Bệnh thoái hoá hoàng điểm

20-10-2015 07:40 | Y học 360
google news

SKĐS - Thoái hóa hoàng điểm tuổi già là tình trạng hoàng điểm bị thoái hóa ở người lớn tuổi, làm ảnh hưởng đến khả năng nhìn của bệnh nhân và có thể gây mất thị lực nghiêm trọng.

Thoái hóa hoàng điểm tuổi già là tình trạng hoàng điểm bị thoái hóa ở người lớn tuổi, làm ảnh hưởng đến khả năng nhìn của bệnh nhân và có thể gây mất thị lực nghiêm trọng. Việc tầm soát và điều trị bệnh sớm là vô cùng quan trọng nhằm làm chậm tiến triển hoặc giảm độ nặng của bệnh, ngăn chặn mất thị lực trầm trọng hay cải thiện thị lực.

Bệnh thoái hóa hoàng điểm do tuổi già (THHĐTG) là gì ?

Hoàng điểm nằm ở trung tâm của võng mạc, là nơi tập trung chủ yếu các tế bào thần kinh thị giác tinh tế nhất. Vùng hoàng điểm số tế bào hình nón vượt trội so với số tế bào que, chính các tế bào hình nón này giúp mắt nhìn rõ các chi tiết của hình ảnh (đường nét, màu sắc). Theo thời gian xuất hiện những rối loạn nuôi dưỡng hoàng điểm, tạo ra các mạch máu bất thường và làm rối loạn về cấu trúc của hoàng điểm sẽ gây ra bệnh lý thoái hóa hoàng điểm do tuổi già. Như vậy, THHĐTG là tình trạng hoàng điểm bị thoái hóa ở người lớn tuổi, làm ảnh hưởng đến khả năng nhìn của bệnh nhân và có thể gây mất thị lực nghiêm trọng. THHĐTG chia ra làm 2 thể:

THHĐTG thể khô hay teo: cấu trúc võng mạc tại hoàng điểm bị teo thoái hóa gây giảm thị lực từ từ.

THHĐTG thể ướt hay tân mạch: tại hoàng điểm có nhiều mạch máu bất thường phát triển làm phá vỡ cấu trúc bình thường của hoàng điểm, gây bong biểu mô sắc tố, xuất huyết võng mạc sinh ra một số cấu trúc sẹo xơ mạch vùng hoàng điểm làm thị lực giảm nhanh chóng.

Bệnh thoái hoá hoàng điểm
Thoái hóa hoàng điểm cần được phát hiện và điều trị sớm.

Trong khi THHĐTG thể khô phổ biến hơn với tỷ lệ 90%, THHĐTG thể ướt ít gặp chỉ 10% trường hơp nhưng lại là những tổn thương nặng nề gây mất thị lực đến 90% trường hợp. Khoảng 10-20% trường hợp THHĐTG thể khô có thể chuyển sang dạng THHĐTG thể ướt.

Các yếu tố nguy cơ

Tuổi già (từ 50 tuổi trở lên), tiền sử gia đình có người mắt bị THHĐTG, phụ nữ, hút thuốc lá, tiếp xúc với môi trường ô nhiễm - đặc biệt là khói thuốc lá, tăng huyết áp, cholesterol máu cao, béo phì, tiếp xúc ánh nắng mặt trời và tia tử ngoại liều cao và kéo dài là những yếu tố làm tăng nguy cơ bị THHĐTG.

Triệu chứng của bệnh

Bệnh thường xuất hiện ở người lớn tuổi, trong giai đoạn sớm bệnh nhân có thể không cảm thấy triệu chứng rõ ràng. Ban đầu, BN có thể nhìn thấy vật bị biến dạng (ví dụ: khó khăn trong việc nhận biết khuôn mặt, nhìn đường thẳng trở thành dạng sóng hoặc méo mó…); giảm bớt hoặc thay đổi trong việc cảm nhận màu sắc; đọc sách rất khó khăn. Tiếp theo là giai đoạn nhìn tối hoặc mờ vùng thị trường trung tâm như có màn sương che phủ trước mắt, màn sương này ở trung tâm, còn vùng xung quanh vẫn sáng bình thường. Theo thời gian, vùng bị ảnh hưởng có thể phát triển rộng hơn và trở nên tối hơn, xuất hiện điểm mù ở vùng thị trường, thị lực người bệnh suy giảm nhanh và có thể mất thị lực trung tâm. Triệu chứng có thể ở một mắt hoặc cả hai mắt.

