Bệnh thận ở nam giới có gì khác biệt?

18-03-2013 08:16 | Phòng mạch online
google news

Bệnh lý thận và hệ tiết niệu là loại bệnh thường gặp ở cả hai giới nam và nữ. Tuy nhiên, ở mỗi giới bệnh lý này có những đặc điểm riêng.

Bệnh lý thận và hệ tiết niệu là loại bệnh thường gặp ở cả hai giới nam và nữ. Tuy nhiên, ở mỗi giới bệnh lý này có những đặc điểm riêng. Trên cơ sở những kinh nghiệm đúc kết được cùng với những nghiên cứu khoa học trong một thời gian dài, các nhà khoa học đã đưa ra những loại bệnh liên quan đến hệ thống tiết niệu hay gặp ở giới nam, các biểu hiện đặc trưng cũng như các giải pháp điều trị phù hợp. Sau đây xin giới thiệu các bệnh hệ tiết niệu mà nam giới hay gặp phải.

Bệnh cầu thận

Viêm cầu thận là tình trạng tổn thương đơn vị chức năng của thận. Biểu hiện chính của viêm cầu thận là phù, đái ít và tăng huyết áp. Ngoài ra, khi xét nghiệm nước tiểu thường thấy đạm niệu, hồng cầu niệu, trụ niệu và các thành phần viêm bất thường khác.

Viêm cầu thận do nhiều nguyên nhân khác nhau. Viêm cầu thận sau nhiễm khuẩn là một loại bệnh hay thấy ở nam giới trẻ tuổi. Trẻ trai hay nam thanh niên sau một đợt nhiễm khuẩn răng miệng, hầu họng hay viêm nhiễm ngoài da thấy phù to lên, nước tiểu hồng màu máu, tăng huyết áp, đau đầu. Lúc này cần đến bệnh viện khám ngay để xác định chẩn đoán và điều trị kịp thời nếu không sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính khó chữa trị.

Bệnh thận ở nam giới có gì khác biệt? 1
Liên quan giữa hệ tiết niệu và cơ quan sinh dục nam.

Viêm cầu thận tiên phát hay gặp ở nam giới trong khi loại tổn thương thứ phát hay gặp ở giới nữ hơn. Hiếm khi gặp bệnh cầu thận do Lupus ban đỏ hệ thống ở nam giới. Tuy nhiên, khi nam giới mắc loại thể bệnh này thường nặng nề, thận nhanh chóng bị mất chức năng, các cơ quan khác như tim, phổi, gan mật tổn thương cũng nặng và đáp ứng điều trị cũng kém. Tiên lượng những bệnh nhân này thường xấu hơn. Ngày nay, nhờ những kỹ thuật hiện đại các thầy thuốc có thể cải thiện tốt hơn chất lượng điều trị ở nhóm bệnh này. Phương pháp hay được áp dụng hiện nay là sử dụng một loại màng đặc biệt để lọc hết các phức hợp miễn dịch gây bệnh, hấp phụ các yếu tố viêm và thay toàn bộ huyết tương. Kỹ thuật này đã được thực hiện ở một số bệnh viện và cho nhiều kết quả khả quan. Chú ý khi bị bệnh cầu thận cần phải theo dõi sát sao cân nặng, huyết áp, màu sắc và số lượng nước tiểu. Người bệnh cũng cần ăn nhạt hơn và được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng.

Nhiễm khuẩn tiết niệu

Nguyên nhân chính là các loại vi khuẩn gram âm chiếm tới 90%. Vi khuẩn thường đi ngược lên từ niệu đạo vào bàng quang rồi ngược lên bể thận.

Biểu hiện chính của nhiễm khuẩn tiết niệu là đái buốt, đái rắt, đái đục, nặng hơn là đái mủ đái máu. Người bệnh thường có cảm giác đau buốt lúc đi tiểu, đau thường nóng rát và tăng lên cuối bãi. Khi bệnh nhân thấy sốt, đau vùng hông lưng, hay đái ra mủ, đái ra máu cần phải nghĩ nhiễm khuẩn đã ngược lên đến thận và phải tới ngay bệnh viện.

Xét nghiệm nước tiểu sẽ thấy nhiều bạch cầu, cấy vi khuẩn sẽ cho ta tên loại vi khuẩn gây bệnh và làm kháng sinh đồ để điều trị kháng sinh đặc hiệu. Cần loại bỏ các nguyên nhân gây viêm nhiễm như phì đại tuyến tiền liệt, khối u, sỏi đường tiết niệu... Người bệnh nên uống từ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày, giữ vệ sinh, tăng cường dinh dưỡng để mau lành bệnh và tránh tái phát.

Viêm tinh hoàn: Người bệnh thường đột ngột thấy đau tinh hoàn, đau lan lên bẹn, có thể kèm theo sốt cao và nôn mửa. Nguyên nhân là do vi khuẩn tới tinh hoàn qua đường máu, qua hệ thống bạch huyết hoặc từ vùng lân cận. Thông thường hay gặp là vi khuẩn gram âm, ngoài ra còn do trực khuẩn lao, xoắn khuẩn giang mai. Trong trường hợp bệnh lây qua quan hệ tình dục, loại tác nhân tìm thầy thường là lậu cầu, Chlamydia. Tùy vào loại vi khuẩn gây bệnh sẽ có kháng sinh phù hợp để điều trị, cần tuân thủ liều lượng và cách dùng để tránh tình trạng kháng kháng sinh. Phải điều trị đúng cách và kịp thời nếu không tinh hoàn sẽ bị hóa mủ thành đám áp-xe và có thể gây nhiễm khuẩn huyết. Một loại viêm tinh hoàn khác gặp ở lứa tuổi trẻ hơn là viêm tinh hoàn do virut quai bị. Virut này tấn công vào mang tai gây viêm tuyến mang tai, sau 3-4 ngày virut theo đường máu tới tinh hoàn. Lúc này bệnh nhân thấy tinh hoàn bắt đầu sưng to và đau, bên ngoài có thể thấy tràn dịch. Người bệnh cũng hay sốt cao 39-40oC. Hậu  quả của tổn thương này là phá hủy tổ chức tạo tinh trùng và gây vô sinh. Vì vậy, khi viêm tuyến mang tai mà có đau tinh hoàn phải khám ngay tại các cơ sở y tế để điều trị kịp thời. Cách đề phòng tốt nhất là tiêm vaccin ngay khi còn bé.

U tuyến tiền liệt: Tuyến tiền liệt là một tuyến thuộc hệ thống sinh dục nam. Bình thường nó nặng khoảng 15-20gram. Sau 50 tuổi nam giới hay bị u này. Tỉ lệ mắc bệnh này tăng dần lên theo tuổi. Phì đại lành tính tuyến tiền liệt hay gặp hơn ung thư tuyến này. Khi khối u tăng lên chèn ép vào hệ thống tiết niệu gây bí đái, rối loạn tiểu  tiện và tạo điều kiện để vi khuẩn gây bệnh phát triển. Biểu hiện chính là đái ngắt quãng, đái vội, đái không hết. Có nhiều loại thuốc điều trị bệnh này nhưng cần theo dõi sát và thận trọng vì thường là ở người có tuổi, hoạt động của các cơ quan như gan thận đã giảm dễ tăng nguy cơ ngộ độc. Khi điều trị thuốc không kết quả hoặc khối u quá to hoặc khối u ác tính cần phẫu thuật điều trị triệt để, cải thiện chất lượng cuộc sống.

ThS. Nguyễn Vĩnh Hưng

(Bệnh viện E  Hà Nội)



Ý kiến của bạn