Tính từ đầu năm 2023 đến nay, 20 tỉnh/thành phố khu vực phía Nam ghi nhận 124.345 ca mắc tay chân miệng, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số ca mắc ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh là 44.467 ca, chiếm 35,7%.
Bệnh tay chân miệng do chủng virus EV71 rất nguy hiểm
Bệnh tay chân miệng do một nhóm virus thuộc nhóm Enterovirus gây nên. Enterovirus bao gồm 4 loại: poliovirus, Coxsackie A virus (CA), Coxsackie B virus (CB) và Echovirus. Các serotype thuộc loài A gồm: EV68, EV71, EV76, EV89, EV90, EV91 và EV92. Bệnh lây lan theo đường tiêu hóa, lây truyền từ người sang người do hai nhóm tác nhân gây bệnh: nhóm virus đường ruột Coxsacki (A16) và Enterovirus 71 (EV71)
Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, hai nhóm tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp là Coxsackie virus A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71).
Trong khi các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, thì EV71 sẽ gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Cách nhận biết sớm bệnh tay chân miệng ở trẻ
Theo các chuyên gia, bệnh tay chân miệng thường bắt đầu với triệu chứng sốt, kém ăn, khó chịu và đau họng.
Từ 1 đến 2 ngày sau khi bị sốt, các nốt mụn lở xuất hiện trong miệng gây đau rát. Ban đầu là những nốt phồng rộp màu đỏ và thường phát triển thành các vết loét. Các vết loét này chủ yếu ở trên lưỡi, lợi và bên trong má.
Phát ban không ngứa xuất hiện trong 1-2 ngày với các tổn thương màu đỏ phẳng hoặc gồ lên, một số kèm theo bọng nước. Phát ban thường tập trung nhiều trong lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân; cũng có thể xuất hiện ở mông và/hoặc ở cơ quan sinh dục.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng bệnh nhi cũng có thể không có triệu chứng điển hình hoặc có thể chỉ bị phát ban hoặc loét miệng.
Bệnh tay chân miệng có thể chăm sóc tại nhà
Khi trẻ mắc tay chân miệng có tổn thương ở da đi kèm hoặc không kèm sốt cha mẹ cần chăm sóc theo dõi diễn biến của bệnh. Cần phát hiện sớm các dấu hiệu chuyển nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời. Ưu điểm của chăm sóc tại nhà là trẻ được hưởng điều kiện vệ sinh tốt hơn, môi trường xung quanh sạch sẽ và đặc biệt là giảm được nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.
Khi nào trẻ mắc tay chân miệng cần nhập viện điều trị?
Bệnh tay chân miệng được đánh giá là nặng khi có các biểu hiện sau:
- Sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt
- Mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ,….
- Giật mình nhiều (>= 2 lần trong 30 phút)
- Vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân.
- Thở nhanh, thở bất thường: ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè….
- Run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.
Theo các chuyên gia, do bệnh tay chân miệng chuyển biến nhanh, khó lường nên khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng, từ đó kịp thời điều trị. Cha mẹ không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.
Tóm lại: Hiện nay tay chân miệng chưa có chưa có vaccine phòng bệnh đặc hiệu cho EV71 nên phương pháp phòng bệnh tốt nhất là giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường. Vệ sinh cá nhân cho trẻ hàng ngày nhất là rửa sạch tay, chân thường xuyên bằng xà phòng. Các loại vật dụng cá nhân như quần áo, tã lót, khăn, chén, muỗng, ly… của trẻ bị bệnh tay chân miệng cần phải được xử lý, sau khi đã xử lý sạch bằng xà phòng cần phải sát khuẩn lại bằng nước sôi hoặc nước có pha hóa chất cloramin B.
Bệnh cũng được lây truyền gián tiếp do quá trình tiếp xúc với các đồ chơi, quần áo, dụng cụ ăn uống,… của người bệnh. Cho nên, khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh tay chân miệng cần cho trẻ ở nhà không đến những nơi công cộng, đông người, tránh cho trẻ tiếp xúc với người lành để ngăn ngừa lây nhiễm virus ra cộng đồng.