Hà Nội

Bệnh thủy đậu, chủng ngừa để được bảo vệ

07-07-2014 08:48 | Đời sống
google news

SKĐS - Bệnh thủy đậu thường nhẹ ở những trẻ em khỏe mạnh; tuy nhiên ở những người lớn hoặc người bị suy giảm miễn dịch thì bệnh có thể diễn biến nặng

Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, còn gọi là bệnh trái rạ hoặc bệnh bỏng rạ; có thể bùng phát thành dịch và do loại virút Varicella zoster gây nên. Bệnh thường nhẹ và diễn biến trong thời gian ngắn ở những trẻ em khỏe mạnh; tuy nhiên ở những người lớn hoặc người bị suy giảm miễn dịch thì bệnh có thể diễn biến nặng và có thể dẫn đến tử vong như trường hợp một bác sĩ 51 tuổi ở Sa Đéc, Đồng Tháp, tử vong vì mắc bệnh thủy đậu nhưng chủ quan. Tỉ lệ tử vong được các nhà khoa học thống kê chiếm khoảng từ 7 - 10% ở những người bị suy giảm miễn dịch; trong khi đó tỉ lệ tử vong chỉ chiếm tỉ lệ thấp từ 0,1 - 0,4% so với các trẻ em khỏe mạnh bình thường.

Đặc điểm của bệnh thủy đậu

Sau khi bị nhiễm virút, thời kỳ ủ bệnh của bệnh thủy đậu kéo dài khoảng từ 14 - 15 ngày. Bệnh khởi phát với các biểu hiện sốt, mệt mỏi, nhức đầu, đau mỏi cơ khớp, dễ bị kích thích ngứa rồi xuất hiện phát ban đỏ. Sau đó, có khoảng 75% số trẻ em nhiễm bệnh bị nổi các nốt phỏng trên da rải rác toàn thân nhất là ở da đầu, mặt, ngực, lưng và bụng. Những trường hợp nặng có thể có nốt phỏng da kèm theo xuất huyết. Các nốt phỏng dần dần sẽ vỡ ra và đóng vảy. Tổn thương gây nên do nốt phòng thường cạn nên ít khi để lại vết sẹo khi bong vảy. Thực tế cho thấy, có khoảng 5% các trường hợp bị mắc bệnh thủy đậu không có triệu chứng lâm sàng. Bệnh thủy đậu cấp tính có thể gây nên biến chứng viêm tiểu não, viêm màng não vô khuẩn, viêm tủy thoáng qua, giảm tiểu cầu và viêm phổi. Rất hiếm thấy các trường hợp bị tổn thương ở khớp và các nội tạng. Tuy nhiên, trong thời gian bị mắc bệnh thủy đậu, nếu điều kiện vệ sinh kém có thể dẫn đến bội nhiễm, gây nhiễm khuẩn da nặng hoặc nhiễm trùng máu do tụ cầu khuẩn.

Trẻ bị thủy đậu cần được chăm sóc,  vệ sinh và dinh dưỡng thật tốt. Ảnh chụp tại BV. Nhi đồng 1 TP.HCM

Trẻ bị thủy đậu cần được chăm sóc, vệ sinh và dinh dưỡng thật tốt. Ảnh chụp tại BV. Nhi đồng 1 TP.HCM

Chú ý không nên sử dụng các loại thuốc chống đau thuộc nhóm salicylate cho những bệnh nhân bị mắc bệnh thủy đậu vì dễ có nguy cơ dẫn đến hội chứng Leye gây sưng tấy gan và não được biểu hiện bằng triệu chứng lú lẫn, co giật, mất ý thức. Bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh xảy ra rất nặng do trẻ bị nhiễm trong thời kỳ chu sinh. Hội chứng thủy đậu bẩm sinh đã được các nhà khoa học thông báo phát hiện ở những phụ nữ bị mắc bệnh thủy đậu trong nửa thời gian đầu của thời kỳ thai nghén; có thể dẫn đến tình trạng dị dạng bào thai ở sọ, da hoặc các bất thường khác. Một số nghiên cứu đã ghi nhận phụ nữ mang thai vào tuần thứ 13 đến tuần thứ 20 bị mắc bệnh thủy đậu sẽ có nhiều tai biến xảy ra hơn.

Phòng bệnh thủy đậu bằng tiêm chủng vắc-xin

Các nhà khoa học đã khuyến cáo cách phòng bệnh thủy đậu tốt nhất là tiêm chủng vắc-xin. Loại vắc-xin truyền thống thường được sử dụng với tên thương mại là Varilrix, có thời gian bảo vệ trong thời gian trên 5 năm.

