(SKDS) - Mặc dù ngay từ đầu năm học mới 2012 - 2013, ngành y tế và giáo dục đã có nhiều văn bản yêu cầu các trường học trong cả nước chủ động phòng chống dịch bệnh, trong đó có dịch tay-chân-miệng (TCM). Tuy nhiên, liên tiếp trong thời gian gần đây, nhiều trường học ở nhiều địa phương trên cả nước đã phải đóng cửa, tạm ngưng cho trẻ đến trường vì dịch TCM. Thực trạng này cho thấy, dù cơ quan chức năng có quyết liệt đến đâu, nhưng cộng đồng không chung tay vào cuộc thì dịch bệnh sẽ có nhiều cơ hội để bùng phát.
Tạm đóng cửa trường để học sinh “trốn” dịch
BS. Lê Minh Hùng, Phó phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, sau ngày khai giảng, đơn vị đầu tiên trên địa bàn thành phố vừa phải tạm đóng cửa để tổng vệ sinh phòng tránh dịch bệnh TCM là cơ sở 3 thuộc Trường mầm non 15 (quận 11). Cơ sở này có hơn 170 học sinh nhưng đã có 8 trẻ mắc bệnh TCM chỉ trong vòng chưa đến một tuần. Ngay sau đó, UBND quận thông báo cho toàn bộ học sinh của trường được nghỉ học, cách ly để khử khuẩn. Đến nay, sau 10 ngày thực hiện biện pháp y tế đúng quy định, cơ sở này đã hoạt động bình thường, tuy nhiên nhà trường vẫn tiếp tục “nêu cao cảnh giác đối với bệnh TCM”.
Một buổi tư vấn phòng ngừa bệnh tay-chân-miệng. Ảnh: BPN |
Tại Bình Phước, đã có khoảng 10 cháu bé đang học tại Trường mầm non Tuổi Ngọc (ấp Suối Đôi, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú) mắc bệnh TCM. Hiện tại, nhà trường đã cho các cháu nghỉ học tạm thời để tránh nguy cơ lây lan, đồng thời tiến hành sát khuẩn toàn bộ phòng học, đồ chơi...
Không chỉ xuất hiện ở các trường học khu vực phía Nam, dịch TCM cũng đã tấn công các trường học ở miền Trung, miền Bắc. Theo Sở Y tế Đà Nẵng, đến tháng 9/2012, toàn thành phố có 2.772 trường hợp mắc bệnh TCM, trong đó có 27 ổ dịch liên quan đến trường học, 154 ổ dịch tại cộng đồng. Tại tỉnh Cao Bằng, theo thống kê của ngành y tế tỉnh, đến gần cuối tháng 9/2012, bệnh TCM bùng phát tại 7 xã, thị trấn của tỉnh Cao Bằng, trong đó ở huyện Hạ Lang có trên 100 em nhỏ mắc bệnh TCM. Tại Trường tiểu học xã Kim Loan (huyện Hạ Lang), đã phát hiện một cháu 3 tuổi loét miệng, sốt, không ăn uống, nhưng vẫn được cha mẹ cho đến trường...
Lơ là, chủ quan: Khó kiểm soát dịch bệnh
Theo TS. BS. Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP. Hồ Chí Minh, trong khoảng tháng 3 và tháng 4/2012, toàn TP. Hồ Chí Minh mới có 40 trường có từ 2 ca bệnh TCM trở lên thì đến nay, con số này tăng thành 80 trường. Tỷ lệ trẻ đi học trên số bệnh nhân nhập viện là hơn 30%. Số ca mắc tập trung nhiều ở các quận ven có đông dân, trường lớp quá tải... Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố có gần 8.000 ca mắc bệnh TCM, trong đó 6 trường hợp tử vong. Hiện mỗi tuần, toàn thành phố ghi nhận trên 400 ca mắc bệnh. Tại các cơ sở y tế điều trị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, số trẻ đến khám TCM tăng không ngừng. Tại các BV như Nhi Đồng 1, BV Nhi Đồng 2, BV Bệnh nhiệt đới hiện mỗi ngày tiếp nhận khoảng 70 - 90 trẻ mắc bệnh TCM nhập viện.
Hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách là một biện pháp phòng chống bệnh tay - chân - miệng. Ảnh: Trần Minh |
Các chuyên gia y tế lo ngại dịch bệnh TCM tăng mạnh đúng vào thời điểm bắt đầu năm học mới, các trường nhanh chóng trở thành điểm nóng về nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện huy động tổng lực hệ thống chính trị vào công tác phòng chống dịch bệnh. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố thành lập ngay các đoàn liên ngành để kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các quận, huyện, xã, phường. Đồng thời, chỉ đạo tăng cường kiểm tra công tác vệ sinh phòng bệnh tại các cụm dân cư, hộ gia đình, nhà trẻ, mẫu giáo, các điểm giết mổ, vận chuyển, buôn bán, chăn nuôi gia cầm... Thủ tướng cũng giao Bộ GD&ĐT chỉ đạo việc tuyên truyền, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm A/H5N1, bệnh TCM và SXH trong các trường học... |
Nguyễn Hoàng - Thanh Mai