Đúng như dự báo của các cơ quan chức năng, kể từ sau ngày khai giảng năm học mới, tình hình bệnh tay - chân - miệng (TCM) vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Theo báo cáo của Bộ Y tế gửi Chính phủ, tính từ đầu năm đến ngày 15/9/2011, cả nước đã ghi nhận 52.321 trường hợp mắc bệnh TCM tại 61 địa phương trong đó đã có 109 trường hợp tử vong tại 22 tỉnh, thành phố.
Thừa Thiên Huế: Chỉ có 20 -30 % người dân hiểu biết về bệnh TCM
Ngày 20/9, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã họp với Sở Y tế cùng các ban ngành liên quan của tỉnh bàn biện pháp phòng chống bệnh TCM. Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã chỉ đạo cuộc họp. Theo Sở Y tế Thừa Thiên Huế, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 109 ca mắc bệnh TCM, trong đó thành phố Huế nhiều nhất (41 ca), Phong Điền 21 ca. Ngay từ đầu năm, Sở Y tế kết hợp với các ngành liên quan thực hiện tốt kế hoạch phòng chống bệnh. Sở đã hướng dẫn các cơ sở y tế thu dung, điều trị bệnh nhân, hạn chế lây lan rộng. Tuy nhiên, qua kiểm tra trong cộng đồng, chỉ có 20 - 30% người dân hiểu biết về bệnh này. Tại cuộc họp, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu tăng cường phối hợp giữa các cơ sở y tế địa phương và Trung ương điều trị bệnh nhân. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch Đầu tư có phương án hỗ trợ kinh phí để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh.
Khám phát hiện trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Tuân Nguyễn |
Quảng Ngãi: Dành 1 tháng tổng vệ sinh môi trường phòng, chống bệnh TCM
Ông Lê Quang Thích - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ký Quyết định số 1384 ra quân tổng vệ sinh môi trường phòng, chống bệnh TCM trên phạm vi toàn tỉnh. Thời gian tiến hành chiến dịch từ ngày 25/9 - 25/10/2011, vào các buổi sáng thứ 7 và chủ nhật hằng tuần. Bổ sung kinh phí cho chiến dịch này là 674 triệu đồng. Tiếp tục duy trì các hoạt động vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân tại hộ gia đình, cộng đồng đến cuối năm.
Tuyên truyền để tất cả các thành viên trong gia đình thực hiện rửa tay bằng nước sạch với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi chăm sóc trẻ bị bệnh; thực hiện ăn chín, uống chín, sử dụng nguồn nước sạch; xử lý phân hợp vệ sinh, tiêu diệt ruồi, nhặng.
Với các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình tổ chức vệ sinh môi trường ít nhất 2 lần/tuần. Những trường có trẻ mắc bệnh tiến hành khử khuẩn hằng ngày bề mặt và các vật dụng của trẻ, bàn ghế trong 2 tuần liên tiếp kể từ khi trẻ mắc bệnh cuối cùng. Các cơ sở y tế tiến hành khử khuẩn bề mặt giường bệnh, buồng bệnh bằng chloramin B 2%. Theo ghi nhận, từ khi Quảng Ngãi xuất hiện bệnh TCM vào tháng 4/2011 đến nay, số bệnh nhân mắc TCM là 5.602 trường hợp, có 5 ca tử vong.
Bạc Liêu: Bốn ngày, đóng cửa 3 trường học do bệnh TCM
Ngày 22/9/2011, BS. Lê Hoàng Phong, Giám đốc Trung tâm y tế thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu cho biết, đang tích cực xử lý ổ dịch, vệ sinh môi trường, dụng cụ học tập tại Trường mầm non Bạc Liêu do phát hiện có nhiều trẻ mắc bệnh TCM. Cùng ngày, UBND thành phố Bạc Liêu cũng quyết định cho học sinh toàn trường nghỉ học 2 ngày để ngành y tế xử lý môi trường, sát khuẩn trong khuôn viên trường học. Theo ngành y tế thành phố Bạc Liêu, trong vòng 1 tuần đã có 10 cháu tại 7 lớp của Trường mầm non Bạc Liêu mắc bệnh TCM, trong đó 3 lớp có 2 cháu mắc bệnh. Hiện trên địa bàn thành phố Bạc Liêu có 160 trẻ mắc bệnh TCM. Trước đó, ngày 19/9/2011, Trường mầm non thị trấn Phước Long (huyện Phước Long, Bạc Liêu) và ngày 21/9/2011, Trường tiểu học Châu Hưng (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) cũng đã đóng cửa do có học sinh mắc bệnh TCM. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành y tế đã có nhiều biện pháp nhằm khống chế, kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa mấy khả quan khi số ca tử vong liên tục tăng. Theo số liệu thống kê mới nhất, tính đến ngày 2/9/2011, đã có 502 trường hợp trẻ mắc bệnh TCM, trong đó có 6 trẻ tử vong.
![]() Điều trị cho bệnh nhi mắc bệnh tay - chân - miệng tại Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu.Ảnh: Vũ Hoàng |
Tiếp tục chủ động phòng chống bệnh TCM
Trong báo cáo về tình hình bệnh TCM và các biện pháp phòng chống dịch đã triển khai của Bộ Y tế gửi Thủ tướng Chính phủ, nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh TCM đến sức khỏe nhân dân, đặc biệt là trẻ em, Bộ Y tế trân trọng đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo một số nội dung: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chủ động chỉ đạo, triển khai kế hoạch phòng chống bệnh TCM trong 4 tháng cuối năm 2011 đảm bảo việc thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường được thực hiện tại các hộ gia đình, các cơ sở giáo dục và ngay từ đầu năm 2012, dành kinh phí cho việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo, đặc biệt là các trường mầm non, nhà trẻ mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình tăng cường triển khai các biện pháp vệ sinh phòng chống bệnh TCM theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Bộ Thông tin - Truyền thông tăng cường tuyên truyền khuyến cáo của Bộ Y tế về các biện pháp phòng chống bệnh TCM trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nhóm PV - CTV