1. Bệnh thủy đậu là gì?
Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thủy đậu có tên Varicella virus gây ra. Loại virus này là tác nhân gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn. Đây là bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng, có thể xảy ra ở cả trẻ em (phổ biến hơn) và người lớn. Mùa xuân thời tiết ẩm nồm là thời điểm bệnh thủy đậu bùng phát mạnh nhất.
Biểu hiện rõ rệt của thủy đậu là những mụn nước phồng rộp trên khắp cơ thể, ngay cả trong niêm mạc lưỡi và miệng. Mụn nước thường mọc từ trên đầu lan dần xuống mặt cổ rồi vai lưng người và xuống dưới.
Thủy đậu lây truyền từ người sang người bằng cách tiếp xúc trực tiếp, lây lan qua không khí từ các giọt nước bọt nhỏ li ti được tiết ra từ đường hô hấp (ho, hắt hơi, nói chuyện) hoặc lây từ các chất dịch ở nốt phỏng.
Ngoài ra, thủy đậu còn lây truyền gián tiếp qua những đồ vật bị nhiễm chất dịch của nốt phỏng. Như việc sử dụng chung đồ dùng cá nhân: bàn chải đánh răng, khăn mặt, ăn uống chung với người đang bị thủy đậu.
2. Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết bệnh thủy đậu
Trong một số trường hợp, nhất là ở trẻ em không có dấu hiệu bị thủy đậu rõ ràng. Ở giai đoạn toàn phát, triệu chứng của bệnh thủy đậu thường là sốt cao, đau đầu, chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, đau cơ. Những mụn nước với đường kính 1 – 3 mm xuất hiện toàn thân thậm chí xuất hiện cả trong niêm mạc miệng, gây ngứa rát, khó chịu cho người bệnh. Trong những trường hợp nặng, mụn nước sẽ to hơn. Khi nhiễm trùng, mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ.
Nếu không có biến chứng, giai đoạn hồi phục bệnh thủy đậu thường sau 7 – 10 ngày phát bệnh. Khi đó, các vết mụn nước sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước. Trong giai đoạn này, việc vệ sinh cơ thể cần đặc biệt chú trọng, tránh để nhiễm trùng vết thương dẫn đến sẹo.
Thủy đậu có những mụn nước phồng rộp trên khắp cơ thể, ngay cả trong niêm mạc lưỡi và miệng…
3. Các thuốc dùng chữa thủy đậu
3.1. Thuốc bôi ngoài da trị thủy đậu
Với các nốt mụn nước trên cơ thể, có thể dùng thuốc tím... để bôi lên nốt mụn nước nhằm kháng viêm và ngăn ngừa sẹo hình thành. Khi mụn nước bị vỡ ra, có thể sử dụng dung dịch xanh methylen, gel su bạc bôi lên.
Lưu ý, tuyệt đối không được dùng thuốc bôi mỡ tetracyclin và mỡ penicillin hay thuốc đỏ, thuốc bột rắc lên, vì sẽ gây bít tắc vết phỏng nước, dịch không thoát ra được gây nên nhiễm trùng sâu dưới da.
Tuyệt đối không được dùng thuốc bôi mỡ tetracyclin và mỡ penicillin hay thuốc đỏ, thuốc bột rắc lên.
3.2. Kháng histamin
Có thể dùng thuốc kháng histamin để giảm ngứa cho bệnh nhân thủy đậu. Tuy nhiên cần lựa chọn loại phù hợp cho từng độ tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, cho con bú.
3.3. Kháng sinh
Thuỷ đậu do virus gây nên, do đó kháng sinh không có tác dụng. Trừ trường hợp bội nhiễm như: Viêm mủ da, nhiễm trùng huyết, bội nhiễm biến chứng sau mắc thủy đậu... Tuy nhiên, với những trường hợp này, cần sử dụng thuốc theo chỉ định của thầy thuốc.
Tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh điều trị thủy đậu vì có thể không chữa được thủy đậu mà lại gây các tác dụng ngoại ý nguy hiểm cho sức khỏe.
3.4. Thuốc kháng virus
Thuốc kháng virus đường uống, có thể dùng trong vòng 24 giờ phát ban, giảm nhẹ thời gian triệu chứng và mức độ nghiêm trọng. Tuy nhiên, do bệnh nói chung là lành tính ở trẻ em, không nên thường xuyên điều trị bằng thuốc kháng virus.
Dùng valacyclovir, famciclovir hoặc acyclovir cho người khỏe mạnh có nguy cơ mắc bệnh từ trung bình đến nặng, bao gồm tất cả bệnh nhân ≥ 12 tuổi và những người có rối loạn da (đặc biệt là bệnh chàm) hoặc bệnh phổi mãn tính.
