Hà Nội

Bệnh tay chân miệng tăng đột biến, cách phòng bệnh lây lan

15-04-2023 07:25 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Tay chân miệng là bệnh lý khá phổ biến, có khả năng lây nhiễm nhanh, thường xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi. Tại Hà Nội, bệnh tay chân miệng cùng với sốt xuất huyết và thuỷ đậu đang có xu hướng gia tăng đột biến có nguy cơ bùng phát trên diện rộng.

1. Tình hình bệnh tay chân miệng hiện nay

Bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh lưu hành quanh năm và thường ghi nhận số mắc cao vào khoảng thời gian từ tháng 3-5 và 9-12.

Hiện nay dịch bệnh đang bùng phát mạnh, tại Hà Nội, bệnh tay chân miệng cùng với sốt xuất huyết và thủy đậu đang có xu hướng gia tăng đột biến có nguy cơ bùng phát trên diện rộng.

Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay sốt xuất huyết tăng gấp hơn 19 lần, thuỷ đậu tăng hơn 100 lần và tay chân miệng tăng gần 73 lần so với cùng kỳ năm 2022.

2. Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus đường ruột nhưng bệnh biểu hiện chủ yếu ở tay, chân và miệng. Gây bệnh tay chân miệng do hai loại virus đường ruột chính là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71, trong đó Enterovirus 71 gây bệnh rất nặng, lây lan nhanh và có nhiều biến chứng nguy hiểm.

Hiện nay, khí hậu đang chuyển mùa, thời tiết ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho virus Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 phát triển mạnh. Vì vậy, vào thời điểm này bệnh tay chân miệng ở trẻ em có nguy cơ gia tăng, có thể bùng phát thành dịch nếu không kịp thời phòng chống. Đặc biệt, bệnh dễ lây cho trẻ liên quan đến hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo.

Bệnh tay chân miệng tăng đột biến, cần chú ý đề phòng - Ảnh 2.

Nốt phỏng trên da tay là biểu hiện điển hình của bệnh.

3. Sự lây lan của bệnh tay chân miệng

Virus Coxsackie có khả năng lây lan rất nhanh qua đường miệng bởi các chất tiết từ mũi, miệng có nhiễm virus, các nốt ban, phỏng trên da (lòng bàn tay, bàn chân, miệng…) nhất là khi các nốt phỏng vỡ ra và đặc biệt là phân của trẻ bệnh tay chân miệng.

Khi trẻ lành tiếp xúc trực tiếp với trẻ bệnh rất dễ bị nhiễm bệnh do hít phải nước bọt của trẻ bệnh bắn ra trong lúc nói chuyện, ho, cười hoặc hắt hơi. Trẻ lành cầm nắm đồ chơi hay chạm vào sàn nhà có dính nước bọt, chất tiết mũi họng của trẻ bệnh hoặc trẻ sử dụng khăn mặt, quần áo, tã lót chung với trẻ bệnh sẽ bị lây bệnh tay chân miệng.

Bên cạnh đó, bệnh còn lây qua tay của người chăm sóc vì những người này đã hoặc đang chăm sóc trẻ bệnh tay chân miệng.

4. Cần phân biệt với các bệnh khác

Trẻ thường bị sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi (quấy khóc nhiều, ít ngủ hoặc khó ngủ), đau họng (thể hiện quấy khóc, không ăn hoặc lười ăn), ho, xuất hiện nhiều nốt ban đỏ trên da nhất là lòng bàn tay, bàn chân hoặc loét miệng… Đây là dấu hiệu đặc trưng thường gặp khi trẻ bị tay chân miệng.
Hiện tượng này sau khoảng 1-2 ngày khi phát bệnh, trẻ sẽ có những nốt hồng ban đường kính vài mm nổi trên nền da bình thường, sau đó trở thành bọng nước (phỏng nước). Ban đỏ này xuất hiện nhiều ở ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông. Những nốt ban này có kích thước từ 2-5mm ở giữa có màu xám sẫm và với dạng hình bầu dục. Các nốt ban trên da thường không đau, không ngứa và có thể kéo dài tới 10 ngày.
Đặc biệt, khi các ban đỏ xuất hiện ở niêm mạc miệng sẽ gây loét miệng. Những vết loét thường có đường kính từ 4-8mm và ở trong niêm mạc miệng, xung quanh lưỡi, trên lưỡi và vòm miệng của trẻ khiến bé gặp khó khăn khi nuốt (ăn, uống, nuốt nước bọt).

