Sáng 1/10, khoa Nhiễm - Thần kinh, BV. Nhi Đồng 1 có gần 200 trẻ điều trị nội trú do mắc tay chân miệng. Đã có lúc con số này lên đến 220 bé, trung bình mỗi ngày hiện có hơn 150 ca nằm kín các giường bệnh. Trong số bệnh nhi nằm viện, số ca sống tại TP.HCM chiếm khoảng 40%, số còn lại đến từ các tỉnh thành lân cận.
“Ngộp, te tua, tả tơi” là dòng trạng thái mà BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh chia sẻ trên trang cá nhân khi miêu tả về tình trạng điều trị tay chân miệng tại khoa. BS. Khanh cho biết, trong số các bé nội trú, hiện có hơn 20 cháu đang được theo dõi chặt chẽ do biến chứng. Nhiều cháu đã phải được lọc máu liên tục. 10 ngày một bé gái nhà ở Đồng Nai đã tử vong vì nhập viện trong tình trạng sốc độ 4. Tình hình theo BS Khanh là rất đáng báo động bởi số ca mắc bệnh có thể còn tăng thêm trong thời gian tới.
Tại khoa Nhiễm BV. Nhi Đồng 2. BS. Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm cho biết tình hình cũng đáng báo động. Trung bình mỗi ngày khoa điều trị khoảng 150 bệnh nhi tay chân miệng, con số này cao gấp 5 lần bình thường. Lượng bệnh nhập viện ồ ạt khoảng gần 1 tháng trở lại đây, trong số bệnh nhi nội trú, có hơn 10% bệnh rất nặng, phải chăm sóc tích cực để ngăn khả năng tử vong.
Trẻ mắc tay chân miệng đang điều trị tại BV. Nhi Đồng 1
Nhận định về tình trạng bệnh tăng ồ ạt, BS. Trương Hữu Khanh cho biết, tình hình bệnh tay chân miệng năm nay khiến các bác sĩ nghĩ đến trận dịch tay chân miệng năm 2011, khi mà bệnh ồ ạt tăng ca khiến nhiều bệnh nhân tử vong. Về chủng gây bệnh, hầu hết bệnh nhi tay chân miệng mùa này đều do virút EV71. Đây là chủng gây bệnh tay chân miệng có độc tính cao, lây lan rất nhanh và diễn tiến nặng. Bệnh nhi dễ bị các biến chứng thần kinh, tim mạch, phù phổi, suy hô hấp, sốc, suy tim và tử vong nhanh.
Theo BS. Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, bệnh tay chân miệng tại TP.HCM nhập viện có xu hướng tăng nhẹ theo chu kỳ với trung bình nhập viện hàng tuần là 140 và 190 vào tháng 8. Tuy nhiên, trong 2 tuần giữa tháng 9, số ca bệnh tay chân miệng nhập viện TP.HCM có hiện tượng gia tăng nhanh. Đồng thời số ca nhập viện từ các tỉnh cũng tăng nhanh chóng so với trước đó.
Trong số những ca bệnh nhập viện vào các bệnh viện tuyến cuối của thành phố như bv. Nhi đồng 1, bv. Nhi đồng 2 có đến gần 60% là các ca bệnh đến từ các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Tại TP.HCM, theo số liệu giám sát của Trung tâm Y tế Dự phòng, trong tuần 38 có 289 ca bệnh nhập viện, tăng 47% so với trung bình 4 tuần trước (194 ca), tăng 130% so với tuần cùng kỳ 2017 (124 ca). Tổng số ca nhập viện tính đến hết tuần 38 là 3.195, giảm 20% so với cùng kỳ 2017. Bên cạnh đó, số ca khám ngoại trú đến hết tuần 38 là 15.499 giảm 28% so với cùng kỳ 2017.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tháng 8, tháng 9 hàng năm là thời điểm gia tăng số ca tay chân miệng theo mùa. Tuy nhiên, trong mùa dịch bệnh năm nay đã bắt đầu thấy sự xuất hiện trở lại của chủng virút Enterovirus 71 - chủng virút đã gây vụ dịch tay chân miệng lớn trên cả nước những năm 2011. Điều này có thể là nguyên nhân làm số ca bệnh gia tăng nhanh chóng tại các tỉnh thành trong cả nước trong đó có TP.HCM trong những tuần gần đây.
Bệnh tay chân miệng do virút, lây qua đường tiêu hóa. Bệnh bắt đầu xuất hiện rải rác và gây thành những ổ dịch nhỏ tại Việt Nam từ những năm cuối của thập niên trước. Đặc biệt, năm 2011 đã gây ra dịch lớn trên cả nước với hơn 150 trường hợp tử vong, riêng tại TP.HCM có hơn 30 ca tử vong.
Từ năm 2012 đến nay, bệnh tay chân miệng tại TP.HCM và trên cả nước có khuynh hướng giảm, và chủ yếu là các trường hợp nhẹ, điều trị ngoại trú. Bệnh nhân tay chân miệng của TP.HCM nhập viện điều trị nội hàng tuần trên dưới 100 trường hợp. Những lúc cao điểm có thể hơn 200 trường hợp nhập viện trên toàn thành phố.
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vắcxin dự phòng. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua việc ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ: như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ.
Có 80% số ca bệnh tay chân miệng ở thể nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà; tuy nhiên cha mẹ và người chăm sóc cần theo dõi sát tình trạng của trẻ, nếu phát hiện các dấu hiệu trở nặng như: giật mình, đi đứng loạng choạng, yếu liệt... phải đưa trẻ đến các bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Phân tích việc số ca tử vong tăng,các chuyên gia dịch tễ cho rằng, nguyên nhân do týp virus entero 71 có độc tính cao của tay chân miệng đang có xu hướng xuất hiện nhiềuhơn týp virus coxsackie A16 vốn ít gây biến chứng.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bv. Nhi Đồng 1, trong thời điểm bệnh đang diễn biến phức tạp, điều cần thiết nhất để hạn chế trẻ nhiễm bệnh là phụ huynh cần giữ vệ sinh môi trường sinh hoạt của bé. Bệnh do virút gây nên, chính vì thế người lớn phải đặc biệt quan tâm giữ sạch những vật dụng mà trẻ tiếp xúc qua cầm tay hoặc cho vào miệng.
Giám sát rửa tay
Những trường hợp thấy bé bị sốt kéo dài hơn 2 ngày, kèm theo có nổi bóng nước ở trong miệng, trên tay, chân, mông, cần đưa đến bệnh viện để được thăm khám. Tay chân miệng là bệnh nhiễm dễ lây lan cho trẻ dưới 5 tuổi và gây biến chứng cho trẻ dưới 2 tuổi, chính vì thế, khi có trẻ mắc bệnh, gia đình hoặc các cô giáo ở trường mầm non cần tránh để các bé khác tiếp xúc.
Trẻ mắc bệnh thường có dấu hiệu khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc đang thức hay lúc bắt đầu ngủ. Trẻ có thể biểu hiện hoảng hốt, nói lảm nhảm, chới với, run tay chân, co giật, sốt rất cao, nôn ói nhiều, da nổi bông. Một số trường trường hợp trẻ có mạch nhanh nhưng không sốt cao, yếu tay chân, méo miệng.
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu thấy trẻ có các dấu hiệu như: sốt nhẹ, ói, tiêu chảy ít kèm theo nổi bong bóng nước trong lòng bàn tay, bàn chân, ở đầu gối, mông và trong miệng lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Trước tình trạng bệnh diễn biến phức tạp, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng vừa có cảnh báo bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.