Lịch sử hội họa thế giới ghi nhận khá nhiều tác giả mà tên tuổi của họ lọt vào danh sách những danh họa xuất chúng chủ yếu nhờ cuộc đời vất vả vật lộn với bệnh tật. Những hạn chế sức khỏe đã trở thành nguồn gợi mở, là động lực thúc đẩy toàn bộ sự nghiệp sáng tạo rực rỡ và đầy ấn tượng của họ. Với danh họa này, nỗ lực đắm mình vào nghệ thuật như phương thức bày tỏ thái độ phản kháng thực tại và nó như một liệu pháp chữa trị. Với danh họa khác, nỗ lực đó trở thành cuộc trốn chạy không có đường quay đầu.
Chân dung tự họa – tranh Frida Kahlo.
Tại Berlin, cuối năm 2014, đông đảo người yêu nghệ thuật hội họa có thể chiêm ngưỡng triển lãm những sáng tác của nữ danh họa Mehico Frida Kahlo (1907-1954). Sự nghiệp sáng tạo vẻ vang của nữ nghệ sĩ không thể tách rời cuộc đời riêng tư. Năm 6 tuổi, Frida đã mắc chứng bệnh Heiny Medin quái ác với di chứng chân phải tàn phế suốt đời ngắn hơn chân trái. Số phận càng bi đát bởi vài năm sau, bà bị gãy chân tại trên chục vị trí khác nhau và xương gãy đâm thủng dạ con sau tai nạn giao thông kinh hoàng. Số phận bất hạnh đã buộc Frida Kahlo phải gắn phần lớn cuộc đời còn lại với giường bệnh và thời gian dài điều trị phục hồi chức năng. Nhưng chính trong bối cảnh bi kịch như vậy đã sản sinh một Frida Kahlo - nữ danh họa lừng danh. Bà đã chọn tấm thân tàn phế một mặt gây cho bà vô vàn đau đớn, mặt khác trở thành nguồn gợi mở tạo ra nghệ thuật phi thời gian của bản thân làm mô típ chính những bức tranh của mình. Chính nỗ lực ấy đã mang lại vinh quang bất hủ cho nữ danh họa. Nhiều tác phẩm của bà là biểu tượng đau khổ. Hoặc là trạng thái bất lực và cam chịu của tấm thân con người từng trải nghiệm cũng như lòng kiêu hãnh, cái đẹp và sự phi thường của ý chí con người ham sống.
Viêm khớp dạng thấp là bệnh mà danh họa Pháp nổi tiếng August Renoir (1841-1919) đã phải chống chọi. Bất chấp tình trạng bệnh nặng tấn công đã hạn chế nghiêm trọng khả năng vận động bình thường của tứ chi, nghệ sĩ vẫn nghĩ ra đủ cách để có thể tiếp tục sáng tác. Khi xương khớp cánh tay phải của ông đã mục ruỗng, bàn tay bị biến dạng, Renoir nảy sáng kiến vẽ bằng bút lông nối dài buộc vào cùi tay. Ông còn kiên nhẫn và khéo léo sử dụng công cụ có thể dịch chuyển toan dưới bàn tay, nhờ thế có thể vẽ những bức tranh có kích thước lớn hơn. Danh họa cũng không từ bỏ đam mê điêu khắc. Renoir đã sáng tạo hình khối bằng thạch cao với sự giúp sức của sinh viên, nhân vật thực hiện những thao tác nhào nặn, đục đẽo theo chỉ dẫn của thầy.
Vũ nữ - tranh Edgar Degas.
Henri Toulouse-Lautrec (1864-1901) - danh họa Pháp khác cũng khổ sở vì chứng bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, nếu Renoir đã từng bước đối mặt với sự hành hạ của số mệnh, ngay từ tuổi ấu thơ, Lautrec đã lãnh án cuộc chiến không cân sức với những biến chứng tệ hại của bệnh tự miễn quái dị. Hội chứng pycnodysostosis tấn công làm cho đôi chân của danh họa bị mất cân xứng, gương mặt biến dạng và thị lực suy giảm. Sức khỏe Toulouse-Lautrec còn suy sụp hơn bởi tai nạn làm gãy chân xảy ra ở tuổi vị thành niên cũng như nhiều nỗ lực phục hồi chức năng không mang lại hiệu quả mong muốn. Trước tình trạng bi đát của con trai, mẹ ông đã thuyết phục gia đình sớm mua nhà và chuyển đến khu phố nghệ sĩ Montmartre nổi tiếng thế giới ở Paris. Lối sống thăng hoa thuở ấy bao trùm khu dân cư đã giúp danh họa quên đi gánh nặng bệnh tật và mang lại cho ông khả năng thực hiện trọn vẹn giấc mơ sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, những gì ban đầu đóng vai trò cứu cánh, cùng với ngày tháng đã trở thành sức mạnh hủy diệt ngày càng nhanh chóng cơ thể, hệ quả mới 36 tuổi, danh họa đã kiệt sức và buộc phải giã từ cuộc sống.
Phong cảnh – tranh August Renoir.
Edgar Degas và Claude Monet - 2 trong số những danh họa thuộc trường phái ấn tượng xuất sắc nhất từng bị khuyết tật thị giác nghiêm trọng. Ngay từ tuổi ấu thơ, Monet đã bị cận thị, lớn lên còn mắc bệnh quáng gà. Đến thời điểm nhất định, bệnh tiến triển đã không cho phép danh họa làm việc bình thường. Ca phẫu thuật mạo hiểm ông quyết định thực hiện (năm 82 tuổi) đã giúp Monet thoát cảnh mù lòa. Degas thì khổ sở vì chứng bệnh thoái hóa điểm vàng. Cho dù ý thức rõ những hậu quả nặng nề của tình trạng không sớm điều trị, danh họa vẫn từ chối yêu cầu phẫu thuật. Những bệnh về mắt mà hai danh họa mắc đã có ảnh hưởng quan trọng đến phong cách sáng tác của họ. Những nghiên cứu dựa vào kỹ thuật hiện đại thậm chí còn khẳng định chính bệnh thị lực đã đóng vai trò hình thành một số cá tính nghệ thuật đặc thù trong trường phái ấn tượng.
Ngoài những rối loạn thần kinh phổ biến đã biết, theo một số nhà nghiên cứu, danh họa gián tiếp gắn bó với trường phái ấn tượng người Hà Lan Vincent van Gogh cũng mắc bệnh thị giác. Van Gogh bị rối loạn cảm giác nhìn nhận màu sắc do hậu quả điều trị chứng bệnh động kinh. Tương tự, trường hợp Degas hoặc Monet, chính bệnh thị giác của Van Gogh đã vô tình giúp nghệ sĩ tài hoa hết lòng vì lao động nghệ thuật đã để lại cho đời nhiều tuyệt tác hội họa, thí dụ như bức Ánh trăng với thứ ánh sáng hoàn toàn xa lạ.
Vài nhân vật giới thiệu trong bài chỉ là bộ phận nhỏ trong nhiều nhà sáng tạo đặc biệt và độc nhất vô nhị, những người bất chấp bệnh tật và đôi khi chính nhờ số phận nghiệt ngã, đã bước vào thánh đường những nghệ sĩ đích thực - những nghệ sĩ của nghệ thuật và cuộc sống.
(Theo Slawni niepelnosprawni - integralia)
Vinh Thu