Ghi nhận tại các cơ sở y tế ở Tuần Giáo (Ðiện Biên), Than Uyên (Lai Châu) cho thấy, thời gian qua, số bệnh nhân mắc bệnh than có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân, các trường hợp mắc đều do tiếp xúc trong quá trình lao động và ăn thịt gia súc mắc bệnh, chết. Ðáng nói, đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây tử vong nhanh, bệnh thường xảy ra ở những vùng nông thôn, miền núi nhưng người dân vẫn lơ mơ về căn bệnh này và “điếc không sợ súng”.
Nhiều trường hợp mắc
Theo báo cáo của Trung tâm y tế huyện Tuần Giáo (Điện Biên), chỉ trong hơn 1 tháng (8/5-25/6/2011) trung tâm đã tiếp nhận và điều trị cho 27 trường hợp ở bản Nậm Mu, Noong Luông và bản Bon A, xã Phình Sáng mắc bệnh than. Các bệnh nhân đều có chung triệu chứng sốt, mệt mỏi, trên da có các nốt, đám loét màu đen, phù xung quanh vùng loét... Điều tra nguyên nhân, cả 6 trường hợp trên đều tiếp xúc, giết mổ và ăn thịt trâu mắc bệnh chết.
Trong tháng 6, Trung tâm y tế huyện Than Uyên (Lai Châu) cũng đã tiếp nhận 13 trường hợp ở các bản Nam, Củng, Khen (xã Ta Gia) và 2 trường hợp ở thị trấn Than Uyên và bản Đông (xã Phúc Than) trong tình trạng ngứa, mụn nước tại mu bàn tay, sau đó xuất hiện các vết loét màu đen, phù nhẹ, không đau. Sau khi căn cứ vào triệu chứng lâm sàng và theo dõi điều trị các bác sĩ kết luận những bệnh nhân trên bị nhiễm bệnh than. Hiện trong số 15 trường hợp mắc đã có 1 trường hợp tử vong vì căn bệnh này do đến khám và điều trị muộn.
Khuẩn Bacillus anthracis gây bệnh than. Ảnh: TL |
Tiếc của nên mắc bệnh
Điều tra dịch tễ các trường hợp mắc bệnh than trên cho thấy, nguyên nhân ban đầu là do tiếp xúc trực tiếp giết mổ và ăn thịt các gia súc (trâu, bò, ngựa) bị mắc bệnh. Đáng nói, tất cả các trường hợp mắc bệnh trên đều là bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa do kém hiểu biết cộng với tiếc của nên khi trong bản có gia súc chết đã tự ý thịt, giết mổ ăn và bán ra thị trường. Bên cạnh đó, thực tế tại địa phương có trường hợp mắc bệnh than là những thôn, bản cách xa khu trung tâm xã, nơi có địa hình rừng núi phức tạp, trình độ dân trí còn hạn chế, đời sống và phong tục tập quán lạc hậu nên chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Điều đó đã dẫn đến tình trạng người dân biết gia súc chết vì bệnh mà vẫn đem thịt ăn. Bởi vậy, việc lây lan ra cộng đồng là khó tránh khỏi.
Cơ chế lây nhiễm
Bệnh than là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn Bacillus anthracis gây ra. Người mắc bệnh than khi nhiễm phải bào tử của Bacillus anthracis qua vết xước trên da, qua đường hô hấp hoặc tiêu hóa. Bệnh lây do tiếp xúc trực tiếp với gia súc (trâu, bò, ngựa, dê...) bị bệnh (mổ xác, pha thịt) hoặc gián tiếp qua các vật phẩm bị ô nhiễm (len, dạ, đất) hoặc (rất hiếm) do hít phải bào tử (thể phổi ở thợ chải len) hay ăn phải thịt bị nhiễm khuẩn nấu chưa chín kĩ. Trực khuẩn than có thể tồn tại rất lâu ở môi trường trong dạng bào tử. Bào tử trực khuẩn than có sức đề kháng tốt, đề kháng với nhiệt, khô hạn, tia cực tím, bức xạ gamma và nhiều chất sát khuẩn. Bào tử trực khuẩn than sống được nhiều năm trong đất, nước, bề mặt các vật dụng..., kể cả trong những điều kiện khắc nghiệt, nhiệt độ cao bào tử vẫn có thể tổn tại được. Đặc biệt, ở môi trường đất thuận lợi (độ ẩm nhiều, ô nhiễm đất do các chất thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp...) bào tử có thể tồn tại trong vài thập kỷ.
