Bệnh tay chân miệng tạm lắng, bệnh sởi diễn biến phức tạp

24-10-2018 07:41 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong khi bệnh tay chân miệng đã tạm lắng thì bệnh sởi lại có xư hướng tăng ở một số địa phương phía nam. Trước tình hình bệnh trên các đơn vị đã thực hiện tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi cho các trẻ em nằm trong độ tuổi tiêm chủng.

Gia tăng số bệnh nhân mắc sởi tại một số địa phương

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, tính đến nay, trên địa bàn thành phố đã có tổng cộng 256 ca mắc sởi. Trong khi đó, năm 2017 không có ca mắc sởi nào. Đáng nói là tất cả các quận, huyện của thành phố đều có ca mác sởi. Trong đó một số quận huyện có nhiều ca mắc là Thủ Đức, quận 7, quận 9, quận 12, Bình Thạnh và Bình Tân.

Tại Đồng Nai, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh này cũng cho biết, đến ngày 18-10, dịch sởi vẫn diễn biến phức tạp với 265 ca, trong đó có 16% số trẻ dưới 9 tháng tuổi, hơn 34% số trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi, hơn 23% trẻ từ 2-5 tuổi, còn lại từ 5 tuổi trở lên. Đáng nói là, ngoài  trẻ em và người dân nhiễm sởi, tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai mới đây đã ghi nhận trường hợp một bác sĩ đang công tác tại khoa cấp cứu của bệnh viện cũng bị lây nhiễm sởi.

Còn tại Nghệ An, theo số liệu từ Khoa Bệnh Nhiệt Đới - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, tính từ ngày 1/9/2018 - 15/10/2018 khoa này đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 50 trẻ mắc bệnh sởi, trong đó 11 trường hợp bị biến chứng. Số lượng bệnh nhân điều trị sởi hiện tại ở khoa chiếm gần một nửa so với tổng số bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa Bệnh Nhiệt Đới.

Nguyên nhân chủ yếu  là do các bệnh nhi chưa được tiêm phòng bệnh sởi, đáng chú ý là trong số các bệnh nhi chưa tiêm phòng sởi có hơn một nửa chưa đến tuổi tiêm phòng.

Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để loại trừ bệnh sởi

Tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi là yếu tố cơ bản để loại trừ bệnh sởi

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương, sởi là căn bệnh thường gặp ở trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên, còn dưới độ tuổi này, trẻ ít mắc hơn. Nhưng hiện nay, nhiều trẻ mắc sởi ngay cả trước khi tiêm phòng sởi và thậm chí sau khi sinh. Điều này hoàn toàn bình thường và có thể lý giải do miễn dịch từ mẹ chưa đầy đủ để bảo vệ trẻ, đứa trẻ sinh ra từ những bà mẹ không có kháng thể miễn dịch sởi, hoặc miễn dịch rất ít (bà mẹ chưa từng bị sởi, chưa được tiêm phòng, hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ) nên khả năng bảo vệ thấp hoặc có trẻ không được bú mẹ thì cũng không có miễn dịch phòng bệnh.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Hiện nay cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh là đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch. Cha mẹ chủ động đưa trẻ từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.
Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

Bệnh sởi rất dễ lây, do đó cha mẹ không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Bệnh sởi có thể tự khỏi nhưng vẫn gây ra tử vong trên các bệnh nhi có sẵn nền bệnh lý khác. Đồng thời khi mắc sởi sẽ làm trẻ suy giảm hệ miễn dịch, nên dễ mắc thêm các bệnh phối hợp, nặng nhất là viêm phổi và viêm não, tủy cấp.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc duy trì tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi ở trẻ đạt 95% là yếu tố cơ bản để loại trừ bệnh sởi. Ngoài ra cần triển khai các đợt tiêm vét, tiêm chiến dịch theo tình hình dịch tễ. Mặc dù tỷ lệ tiêm vắc xin sởi và vắc xin rubella trên toàn quốc trong những năm gần đây đạt cao, tuy nhiên chưa đạt mức 95% trên quy mô toàn quốc. Một số quận, huyện nguy cơ cao chỉ đạt mức dưới 90%. Số trẻ em chưa được tiêm chủng đầy đủ và số trẻ đã tiêm nhưng không có miễn dịch phòng bệnh tích lũy qua các năm. Khi số lượng này đủ lớn trong điều kiện vi rút sởi lưu hành có thể gây dịch.

Tiến sĩ Zsuzsanna Jakab, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO cho rằng: “Hơn 20. 000 trường hợp mắc bệnh sởi, và 35 người tử vong chỉ trong năm 2017, là một thảm kịch mà chúng tôi không thể chấp nhận được”.

Trong số 42 quốc gia có báo ca bệnh có 15 quốc gia có số mắc cao, trong đó nặng nề nhất là: Romania (5.562 ca), Italy (5.006 ca) và Ukraine (4.767 ca…Dịch sởi tại châu Âu không dừng lại trong năm 2017 mà tiếp tục bùng phát sang năm 2018. Hơn 41.000 trẻ em và người lớn trong khu vực châu Âu đã bị nhiễm sởi trong 6 tháng đầu năm 2018, con số này vượt xa tổng số ca mắc sởi của cả giai đoạn 2010-2017 (23.927 ca). Đặc biệt Ukraine là quốc gia có số ca mắc cao nhất với hơn 23.000 người mắc và 14 trường hợp tử vong.
Trước tình hình đó Tiến sĩ Zsuzsanna Jakab, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO đã phải lên tiếng: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước phải triển khai ngay các biện pháp mở rộng, phù hợp với bối cảnh để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này. Sức khỏe tốt cho tất cả bắt đầu với tiêm chủng…”.

N.H
Ý kiến của bạn