Bệnh thường gặp của tuyến giáp và ung thư tuyến giáp

24-09-2019 15:03 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Tuyến giáp có hình dạng giống như một con bướm nhỏ và nằm ở cổ, có nhiệm vụ kiểm soát quá trình trao đổi chất và chuyển hóa trong cơ thể.

Khi rối loạn chức năng tuyến giáp có thể gây ra các bệnh cường tuyến giáp trạng, suy tuyến giáp, bướu lành tuyến giáp trạng và ung thư tuyến giáp trạng rất nguy hiểm. Ung thư tuyến giáp là ung thư tuyến nội tiết thường gặp nhất. Đa số ung thư tuyến giáp là carcinôm biệt hóa tốt, tiến triển âm thầm, giai đoạn ẩn bệnh kéo dài, điều trị chính yếu là phẫu thuật.

Nhận biết các bệnh thường gặp của tuyến giáp

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết hình móng ngựa, nằm ở trước cổ, tiết ra chất nội tiết tố thyroxin (T4) có vai trò điều hòa sự phát triển của các cơ quan, thúc đẩy sự hoạt động, trưởng thành của mọi tế bào. Sự hoạt động của tuyến giáp được điều hòa bởi tuyến yên theo cơ chế: tuyến yên tiết ra chất TSH (thyroid stimulating hormon), thúc đẩy tuyến giáp trạng tiết ra T4. Khi nồng độ T4 trong máu giảm, tuyến yên lại tiết thêm TSH, thúc đẩy tuyến giáp tiết đủ lượng T4 cần thiết. Ngược lại nếu nồng độ T4 trong máu đã đủ hoặc cao thì tuyến yên tiết ít TSH đi, theo đó tuyến giáp sẽ tiết ít T4 phù hợp với nhu cầu cơ thể. Do đó khi có rối loạn về thần kinh và thể dịch, sẽ dẫn đến các bệnh của tuyến giáp.

Kiểm tra tuyến giáp cho bệnh nhân tại BV Nội tiết Trung ương. Ảnh: TM.

Kiểm tra tuyến giáp cho bệnh nhân tại BV Nội tiết Trung ương. Ảnh: TM.

Theo thống kê, trong vòng 4 năm qua, số lượt người mắc bệnh lý tuyến giáp đến khám tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tăng gấp 3 lần (năm 2014 là 27.445 lượt, sang năm 2017 là 74.703 lượt) và theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nước ta có khoảng trên 3,6 triệu người bị rối loạn chức năng tuyến giáp. Tỷ lệ chẩn đoán sớm bệnh lý tuyến giáp mới chỉ khoảng 50%; tỷ lệ điều trị rất thấp, chỉ khoảng 10% bệnh nhân suy giáp và 24% bệnh nhân cường giáp trong số những bệnh nhân đã có chẩn đoán được điều trị.

Suy tuyến giáp: Suy giáp là một hội chứng gồm các triệu chứng lâm sàng gây ra do hormon giáp giảm thấp trong máu. Tần suất bệnh gia tăng theo tuổi. Tỷ lệ nữ mắc bệnh cao hơn nam. Đây là một bệnh hay gặp trong lâm sàng nội khoa cũng như ngoại khoa, bệnh xảy ra do tự miễn chiếm khoảng 50%; ức chế do thuốc;  xảy ra  sau điều trị xạ trị, phẫu thuật, liệu pháp thay thế hormon không thích hợp. Tuy nhiên, đôi khi suy giáp xảy ra không rõ nguyên nhân, do hút thuốc...

Các triệu chứng điển hình của suy giáp là mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức, có khi tăng cân. Sợ lạnh, da khô và thô, da tái lạnh; tóc dễ rụng gãy, rụng lông mày, lông nách... Phù niêm mạc toàn thể, da mỡ (trông láng bóng), thâm nhiễm các cơ quan như mi mắt (nặng mí mắt), lưỡi (lưỡi to dày), thanh quản (nói khàn, khó thở), cơ (gây giả phì đại cơ); dễ táo bón; suy nghĩ và vận động chậm chạp, nói chậm, trí nhớ giảm...