Bệnh diễn biến nhanh, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây những biến chứng nguy hiểm như: tổn thương não, suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, mất nước, mất máu, thủng ruột... tỷ lệ tử vong cao. Khi mắc bệnh than, người bệnh có triệu chứng sốt, mệt mỏi, đau đầu, trên da xuất hiện các nốt, đám loét màu đen, phù xung quanh vùng loét và có xu hướng lan rộng.
Tổn thương da do mắc bệnh than. |
Các
thể bệnhTùy vị trí tổn thương, người bệnh có những thể lâm sàng sau:
Bệnh than ngoài da
Chiếm 95% các trường hợp nhiễm bệnh than. Do trong quá trình lao động, giết mổ, tiếp xúc trực tiếp vùng da bị tổn thương, trầy xước với gia súc mắc bệnh, chết hoặc môi trường đất chứa trực khuẩn hoặc bào tử trực khuẩn than. Vị trí tổn thương thường ở đầu cổ, các chi.
Sau khi nhiễm trực khuẩn than khoảng 3-5 ngày (nếu nhiễm bào tử 7-10 ngày thậm chí lâu hơn) xuất hiện một số nốt sần đỏ nhỏ trong da. Sau 4-6 ngày tổn thương tiến triển qua các giai đoạn mụn, phồng nước hoặc bọng nước và tạo thành ổ loét có vảy hoại tử màu đen, xung quanh ổ loét bao bọc bởi vùng phù nề rộng, màu nâu. Tổn thương ở giai đoạn đầu gây ngứa, ở giai đoạn toàn phát thì gây đau. Nếu loét hoại tử có mủ, đau và bệnh nhân bị sốt. Phù ở mặt, cổ thường lan rộng hơn so với phù ở thân hoặc các chi.
Bệnh than đường tiêu hóa
Bệnh than đường tiêu hóa là một thể bệnh nặng. Sau khi ăn thịt động vật mắc bệnh có chứa bào tử, có thể xảy ra các triệu chứng sốt, đau bụng, táo bón hoặc tiêu chảy. Phân có màu bã cà phê hoặc lẫn máu. Sau khi khởi phát 2-4 ngày, có thể xuất hiện cổ trướng kèm với giảm đau bụng. Dịch cổ trướng có thể trong hoặc có mủ. Bệnh nhân có thể tử vong do thủng ruột hoặc nhiễm độc ngoại độc tố.
Bệnh than đường hô hấp
Thể bệnh này hiếm gặp trong tự nhiên nhưng có thể có tần suất cao trong trường hợp bào tử bệnh than được dùng làm vũ khí sinh học. Khi bào tử bệnh than được dùng dưới dạng khí dung, nó có thể lan xa trong khí quyển và thâm nhập vào đường hô hấp và gây bệnh với tỉ lệ tử vong cao. Triệu chứng lâm sàng ban đầu gần giống nhiễm siêu vi đường hô hấp trên với sốt, ho khan, đau cơ, mệt mỏi. Sau 1-3 ngày, bệnh nhân thấy khó thở, ho, rét run, choáng và hôn mê... nếu không được điều trị kịp thời dẫn đến tử vong nhanh.
Phòng bệnh không khó
Do bệnh lây trực tiếp từ gia súc bị bệnh sang người, bởi vậy biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là không được tiếp xúc, giết mổ và ăn thịt gia súc mắc bệnh. Khi gia súc mắc bệnh phải tiêu hủy và chôn xa nơi ở. Những người thường xuyên tiếp xúc với vật nuôi hoặc xác súc vật bị ốm nên mang ủng, găng tay cao su, quần dài và áo sơ mi dài tay. Tránh vùng da hở, da bị tổn thương tiếp xúc với gia súc. Sau khi tiếp xúc với vật nuôi, rửa tay và bất kỳ chỗ da nào hở ra bằng xà phòng dưới vòi nước.
Với địa bàn có ổ bệnh xảy ra, cần triển khai phun thuốc xử lý môi trường, chất thải của gia súc và người bệnh. Đặc biệt, khi người trong gia đình có biểu hiện mắc bệnh than, phải kịp thời đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, chăm sóc và điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Hạnh