Vắc-xin thủy đậu là một loại vắc-xin rất ít gây phản ứng phụ ở tất cả trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có khả năng xảy ra phản ứng phụ ở một số trường hợp khi sử dụng. Ở những người khỏe mạnh, phản ứng tại chỗ tiêm thường nhẹ, nổi ban đỏ sần mụn nước xuất hiện ở 3,6% đối tượng được tiêm và hầu hết xảy ra trong vòng 3 tuần đầu sau khi tiêm; có khoảng 5% người tiêm vắc-xin bị sốt nhẹ với nhiệt độ 37oC đo được ở nách. Đối với những người có nguy cơ cao, các phản ứng tại chỗ tiêm thường nhẹ, có thể xuất hiện các ban đỏ sần mụn nước, hiếm khi kèm theo sốt nhẹ sau khi tiêm từ vài ngày cho đến vài tuần; những phản ứng này thường xảy ra ở khoảng dưới 25% số bệnh nhân bị bệnh bạch cầu được biểu hiện bằng những nốt ban đỏ nhẹ và biến mất nhanh, có xu hướng xuất hiện ở những bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu có suy giảm miễn dịch như các trường hợp đang được điều trị hóa trị liệu; việc xuất hiện những nốt ban đỏ này không gây ảnh hưởng đến việc điều trị cho bệnh nhân.

Vắc-xin thủy đậu chỉ được tiêm trong da, không được tiêm vào mạch máu vì dễ bị sốc phản vệ. Chống chỉ định sử dụng trong các trường hợp sốt cấp tính nặng, số lượng tế bào lympho dưới 1.200/mm3 máu, thiếu đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào, cơ thể dễ mẫn cảm với các thành phần của vắc-xin, phụ nữ có thai... Đồng thời cũng được chống chỉ định dùng đối với bệnh nhân bị bệnh bạch cầu, khi bệnh nhân tiêm vắc-xin trong giai đoạn cấp tính của bệnh thì không nên dùng hóa trị liệu 1 tuần trước và 1 tuần sau khi tiêm, số lượng tế bào lympho phải trên 1.200/mm3 máu, không có biểu hiện suy giảm đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào. Ngoài ra, bệnh nhân đang điều trị bằng tia phóng xạ; bệnh nhân có khối u ác tính hoặc có bệnh mãn tính nặng như suy thận nặng, bệnh tự miễn, bệnh chất tạo keo, hen phế quản nặng... chỉ được tiêm vắc-xin khi đã thuyên giảm các triệu chứng về huyết học, số lượng tế bào lympho dưới 1.200/mm3, không có biểu hiện khác về suy giảm đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào. Đối với bệnh nhân chuẩn bị cấy ghép các cơ quan, có thể tiêm vắc-xin vài tuần trước khi sử dụng liệu pháp điều trị giảm miễn dịch. Bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa và nội tiết, bệnh phổi và tim mạch mãn tính, bệnh màng trong và rối loạn thần kinh - cơ cũng chống chỉ định sử dụng vắc-xin. Một điều cần lưu ý như khi sử dụng này cũng giống như các loại vắc-xin khác, phải chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để chống sốc; trẻ em sau khi tiêm phòng vắc-xin phải được theo dõi tại cơ sở y tế trong khoảng thời gian 30 phút.

Một số điều cần chú ý khi sử dụng vắc-xin

Phải sử dụng vắc-xin ngay sau khi được hồi chỉnh. Nên hoãn tiêm vắc-xin ít nhất là 3 tháng đối với các trường hợp đang dùng globulin miễn dịch hoặc truyền máu vì vắc-xin có thể không có tác dụng do bệnh nhân có kháng thể kháng thủy đậu tự động.

Đối với người khỏe mạnh, có thể tiêm vắc-xin Varilrix cùng với các loại vắc-xin khác nhưng ở những vị trí tiêm khác nhau. Nếu uống vắc-xin bại liệt cùng một lúc với tiêm vắc-xin Varilrix thì phải uống trước hoặc sau khi tiêm vắc-xin Varilrix 1 tháng với mục đích một mặt để phòng ngừa sự tương tác giữa vắc-xin qua kích thích interferon và mặt khác để giảm đến mức tối thiểu nguy cơ bị bại liệt liên quan đến vắc-xin. Một số trường hợp có thể gặp phản ứng phụ nhiều hơn sau khi tiêm cùng lúc vắc-xin Varilrix với một loại vắc-xin khác có tính gây phản ứng phụ cao hơn.

Đối với người có nguy cơ cao, không được tiêm vắc-xin Varilrix cùng lúc với các loại vắc-xin giảm độc lực khác. Các loại vắc-xin bất hoạt có thể được tiêm trước hay sau khi tiêm vắc-xin Varilrix miễn là không có chống chỉ định đặc biệt. Các loại vắc-xin khác nhau phải được tiêm ở những vị trí khác nhau và cần chú ý không được trộn vắc-xin Varilrix với các loại vắc-xin khác trong cùng một bơm tiêm.

Vắc-xin Varilrix phòng bệnh thủy đậu được tiêm với liều lượng 0,5ml và chỉ được tiêm dưới da. Trẻ em từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi tiêm 1 liều. Trẻ em từ 13 tuổi trở lên tiêm 2 liều cách nhau từ 6 đến 10 tuần.

TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH

 

 


Ý kiến của bạn