Acyclovir là thuốc kháng virus, đặc trị đối với bệnh thủy đậu. Thuốc có tác dụng ức chế sự phát triển của virus thủy đậu, hạn chế sự lan rộng của bệnh trên cơ thể. Thuốc bôi thủy đậu acyclovir có tác dụng hiệu quả nhất khi được sử dụng trong vòng 24 giờ trước khi nổi bọng nước, thời gian điều trị từ 5 - 7 ngày đến khi không có bọng nước mới xuất hiện nữa. Khi sử dụng, thoa một lớp kem mỏng lên các nốt thủy đậu, bôi 5 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 4 giờ. Tùy theo mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ có điều chỉnh liều lượng khác nhau.
Thủy đậu là một bệnh lành tính, có thể tự hồi phục. Vậy nên thuốc acyclovir chỉ nên được sử dụng trong trường hợp không hoặc khó có khả năng tự hồi phục như người nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ có thai, người mới ghép tạng, sử dụng corticoid dài ngày.
Acyclovir là một lựa chọn ít được ưa thích vì nó có khả năng sinh khả dụng theo đường uống thấp hơn. Trẻ vị thành niên và người lớn có thể uống acyclovir. Người lớn suy giảm miễn dịch cần được điều trị với acyclovir tiêm tĩnh mạch. Tuy nhiên, liều lượng và cách thức cần phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
3.5. Thuốc hạ sốt
Thuốc hạ sốt thường được sử dụng là paracetamol. Thuốc được cho là loại thuốc an toàn nhất để sử dụng với mục đích hạ sốt cho bệnh nhân thủy đậu. Sử dụng paracetamol đường uống, liều 10 – 15 mg/kg, ngày 4-6 lần. Paracetamol thường được sử dụng theo đường uống. Với trẻ nhỏ, có thể sử dụng viên đạn đặt hậu môn hoặc dạng dung dịch, hỗn dịch uống.
Lưu ý: Không nên dùng paracetamol quá liều khuyến cáo. Có thể sử dụng một số biện pháp khác để giảm nhiệt cho bệnh nhân như bổ sung các đồ ăn thanh nhiệt, lau người bằng nước ấm...
4. Lưu ý khi điều trị thủy đậu
Các trường hợp bệnh thủy đậu ở trẻ nhỏ chỉ cần điều trị triệu chứng.
Để ngăn ngừa nhiễm khuẩn thứ phát, bệnh nhân nên tắm thường xuyên, giữ vệ sinh quần áo lót cũng như vệ sinh tay, móng tay được cắt thường xuyên. Bệnh nhân không nên trở lại trường học hoặc làm việc cho đến khi những tổn thương cuối cùng đã đóng vảy
Lưu ý, không sử dụng aspirin hoặc các sản phẩm có chứa aspirin để hạ sốt do thủy đậu. Việc sử dụng aspirin ở trẻ em bị thủy đậu có liên quan đến Hội chứng Reye’s, một căn bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến gan và não và có thể gây tử vong.
Tuyệt đối không tự ý dùng dòng giảm viêm corticoid (medrol, mekocetin, dexamethasone...) uống hoặc bôi trong điều trị thủy đậu. Do thuốc này có thể gây ức chế miễn dịch khiến bệnh nặng lên nhiều.
5. Làm gì khi bị thủy đậu?
Khi mắc thủy đậu, người bệnh nên:
- Mặc đồ rộng, vải mềm và dễ thấm hút mồ hôi để tránh làm vỡ các nốt mụn nước.
- Cần tránh ra gió nhiều.
- Không gãi vào các nốt mụn nước thủy đậu, tránh để dịch lây lan ra nhiều hơn.
- Giữ gìn vệ sinh cơ thể bằng các dung dịch sát khuẩn, sử dụng nước ấm để tắm rửa nhẹ nhàng, không dùng nước lạnh hoặc nước quá nóng.
- Khi có dấu hiệu của những biến chứng do thủy đậu gây ra, cần đưa người bệnh đến ngay bệnh viện uy tín để khám chữa kịp thời.
- Cần chủ động cách ly tránh gây lây truyền bệnh sang cho người khác.
6. Phòng tránh thủy đậu thế nào?
Vaccine chống thủy đậu có hiệu quả cao và lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus thủy đậu, được áp dụng đối với các đối tượng sau:
- Tất cả trẻ em từ 12-18 tháng tuổi được tiêm 1 lần.
- Trẻ em từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi chưa từng bị thủy đậu lần nào cũng tiêm 1 lần.
- Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào thì nên tiêm 2 lần, nhắc lại cách nhau từ 4-8 tuần.
Hiệu quả bảo vệ của vaccine thủy đậu có tác dụng lâu bền. Nếu đã được chủng ngừa vaccine thủy đậu thì đại đa số từ 80-90% có khả năng phòng bệnh tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng còn khoảng 10% còn lại là có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu, khoảng dưới 50 nốt, và thường là không bị biến chứng.
Ngoài ra, khi có dấu hiệu nghi ngờ của thủy đậu nên khám bác sĩ để được hướng dẫn, theo sát và có phác đồ điều trị hiệu quả ngay từ đầu, tránh biến chứng đáng tiếc.
Xem thêm video đang quan tâm:
Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.