Cường tuyến giáp trạng: Cường giáp là tình trạng có quá nhiều hormon tuyến giáp trong cơ thể. Sự dư thừa nồng độ của hormon giáp làm tăng chuyển hóa (cách sử dụng năng lượng) và tăng nguy cơ bị những bệnh khác như bệnh tim, loãng xương và những vấn đề gặp trong khi đang mang thai.

Những nguyên nhân gây cường giáp thường gặp bao gồm: bướu giáp độc lan tỏa (bệnh Grave, bệnh Basedow): tăng hoạt toàn bộ tuyến giáp do các kháng thể trong máu kích thích tuyến giáp phát triển và tiết ra một lượng lớn hormon giáp; u độc tuyến giáp; bướu giáp độc đa nhân (bệnh Plummer; viêm tuyến giáp bán cấp; cường giáp do thuốc)...

Các triệu chứng điển hình của cường giáp tùy thuộc vào độ dài và độ lan rộng của tình trạng tăng tiết hormon giáp quá mức và tuổi của bệnh nhân. Bệnh nhân có thể gặp những triệu chứng sau: căng thẳng và kích thích; đánh trống ngực và tim đập nhanh; run giật; sụt cân hoặc tăng cân. Bệnh nhân tăng số lần đi cầu hoặc bị tiêu chảy; phù nề phần thấp ở chân; bị liệt đột ngột; khó thở khi gắng sức; rối loạn giấc ngủ (bao gồm mất ngủ); thay đổi thị giác: sợ ánh sáng hoặc nhạy cảm với ánh sáng; kích ứng mắt kèm với tăng tiết nước mắt; nhìn đôi; lồi mắt; mệt mỏi và yếu cơ...

Ung thư tuyến giáp: So với tỷ lệ mắc các loại ung thư khác thì ung thư tuyến giáp là bệnh hiếm gặp. Ngày nay tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp ở cả nam và nữ có xu hướng tăng nhanh hơn so với các loại ung thư khác. Mặc dù mắc ung thư là một điều gì đó hết sức khủng khiếp nhưng đối với riêng ung thư tuyến giáp mọi điều dường như tươi sáng hơn.

Bệnh ung thư tuyến giáp hay gặp ở những người có tiền sử phơi nhiễm bức xạ liều cao, tiền sử có người ung thư tuyến giáp trong gia đình và trên 40 tuổi. Tuy nhiên, đối với phần lớn bệnh nhân vẫn chưa có nguyên nhân cụ thể nào gây ra ung thư tuyến giáp.

Ung thư tuyến giáp thường không có triệu chứng lâm sàng điển hình, xét nghiệm chức năng của tuyến giáp vẫn trong giới hạn bình thường. Nhân tuyến giáp chủ yếu được phát hiện tình cờ trên siêu âm hoặc CT khi đi khám những bệnh khác không mấy liên quan đến tuyến giáp. Đôi khi, bệnh nhân tự phát hiện thấy u vùng cổ khi soi gương, đóng khuy cổ áo hoặc đeo dây chuyền. Rất hiếm khi ung thư hoặc nhân tuyến giáp có thể gây triệu chứng. Tuy nhiên cũng một vài trường hợp có biểu hiện đau cổ, hàm hoặc tai. Nếu nhân tuyến giáp đủ lớn thì nó có thể chèn ép vào thực quản hoặc khí quản gây ra cảm giác nuốt vướng, khó thở hoặc cảm giác “mắc ở cổ họng”. Ít gặp hơn, bệnh nhân có thể bị khàn tiếng do u chèn ép vào dây thần kinh điều khiển giọng nói.

Các bệnh tuyến giáp nếu không được điều trị sớm sẽ gây ra rất nhiều vấn đề về sức khỏe, người bệnh sẽ phải đối mặt với tình trạng rối loạn chức năng tuyến giáp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống, sức lao động, kể cả tử vong sớm, trong khi đó các triệu chứng của bệnh không đặc trưng và rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác. Vì vậy, việc khám sức khỏe định kỳ, tầm soát bệnh lý tuyến giáp là rất cần thiết, ngoài ra, khi có biểu hiện nghi ngờ cần tới cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được khám, tư vấn và điều trị thích hợp.


BS. Trần Văn Trung
Ý kiến của bạn