Bệnh tay - chân - miệng vẫn phức tạp

04-07-2014 10:00 | Thời sự

SKĐS - Trong khi các tỉnh miền Bắc đang nóng với bệnh viêm não Nhật Bản thì tại các tỉnh miền Nam, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long tình hình bệnh tay - chân - miệng (TCM) cũng đáng lo ngại.

Trong khi các tỉnh miền Bắc đang nóng với bệnh viêm não Nhật Bản thì tại các tỉnh miền Nam, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long tình hình bệnh tay - chân - miệng (TCM) cũng đáng lo ngại. Mặc dù các biện pháp phòng chống cũng như tuyên truyền đã được ngành y tế các địa phương đẩy mạnh, tuy nhiên, dịch này vẫn có xu hướng gia tăng, nguyên nhân do đâu?

Cảnh giác với dịch

Tại Cần Thơ, ghi nhận tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ trong những ngày đầu tháng 6, bệnh TCM vẫn còn dấu hiệu gia tăng. Theo BS. Thái Thanh Lâm - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ, lượng bệnh nhi mắc TCM nằm điều trị tại khoa vào thời gian gần đây trung bình khoảng 40-45 ca mỗi ngày, tăng gần 30%. Báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ cũng cho thấy, số trẻ mắc bệnh TCM đến khám điều trị nội trú và ngoại trú trong 10 ngày đầu tháng 6 là 185 ca, tăng 66 ca so với cùng kỳ tháng trước, trong đó, độ nặng cũng tăng nhiều hơn: độ 2B là 1 ca, độ 3 có đến 6 ca (cùng kỳ tháng 5 chỉ có 2 ca độ 2B). Theo BS. Huỳnh Minh Trúc - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP. Cần Thơ, dịch bệnh TCM tại Cần Thơ có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù hai tuần cuối tháng 6 có xu hướng giảm nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp, tính từ đầu năm đến cuối tháng 6, bệnh TCM tăng 33 ca so cùng kỳ năm ngoái; một số quận/huyện có số ca mắc tăng so với cùng kỳ như quận Thốt Nốt, huyện Cờ Đỏ, huyện Phong Điền và quận Ninh Kiều...

Chăm sóc trẻ mắc tay - chân - miệng .

Còn tại tỉnh Vĩnh Long, thống kê của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cũng cho thấy, trong tháng 5, Vĩnh Long ghi nhận 295 trẻ mắc TCM tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lưu ý, chỉ tính riêng ngày 25/6/2014, toàn tỉnh xuất hiện 17 ca mắc mới bệnh TCM, tập trung chủ yếu ở huyện Long Hồ, Vũng Liêm, Trà Ôn... Nâng tổng số mắc bệnh truyền nhiễm này lên gần 1.600 ca trên toàn tỉnh từ đầu năm 2014 đến nay. Vĩnh Long cũng là tỉnh được Bộ Y tế xếp vào nhóm các tỉnh, thành có số mắc bệnh TCM có tốc độ gia tăng nhanh và ở mức cao. Mặc dù vậy, hiện nay chưa có trường hợp tử vong do bệnh này.

Tại Sóc Trăng, theo báo cáo của ngành y tế Sóc Trăng, mặc dù thời gian qua các bệnh truyền nhiễm phần lớn đều giảm so với cùng kỳ năm 2013 nhưng có một số bệnh lại tăng so với năm 2013 như: bệnh TCM tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2013 (865 ca).

Biết cách phòng bệnh nhưng không làm?

Có con đang điều trị ở Khoa Nhiễm, BV Nhi đồng TP. Cần Thơ, chị Bùi Lệ Thủy (quận Ninh Kiều) băn khoăn, con chị chưa đi nhà trẻ và ở nhà chị chăm bé rất cẩn thận, tắm rửa sạch sẽ hàng ngày mà không hiểu sao con chị vẫn nhiễm bệnh. Đến bệnh viện chị mới được biết mặc dù nắm rõ kiến thức về phòng chống TCM là vệ sinh sạch sẽ, tuy nhiên, chị Thủy chỉ chú ý đến tắm rửa cho con mà quên mất nhiều việc khác như lau chùi sàn nhà, rửa sạch đồ chơi của trẻ bằng dung dịch sát khuẩn, cho trẻ ngậm, mút đồ chơi...

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, bệnh TCM do virut đường ruột gây ra, lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ mũi, họng, nước bọt và nốt phỏng của người bệnh. Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh ở trẻ, ngoài việc giữ gìn tốt vệ sinh cho trẻ, cần đảm bảo khu vực vui chơi, sinh hoạt của trẻ sạch sẽ, hàng ngày lau chùi sàn và rửa sạch đồ chơi của trẻ bằng dung dịch sát khuẩn... Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra khảo sát của Trung tâm y tế dự phòng TP. Cần Thơ, hầu hết các bậc phụ huynh đều nắm rõ kiến thức về phòng chống căn bệnh này, tuy nhiều cha mẹ biết nhưng không làm hoặc làm không đến nơi đến chốn... BS. Huỳnh Minh Trúc cho biết, một trong những khó khăn khiến công tác phòng chống bệnh TCM chưa hiệu qua hiện nay là người dân có kiến thức về phòng chống bệnh TCM nhưng kết quả thực hành thì hầu như không có. Mặc dù các cộng tác viên y tế dự phòng ở các địa phương đến từng nhà tuyên truyền vận động người dân thực hiện các biện pháp đơn giản như rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, dụng cụ đồ chơi cho trẻ sạch sẽ... những hướng dẫn này cha mẹ đều nắm rất rõ, thế nhưng hầu hết các bậc cha mẹ lại không quan tâm đến khâu thực hành. Còn BS. Trần Văn Tuấn - Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm và Vắcxin - sinh phẩm, Trung tâm y tế dự phòng TP. Cần Thơ lo ngại, sở dĩ diễn biến bệnh TCM diễn biến phức tạp do hiện nay một số bà mẹ có con nhỏ dưới 5 tuổi chưa quan tâm chăm sóc để phòng bệnh cho các con. Một việc rất đơn giản như rửa tay bằng xà phòng nhiều mẹ biết nhưng lại không chú ý. Có người chỉ rửa tay qua loa với nước, trong khi không rửa sạch mu bàn tay, kẽ tay, kẽ móng tay, nơi tập trung chủ yếu các mầm bệnh và vi khuẩn gây hại.

Hương Giang - Anh Thư


Ý kiến của bạn