Hậu quả của việc không điều trị

Bệnh hiếm khi gây mù hoàn toàn nhưng làm giảm khả năng nhìn chi tiết mọi vật và làm giảm chất lượng cuốc sống ở người có tuổi. Nếu không được chuẩn đoán và điều trị sớm, THHĐTG có thể tiếp tục diễn tiến làm giảm thị lực, hoặc gia tăng mất thị lực trung tâm nhiều hơn. Điều này làm tầm nhìn “thẳng” bị hạn chế đáng kể và cuối cùng có thể dẫn đến “mù”. Một khi cả 2 mắt đều bị ảnh hưởng, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

THHĐTG thể ướt có thể gây ra tình trạng tổn thương thị lực không phục hồi.

Việc tầm soát và điều trị sớm vô cùng quan trọng. Nếu bạn đã được chẩn đoán THHĐTG, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa mắt để được điều trị sớm nhằm: làm chậm tiến triển hoặc giảm độ nặng của bệnh; ngăn chặn mất thị lực trầm trọng; cải thiện thị lực.

Điều trị thế nào?

Hiện nay chưa có biện pháp điều trị THHĐTG thể khô. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn sẽ mất thị lực hoàn toàn. THHĐTG thể khô thường tiến triển chậm, vì vậy nhiều người mắc bệnh vẫn có thể sống cuộc sống khá bình thường và có ích, nhất là khi chỉ có một mắt bị bệnh.

Còn đối với bệnh THHĐTG thể ướt, hiện nay các bác sĩ thường lựa chọn một trong các phương thức điều trị như:

Liệu pháp quang động (PDT): liệu pháp này dùng để điều trị tân mạch hắc mạc (CNV) nằm trực tiếp dưới hố trung tâm (fovea) nằm ở trung tâm hoàng điểm và ở mắt bình thường nó cho thị lực rõ nét nhất. Thủ thuật phối hợp laser năng lượng cực thấp không sinh nhiệt và 1 loại thuốc nhạy ánh sáng được tiêm vào mạch máu.

Ức chế yếu tố tăng sinh mạch máu: từ năm 2005 đến nay, với sự ra đời của thuốc ức chế tăng sinh mạch máu đã tạo bước đột phá trong điều trị bệnh. Các bệnh lý đáy mắt liên quan đến tình trạng thiếu oxy tế bào, làm kích thích biểu mô sắc tố võng mạc sản sinh ra các yếu tố tăng sinh mạch máu, tăng tổng hợp các tế bào nội mô mạch máu, tuy nhiên trong điều kiện cấp bách thì các tế bào nội mô mới hình thành không bền làm tăng tính thấm thành mạch làm rò rỉ dịch ra ngoài mạch máu xâm nhập vào các mô lân cận. Các nghiên cứu cho thấy trong bệnh THHĐTG thể ướt thì nồng độ VEGF-A tăng cao. Việc khóa các yếu tố tăng sinh mạch máu VEGF-A là mấu chốt trong điều trị các trịệu chứng của THHĐTG thể ướt...

Phát hiện sớm và ngăn ngừa bệnh

Việc phát hiện và điều trị sớm THHĐTG (AMD) là rất quan trọng nhằm bảo tồn thị lực còn lại cho bệnh nhân, giúp ngăn ngừa mù lòa cho những người đã bị một mắt. Cách tốt nhất là người bệnh phải đi khám mắt định kỳ mỗi năm một lần và khi đã được chẩn đoán THHĐTG, người bệnh có thể tự theo dõi diễn tiến của bệnh bằng lưới Amsler để có thể thăm khám và điều trị kịp thời nếu có các triệu chứng tăng nặng.

BS. Đức Hiền

 

 

 

 


Ý kiến của bạn