SỨC KHỎE TÂM THẦN TRONG ĐẠI DỊCH COVID- 19
Trên thế giới, có khoảng 20 triệu người mắc bệnh tâm thần phân liệt. Nhưng 69% người bị tâm thần phân liệt không nhận được sự chăm sóc thích hợp và 90% người bệnh tâm thần phân liệt tại các nước thu nhập thấp và trung bình không được điều trị.
Nguyên nhân tâm thần phân liệt
Nguyên nhân hiện chưa rõ ràng, có thể do phối hợp của các yếu tố sau đây:
- Yếu tố di truyền.
- Yếu tố sinh hóa: vài chất hoá học trong não được cho rằng có góp phần gây ra bệnh này, nhất là chất dopamin.
- Yếu tố gia đình: người ta nhận xét thấy người bệnh tâm thần phân liệt dễ tái phát hơn nếu không khí trong gia đình căng thẳng.
- Yếu tố môi trường: Người ta nhận thấy môi trường xung quanh quá nhiều sang chấn (stress) có thể góp phần thúc đẩy sự xuất hiện bệnh tâm thần phân liệt.
Bệnh tâm thần phân liệt có nguy hiểm không?
Tâm thần phân liệt là một bệnh tâm thần dạng nặng với những triệu chứng hoang tưởng, ảo giác và rối loạn hành vi, ngôn ngữ. Một số tác động mà bệnh tâm thần phân liệt có thể gây nên như:
- Suy giảm chất lượng cuộc sống.
- Mất dần các mối quan hệ.
- Làm tổn thương đến bản thân và những người xung quanh khi có các triệu chứng hoang tưởng.
- Nguy cơ tử vong sớm hơn người thường.
Điều trị đúng và sớm giúp tăng khả năng phục hồi cho người bệnh
Hiện nay phương pháp điều trị hiệu quả nhất là sự phối hợp giữa thuốc chống loạn thần và công tác phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho người bệnh.
1. Thuốc chống loạn thần:
Các thuốc chống loạn thần cổ điển (chlorpromazin, haloperidol…) và thế hệ mới (risperidon, olanzapin, clozapin …) góp phần điều chỉnh các chất hóa học trong não nhưng không gây nghiện.
Đa số người bệnh cần điều trị trong thời gian rất lâu dài để đề phòng tái phát. Việc ngừng uống thuốc nhất thiết cần phải hỏi ý kiến bác sĩ tâm thần.
2. Phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho người bệnh
Bao gồm một loạt các biện pháp nhằm mục đích:
- Giúp người bệnh phục hồi khả năng tiếp xúc với mọi người xung quanh, khả năng làm việc và học tập.
- Giúp gia đình người bệnh hiểu rõ hơn về bệnh, về cách điều trị và các tác dụng phụ của thuốc chống loạn thần, về cách đối xử thích hợp với người bệnh.
- Giúp hàng xóm và mọi người trong xã hội có cái nhìn đúng đắn về loại bệnh này để mọi người chung quanh người bệnh thông cảm với người bệnh hơn và họ cũng xem bệnh này cũng giống như những loại bệnh cần được điều trị lâu dài khác như đái tháo đường, tăng huyết áp…
Nhận biết các yếu tố nguy cơ và dấu hiệu bệnh tâm thần phân liệt
Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh:
- Trong gia đình có bố, mẹ, anh chị em ruột bị tâm thần phân liệt.
- Căng thẳng trong mối quan hệ gia đình.
- Lạm dụng rượu, bia và các chất gây nghiện.
Nếu có yếu tố nguy cơ kể trên, bạn hãy đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh:
- Thay đổi khác lạ trong cách ăn nói sinh hoạt thường ngày.
- Cảm thấy suy nghĩ của mình bị người khác biết trước hoặc bị áp đặt, đa nghi, kích động.
Khi có một trong các dấu hiệu trên, bạn hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán, tư vấn và điều trị.
Truyền thông kiến thức chăm sóc sức khỏe tâm thần là nội dung trong chương trình Chăm sóc sức khỏe Việt, với mục tiêu hỗ trợ cộng đồng có các kiến thức hữu ích về sức khỏe tâm thần. Khi có bất cứ các dấu hiệu, triệu chứng về sức khỏe tâm thần, hãy đến ngay cơ sở gần nhất để được khám, chẩn đoán, tư vấn và điều trị sớm.
Chăm sóc sức khỏe Việt là chương trình phòng chống các bệnh không lây nhiễm (BKLN), do Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế và Công ty Davipharm phối hợp thực hiện, nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về dự phòng, phát hiện sớm nguy cơ mắc một số BKLN phổ biến cũng như chẩn đoán sớm và kiểm soát tốt BKLN.
Bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị.