Bệnh tay - chân - miệng, sốt xuất huyết “bao vây” phía Nam

03-06-2014 23:05 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 3/6, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế có thông báo cho biết, trong tuần qua, số mắc mới bệnh tay - chân - miệng (TCM) đã lên gần 1.900 trường hợp...

Ngày 3/6, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế có thông báo cho biết, trong tuần qua, số mắc mới bệnh tay - chân - miệng (TCM) đã lên gần 1.900 trường hợp, tăng 4,1% so với tuần trước đó. Tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 24.730 trường hợp mắc bệnh TCM tại 62 địa phương, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại tỉnh Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Cục Y tế dự phòng nhận xét, mặc dù số mắc đang tăng nhưng số mắc TCM năm tháng đầu năm 2014 thấp hơn cùng kỳ 2013, ngoại trừ khu vực Tây Nguyên đã tăng 0,8% so với cùng kỳ 2013 và tiếp tục xu hướng gia tăng số lượng bệnh nhân.

Tuy nhiên, khác với tình hình năm trước, TCM có xu hương phân bố đều trên cả nước thì trong năm nay bệnh đang tập trung chủ yếu tại các tỉnh phía Nam. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, khu vực phía Nam đang chiếm tới 78,5% tổng số ca bệnh TCM từ đầu năm đến nay. “5 tỉnh thành có số ca bệnh đã tăng cao so với năm trước và hiện vẫn chưa có chiều hướng chững lại gồm: TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Lâm Đồng, Sóc Trăng” - ông Phu nhấn mạnh.

Cục Y tế dự phòng cũng dẫn thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới cho hay, các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực đang trong xu hướng gia tăng bệnh nhân TCM, cảnh báo nguy cơ tương tự tại Việt Nam, như Trung Quốc năm tháng đầu năm 2014 đã có gần 700.000 bệnh nhân, tăng 1,9 lần so với cùng kỳ, Macau trên 1.300 bệnh nhân, tăng 1,8 lần...

Ngoài bệnh TCM, Cục Y tế dự phòng cảnh báo bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng, trong tuần qua, cả nước ghi nhận thêm 333 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 29 tỉnh, thành phố, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Phú Yên. Như vậy, từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 9.700 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 42 tỉnh, thành phố và đã có 7 trường hợp tử vong tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cà Mau, Bình Phước và Phú Yên. So với cùng kỳ năm 2013, số mắc sốt xuất huyết giảm 40,8%, tử vong giảm 4 trường hợp. Tuy nhiên, tại một số tỉnh, thành phố có số mắc tăng cao so với cùng kỳ như: Bà Rịa - Vũng Tàu (tăng 32,6%), TP. Hồ Chí Minh (tăng 31,7%) và Bình Dương (tăng 27,2%).

Trước tình hình bệnh TCM, sốt xuất huyết đang có những diễn biến phức tạp có nguy cơ kết hợp với các dịch bệnh khác như sởi, thủy đậu đe dọa sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là khu vực phía Nam. Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện tại khu vực phía Nam chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, giường bệnh, khu cách ly điều trị bệnh truyền nhiễm... sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra.

Liên quan đến vấn đề dịch bệnh, Cục Y tế dự phòng cho biết, kết quả của hệ thống giám sát trọng điểm cúm quốc gia (nhằm đánh giá sự lưu hành của virut cúm ở Việt Nam) cho thấy vẫn chưa phát hiện sự biến đổi gen của virut ảnh hưởng đến độc lực và sự kháng thuốc của virut cúm tại Việt Nam.

Trong số các trường hợp mắc hội chứng cúm, tỉ lệ lưu hành chủ yếu là cúm B chiếm 44%, cúm A/H1N1 chiếm 29% và cúm A/H3N2 chiếm 27%.

Thái Bình

 


Ý kiến của bạn