Nội, ngay khi xuất hiện các ca bệnh, lực lượng y tế dự phòng thành phố đã kịp thời xử lý 100% các ổ dịch nghi ngờ tiêu chảy cấp nguy hiểm nên đã không xuất hiện bệnh nhân thứ phát tại những ổ dịch cũ.
Các địa phương khác cũng thể hiện sự quyết tâm dập dịch bằng nhiều biện pháp mạnh mẽ. Các cơ quan chức năng tại tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành phun hóa chất tiêu độc khử trùng môi trường nơi những bệnh nhân tả sinh sống và cho người nhà bệnh nhân uống thuốc dự phòng, tiến hành điều tra dịch tễ. Ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc TTYTDP tỉnh Thái Bình cho biết: "Ngày 13/5, 3 ca tiêu chảy cấp đầu tiên nhập viện ở Thái Bình cho kết quả dương tính với phẩy khuẩn tả đều là người ở Hà Nội về. Tính đến ngày 23/5, Thái Bình có 13 bệnh nhân tiêu chảy cấp, trong đó có 8 trường hợp biểu hiện lâm sàng nghi tả. Chúng tôi xem 13 bệnh nhân tiêu chảy cấp này như 13 ổ dịch tả để kiểm soát dịch".
Mặc dù đến thời điểm này, dịch tiêu chảy đã có dấu hiệu chững lại, song Bộ Y tế nhận định vấn đề ATVSTP còn nhiều tồn tại, do đó trong thời gian tới có thể sẽ ghi nhận thêm một số trường hợp mắc tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả. Phải nâng cao vai trò của UBND các cấp, các ban ngành, MTTQ, các lực lượng đoàn thể và cộng đồng. Mỗi người phải có ý thức thì mới giảm thiểu được hiện tượng mất ATVSTP và hạn chế sự lưu hành của vi khuẩn tả.
Thanh Tâm