Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Kim Thu (TP Tân An, Long An), khi phát hiện con trai 2 tuổi có dấu hiệu mắc tay chân miệng chị đã đưa đến một cơ sở khám tư nhân gần nhà và được bác sĩ kê đơn dùng một số loại thuốc, trong đó có Acyclovir, kèm theo một số thực phẩm chức năng như kẽm, vitamin tăng đề kháng...
Chia sẻ về vấn đề này, BS. Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 TPHCM nhận định, một số sơ sở y tế có thể lạm dụng kháng sinh, hoặc những xét nghiệm không cần thiết (như xét nghiệm chủng virus), bán thực phẩm chức năng đi kèm đơn thuốc... Điều này khiến phụ huynh tốn kém, không cần thiết.
Bác sĩ cho biết, trẻ chỉ dùng kháng sinh khi bị bội nhiễm ở miệng. Với trẻ mắc tay chân miệng từ độ 2A trở nên, BS. Trương Hữu Khanh khuyến nghị cha mẹ đưa trẻ khám ở các bệnh viện tuyến tỉnh trở lên để được thăm khám và điều trị, theo dõi.
Ông khuyến cáo phụ huynh không nên vì quá lo lắng mà đưa con thăm khám ở nhiều nơi mà có thể đi theo tuyến huyện, tỉnh tùy theo mức độ. Tùy theo mức độ của trẻ, các bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể.
Tuy nhiên, trên thực tế phần lớn trẻ mắc bệnh ở mức độ nhẹ, có thể tự chăm sóc trẻ ở nhà và tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ. Với những trẻ này, chỉ cần chăm sóc đúng cách trẻ sẽ khỏi bệnh sau 7-10 ngày.
Chăm sóc cho trẻ mắc tay chân miệng tại nhà thế nào?
Với những trẻ mắc tay chân miệng nhẹ, sốt dưới 38,5°C, loét miệng, hồng ban mụn nước lòng bàn tay chân, tỉnh táo, chơi bình thường được bác sĩ cho điều trị ngoại trú. Phụ huynh cần cho trẻ uống thuốc theo toa bác sĩ, cần thực hiện cách ly theo đường tiếp xúc, hạn chế cho trẻ tiếp xúc để tránh lây nhiễm cho trẻ khác.
Vệ sinh tay trước và sau mỗi lần chăm sóc trẻ, vệ sinh miệng và bôi thuốc vùng miệng cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ (thường vệ sinh trước khi cho trẻ ăn 30 phút).
Dinh dưỡng đầy đủ tùy theo độ tuổi, ăn thức ăn lỏng, nguội, dễ tiêu, tránh thức ăn chua, cay, mặn… Trẻ thường bị đau miệng, phụ huynh cần chia nhỏ bữa ăn.
Mặc quần áo vải mềm, rộng rãi, thấm hút mồ hôi. Thay quần áo và tắm rửa hằng ngày cho trẻ bằng nước ấm.
Theo dõi tình trạng của trẻ, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo, dấu hiệu nặng để xử trí kịp thời.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, hiện tình hình dịch bệnh tay chân miệng ở TP.HCM vẫn tiếp tục tăng, chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao, gồm: quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và quận Tân Phú.
Một trong những nguyên nhân chính khiến tay chân miệng năm nay đến sớm và các ca chuyển nặng hơn là do sự xuất hiện của chủng virus EV71. EV71 là tác nhân gây ra các cơn dịch lớn vào các năm 2011 và năm 2018.
Tuy nhiên, tin mừng là Sở Y tế hiện TPHCM đã tiếp nhận số thuốc lớn để điều trị các ca mắc tay chân miệng nặng, nên đã giải quyết được bài toán khan hiếm thuốc.
Dù vậy, Sở Y tế khuyến cáo nên tăng cường các giải pháp phòng dịch, vì theo dự báo, số ca mắc tay chân miệng và ca nặng sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới và có thể kéo dài thêm 3 – 4 tháng nữa mới có thể lắng xuống. Đặc biệt, thời gian học sinh quay lại trường sẽ trùng với đỉnh dịch thứ 2 của bệnh tay chân miệng nên cần tăng cường kiểm soát, phòng tránh dịch lây lan.