Bệnh tâm thần trong mùa thi Có thể phòng ngừa?

17-06-2014 23:47 | Thời sự
google news

SKĐS - Phòng bệnh tâm thần cho các sĩ tử trong mùa thi? Bệnh tâm thần có thể phòng được không? Câu trả lời là chỉ phòng ngừa được bệnh tâm thần do căn nguyên bên ngoài..

Phòng bệnh tâm thần cho các sĩ tử trong mùa thi? Bệnh tâm thần có thể phòng được không? Câu trả lời là chỉ phòng ngừa được bệnh tâm thần do căn nguyên bên ngoài, còn đa số trường hợp là không thể phòng được.

Có nhiều lý do, thứ nhất là bệnh tâm thần không phải là bệnh truyền nhiễm nên không có vắc-xin phòng ngừa. Điều này ai cũng thừa nhận nên chúng ta không đề cập đến nữa.

Thứ hai, các bệnh tâm thần do căn nguyên bên ngoài thì có thể phòng ngừa được. Đó là các bệnh nghiện rượu, ma túy, nghiện game online, rối loạn cảm xúc và loạn thần do chấn thương sọ não... Các bệnh này có nguyên nhân rõ ràng, khi chúng ta ngăn ngừa được các nguyên nhân này thì sẽ không bị bệnh. Tuy nhiên, nhiều bệnh như nghiện ma túy “đá”, nghiện game online đã len lỏi vào học đường từ nhiều năm nay. Chúng ta biết rõ nguyên nhân vậy mà có ngăn chặn được hết đâu. Chẳng phải là số người nghiện game online và nghiện ma túy tổng hợp đang tăng lên trong những năm gần đây? Cả xã hội tập trung vào chống hai tệ nạn này mà số người nghiện (có rất nhiều người là học sinh, sinh viên) đâu có giảm! Còn tai nạn giao thông gây chấn thương sọ não rồi từ đó dẫn đến rối loạn tâm thần do chấn thương sọ não cũng không hề ít đi theo thời gian. Như vậy có thể tạm kết luận, các bệnh rối loạn tâm thần do căn nguyên bên ngoài có thể phòng được (về lý thuyết), nhưng rất khó.

Cha mẹ cần tạo môi trường tâm lý thoải mái cho các em trong kỳ thi.

Cha mẹ cần tạo môi trường tâm lý thoải mái cho các em trong kỳ thi.

Thứ ba, các bệnh tâm thần nội sinh thì không thể phòng ngừa được. Đáng buồn thay các bệnh này lại rất đông bệnh nhân như trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt và các bệnh loạn thần khác... tổng cộng đến 20 - 25% dân số mắc các dạng bệnh này. Các bệnh này đều có nguyên nhân là rối loạn gen di truyền (kiểu tổ hợp gen) dẫn đến việc sản xuất chất dẫn truyền thần kinh trong não bị rối loạn (serotonin và dopamin), từ đó gây ra các bệnh nói trên. Do bệnh có nguyên nhân là rối loạn gen di truyền nên rất khó phòng vì từ lúc cha sinh, mẹ đẻ ra người bệnh đã mang các gen bệnh đó. Sẽ có người nói rằng bệnh do gen di truyền gây ra nhưng sẽ phát bệnh sớm hay muộn tùy thuộc vào môi trường thuận lợi hay không! Rất đúng. Vậy chúng ta tạo ra cho mọi người một môi trường tốt thì sẽ ngăn ngừa hoặc làm chậm phát bệnh tâm thần! Vâng, lại càng đúng. Nhưng vấn đề là môi trường nào tốt và làm sao tạo ra được môi trường tốt đây? Chúng ta hàng ngày sống trong một xã hội đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì làm sao tránh khỏi các căng thẳng buộc phải có mà xã hội đó mang lại, làm sao mà không nảy sinh các vấn đề trong lao động, học tập và sinh hoạt? Có những yếu tố tác động đến chúng ta một cách khách quan mà chúng ta không thể cưỡng lại được. Ví dụ kinh tế thế giới khủng hoảng, bạn hàng đặt hàng ít đi, người lao động sẽ ít việc làm, thu nhập thấp, thất nghiệp tăng, xí nghiệp phá sản nhiều... những cái đó chúng ta đâu có cưỡng lại được!

Những lý do nêu trên chứng tỏ rằng, nếu đa số các bệnh tâm thần không phòng ngừa được thì việc tăng cường phổ cập kiến thức về bệnh tâm thần cho mọi người là rất cần thiết, giúp mọi người hiểu và chấp nhận một thực tế rằng bệnh tâm thần rất khó phòng. Hãy để công sức vào việc chống nó, tức là chữa chạy có hiệu quả cho bệnh nhân khi phát hiện ra bệnh và phòng chống bệnh tái phát.

Như vậy, các bậc phụ huynh cứ động viên các sĩ tử học hành bình thường, chú ý việc ăn, ngủ nghỉ để có sức khỏe tốt cho kỳ thi, tạo môi trường thuận lợi cho các em cân bằng về sức khỏe tâm thần mà đừng lo chuyện phòng bệnh tâm thần nữa!

PGS.TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện 103)

 


Ý kiến của bạn