Bệnh teo não gây nên bởi sự thoái hóa, chết và gián đoạn các hoạt động giữa các tế bào thần kinh trung ương với nhau. Do hiện tượng mất dần của những tế bào thần kinh hoặc mất kết nối giữa một số tế bào thần kinh trong não là sự bé đi của não trong hộp sọ gọi là teo não. Khi não bị teo, sự nhận biết và khả năng truyền dẫn thông tin từ não bộ tới các bộ phận khác của cơ thể sẽ bị sai lệch, do đó gây ra sự rối loạn chức năng hoạt động trầm trọng và dẫn đến tình trạng giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, rối loạn cảm xúc, đi lại khó khăn. Bệnh xảy ra chủ yếu ở NCT làm ảnh hưởng rất xấu đến khả năng tư duy, suy giảm đáng kể trí nhớ cũng như giảm khả năng vận động của cơ thể và suy giảm nhiều chức năng khác kèm theo.
Nguyên nhân
Nguyên nhân teo não là một do quá trình lão hóa của con người. Khi tuổi cao, các tế bào thần kinh cũng bị thoái hóa giống như các tổ chức khác của cơ thể con người. Và dần dần não bộ sẽ mất dần chức năng, teo nhỏ hoặc chết, khiến các mô não, kích thước não dần nhỏ lại, ảnh hưởng lớn đến khả năng ghi nhớ, ngôn ngữ, hành vi. Bệnh teo não có thể do di truyền, do chế độ dinh dưỡng (thiếu hụt vitamin B12 cũng gây ra bệnh teo não), do chế độ sinh hoạt không hợp lý (sử dụng quá nhiều rượu bia, thuốc lá, thiếu ngủ thường xuyên...). Bệnh teo não có thể do các bệnh của hệ thống mạch máu nuôi dưỡng não như hẹp động mạch cảnh, dị dạng mạch máu hay xơ vữa động mạch nhất là các mạch máu nuôi dưỡng não (do tuổi cao hoặc do chế độ ăn uống hoăc cả hai). Ngoài ra, teo não ở NCT có thể do chấn thương sọ não hoặc do đột quỵ bởi xuất huyết não, nhồi máu não (do sự gián đoạn đột ngột của nguồn cung cấp máu trong não) hoặc ở NCT đã sử dụng corticoid kéo dài thường xuyên (bệnh thấp khớp, bệnh hen suyễn, bệnh dị ứng, bệnh viêm da cơ địa…), bệnh Alzheimer, bệnh động kinh.
Bắt đầu với biểu hiện là thay đổi tính tình và giảm trí nhớ
Biểu hiện của bệnh
Biểu hiện sớm nhất là bắt đầu với biểu hiện là thay đổi tính tình và giảm trí nhớ cho nên thường xuyên nhầm lẫn. Thường quên những việc thông thường nhất hàng ngày như “ăn rồi bảo chưa” hoặc không nhớ được ăn những gì. Các kỹ năng như đọc, viết giảm sút nặng nề. Biểu hiện thường thấy nhất là quên ngày, tháng, năm; quên tên người thân, ngay cả các người thân trong gia đình, họ hàng thân thuộc gần nhất. Khi ra khỏi nhà quên đường đi, lối về. Hàng ngày quên các động tác thông thường nhất (quên rửa mặt, quên cài cúc áo, quên ăn, quên uống, quên đi vệ sinh…). Đặc biệt, với bệnh teo não ở NCT, theo một số tác giả, khoảng 30% có ảo giác, khoảng 30% trong số teo não có hoang tưởng và 40 - 50% người bệnh teo não có các triệu chứng trầm cảm và lo âu.
Hậu quả của bệnh teo não là từ lúc xuất hiện triệu chứng teo não đầu tiên cho đến lúc qua đời có thể kéo dài từ 8 - 10 năm do suy kiệt hoặc do các bệnh lý khác vì bệnh teo não gây ra như viêm phổi (nằm lâu gây ứ đọng), viêm đường tiết niệu, nhiễm trùng do loét bởi tỳ đè (với người nằm nhiều) hoặc do bệnh tim mạch…
Việc điều trị như thế nào?
Bệnh teo não ở NCT là bệnh lý rất khó chữa khỏi, chủ yếu bổ sung các loại bằng dược phẩm vitamin, nhất là vitamin B12, các loại đa sinh tố (multivitamin) nhằm làm giảm tốc độ tiến triển của bệnh, nhất là các trường hợp teo não do thiếu hụt vitamin B12. Bên cạnh đó nên tìm các giải pháp kích thích nhận thức (tâm lý trị liệu), cho người bệnh tham gia các hoạt động văn hóa (đọc sách, báo, xem vô tuyến…), các hoạt động thể dục thể thao, giúp người bệnh dần dần nhớ lại (nhắc đi nhắc lại nhiều lần một cái tên nào đó, một sự kiện nào đó…). Điều quan trọng nhất là chế độ chăm sóc trong sinh hoạt hàng ngày như: đi lại, vệ sinh cá nhân, chế độ ăn uống hợp lý, không để người bệnh bỏ bữa. Với người bệnh sức yếu cần lưu ý đề phòng viêm phổi, viêm tiết niệu do nằm lâu không vận động (ngày vài ba lần cho người bệnh ngồi dậy, vỗ lưng, xoa bóp các cơ tay, chân, xoa các khớp, hỏi những câu hỏi đơn giản nhất nhằm gợi ý trí nhớ của người bệnh). Để phòng chống viêm đường tiết niệu cần cho người bệnh bị teo não uống đủ lượng nước cần thiết hàng ngày, kết hợp uống thêm nước ép trái cây (nước cam chanh tươi, nước ép dưa hấu…) và nhắc nhở đi tiểu vài giờ một lần (không để người bệnh nhịn tiểu nhiều giờ liền), cần vệ sinh sạch sẽ cho người bệnh sau khi đi tiểu, đi đại tiện.
Nếu NCT bị teo não, sức yếu nằm nhiều cần phòng loét do tỳ đè (nhất là ở các vùng chẩm, vai, kheo, lưng xương cùng, 2 bên hông, gối, mắt cá chân) bằng hình thức xoa bóp vài giờ một lần, thực hiện như thế hàng ngày và trở mình vài giờ một lần.
Người nhà hoặc người bệnh cần phát hiện và điều trị sớm các bệnh thường gặp nhất ở người có tuổi như: mỡ máu cao, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì... Đây là các bệnh góp phần thúc đẩy tình trạng thiếu máu não cục bộ dẫn đến teo não. Hạn chế đến mức cần thiết uống bia, rượu, không hút thuốc. Cần vận động cơ thể cả về thể lực (chơi thể thao các môn nhẹ nhàng, đi bộ…) cả về trí óc (đọc báo, đọc truyện hoặc tham gia viết sách, báo… nếu có thể). Luôn tạo cho mình không khí vui vẻ, giảm các loại gây căng thẳng thần kinh không cần thiết (tránh xa các việc gây hiềm kích, căng thẳng thần kinh…). Nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý, bởi vì, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò không nhỏ trong việc tăng cường thể lực, sức đề kháng của cơ thể. Nên hạn chế thực phẩm quá nhiều dầu mỡ, nên ăn cá nhiều hơn ăn thịt (trong tuần nên vài ba lần ăn cá thay vì ăn thịt). Tăng cường ăn rau, trái cây và các loại thực phẩm giàu sinh tố, giàu canxi.