Cần chú ý là các triệu chứng này rất dễ nhầm với bệnh nhiệt miệng. Vì vậy, các bậc phụ huynh cũng như người chăm sóc trẻ cần hết sức lưu ý khi trẻ có các biểu hiện từ sốt, ho, quấy khóc, nổi ban, hoặc bọng nước cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác bệnh và xử trí kịp thời tránh để biến chứng xảy ra.

5. Những biến chứng của bệnh tay chân miệng

Những biến chứng của bệnh tay chân miệng rất đa dạng và nhiều cơ quan khác nhau như biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm khoảng từ ngày thứ hai đến ngày thứ năm của bệnh (trong giai đoạn toàn phát).

Đặc biệt bệnh tay chân miệng có thể gây biến chứng đặc biệt nguy hiểm như viêm não - viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

6. Lời khuyên của bác sĩ

Bệnh tay chân miệng tăng đột biến, cần chú ý đề phòng - Ảnh 4.

Virus gây bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan nhanh.

Bệnh rất dễ lây lan và lây lan nhanh cho trẻ trong khi chưa có vaccine để phòng bệnh đặc hiệu nên chăm sóc trẻ bị bệnh và đề phòng lây nhiễm luôn là việc làm cần thiết. Cụ thể:

  • Khi chăm sóc trẻ bị bệnh tại gia đình, để tránh trẻ bị mất nước cần cho trẻ uống nhiều nước, tốt nhất là uống dung dịch Oresol đúng theo hướng dẫn.
  • Bên cạnh đó cần cho trẻ ăn cháo loãng, súp, sữa, nước trái cây… để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ.
  • Cần mặc quần áo cho trẻ thoải mái, thoáng mát, không bôi bất cứ thuốc hay kem gì lên những vết phỏng mụn rộp của trẻ khi chưa được bác sĩ chỉ định.
  • Có thể tắm cho trẻ bị tay chân miệng nhưng nên tắm bằng nước ấm và sạch ở trong phòng kín gió.
  • Tránh chọc vỡ phỏng mụn nước của trẻ hoặc sử dụng các loại lá tắm để tránh nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ.
  • Đặc biệt, cha mẹ cần hết sức lưu ý những biểu hiện của trẻ, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được xử trí kịp thời.

Bên cạnh đó để phòng bệnh lây lan ra cộng đồng cần:

  • Phát hiện và cách ly trẻ bệnh với trẻ lành càng sớm càng tốt;
  • Tránh tiếp xúc như hôn, ôm ấp, dùng chung đồ dùng hoặc cốc chén…;
  • Hàng ngày cần rửa tay đúng và thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;
  • Hướng dẫn trẻ cách chăm sóc răng miệng hiệu quả.
  • Đồng thời làm sạch các vết bẩn, các dụng cụ đồ chơi bằng xà phòng hay dung dịch sát khuẩn.
Có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ không?Có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ không?

SKĐS - Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, xảy ra quanh năm, nhưng tăng cao từ tháng 2 - 4 và từ tháng 9 - 12. Bệnh không có thuốc đặc hiệu, điều trị chủ yếu là chăm sóc dinh dưỡng và điều trị triệu chứng.

Mời xem video nhiều người quan tâm:

Mổ Đẻ Lần 3, Người Phụ Nữ Bị Băng Huyết, Nguy Hiểm Tính Mạng | SKĐS

PGS.TS.BS Bùi Khắc Hậu
Ý kiến của bạn