Nhưng thực sự bệnh lý tâm thần có bị lây từ người này sang người khác không và nếu lây thì bệnh lây như thế nào?
Chúng ta đã nghe nhiều đến những hiện tượng ‘ngất tập thể’, ‘nôn tập thể’ hay ‘co giật tập thể’… Đó là một bệnh lý tâm thần được gọi là rối loạn phân ly tập thể (mass hysteria).
Rối loạn phân ly là một bệnh lý gồm có một nhóm triệu chứng như là một bệnh lý cơ thể, nhưng không xác định được tổn thương ở các cơ quan gây ra triệu chứng tương ứng và không có đủ bằng chứng để chẩn đoán là một bệnh do tổn thương của cơ thể gây ra. Rối loạn phân ly tập thể là những triệu chứng xảy ra ở một nhóm người.
Các chuyên gia thì cho rằng rối loạn phân ly tập thể là một trạng thái tâm thần liên quan đến triệu chứng cơ thể do sự căng thẳng về cảm xúc hay tâm thần gây ra.
Rối loạn phân lý tập thể gây ngất xỉu hàng loạt…
Về mặt xã hội học, đây là một nhóm rối loạn hành vi một cách tự phát ở một nhóm lớn người này, ảnh hưởng đến người kia và ngược lại.
Nhóm triệu chứng gồm những biểu hiện như co giật, có những biểu hiện vận động bất thường, run, quên tạm thời, đau bụng, cảm giác như thắt ngực, chóng mặt, ngất, khóc lóc, ngã, đau đầu, thở nhanh nông, buồn nôn, nôn, từ chối ăn, thu rút né tránh tiếp xúc với mọi người, tăng nhạy cảm với tiếng động, nấc, lo âu, cười, có lúc la hét, tim đập nhanh…
Hai năm gần đây, chúng ta ai cũng biết đến đại dịch COVID-19. Việc một số người sợ bị nhiễm COVID-19 một cách quá mức và có những biểu hiện như là mình bị nhiễm COVID-19, rồi cũng mô tả mình có những biểu hiện giống hệt như bị COVID-19, cũng được cho là hiện tượng rối loạn phân ly tập thể. Những biểu hiện này lây từ người này sang người khác, đặc biệt là khi họ tìm hiểu quá nhiều những thông tin về bệnh này trên mạng xã hội.
Hiện tượng này có thể xảy ra trên một cá nhân và sau đó sẽ xuất hiện ở nhiều người khác với những biểu hiện tương tự. Thường hay gặp hiện tượng này ở trường học hay ở các nhà máy, những nơi tập trung nhiều nữ và cũng thường hay xảy ra ở phụ nữ (ví dụ ở các khu công nghiệp về may mắc, giầy da…).
1. Nguyên nhân của rối loạn phân ly tập thể
Đến nay có nhiều giả thuyết về nguyên nhân của hiện tượng này trong đó có vai trò quan trọng của stress và lo âu.
Một vài ví dụ của stress như: Môi trường quá khắt khe ở trường học, đặc biệt là những đối tượng đi học xa nhà, một thảm họa ở cộng đồng hoặc một sự việc gây đau buồn, mối quan hệ căng thẳng ở trường, đặc biệt ở lứa tuổi dậy thì, một sự cô lập trong cộng đồng, đặc biệt là ở những tôn giáo khắc nghiệt, bị trừng phạt vì bất kỳ sai phạm nào, một dịch bệnh hay một mối đe dọa nào đó có thể gây ra nguy hiểm đến sức khỏe.
Một đặc điểm của bệnh này là khi tình trạng rối loạn phân ly tập thể đã xảy ra, nếu càng để cả nhóm đối tượng đó tập trung với nhau thì tình trạng bệnh lý càng kéo dài và nếu tách riêng từng người ra những nơi khác nhau thì tình trạng đó sẽ nhanh chóng kết thúc.
Khi những người mắc chứng rối loạn phân ly tập thể này được điều trị bằng giả dược (không phải thuốc), thì tình trạng bệnh tốt hơn bởi vì bản thân họ mong muốn là việc điều trị ấy có hiệu quả.
Khi bạn nghe một bài hát buồn trong lúc bạn đang rất vui thì tâm trạng của bạn có thể trở lên buồn theo giai điệu của bài hát và nếu bạn không muốn tình trạng buồn đó tiếp tục chi phối bạn, thì bạn không nghe bài hát đó nữa và chuyển sang một bài có giai điệu vui hơn. Còn khi bạn nghe tâm sự buồn của một người bạn, có thể cảm thấy buồn theo, cũng cảm thấy đau khổ về vấn đề của người bạn đó?
Vậy thực sự thì cảm xúc hoàn toàn có thể lây từ người này sang người khác cũng giống như bệnh COVID-19 vậy. Đó là cảm xúc và sự thể hiện cảm xúc của bạn giống với những cảm xúc và biểu cảm của những người xung quanh bạn.
2. Quá trình lây truyền cảm xúc
Quá trình lây truyền cảm xúc này diễn ra theo 3 giai đoạn: Bắt chước, phản hồi và lây lan.
2.1 Bắt chước
Để bắt chước cảm xúc của ai đó, trước tiên bạn phải nhận ra cảm xúc đó. Các tín hiệu cảm xúc thường tinh tế, vì vậy có thể bạn không phải lúc nào cũng ý thức được điều này.
Bắt chước xảy ra thông qua ngôn ngữ cơ thể. Ví dụ, khi nói chuyện với bạn bè, bạn có thể bắt đầu sao chép tư thế, cử chỉ hoặc nét mặt của họ một cách vô thức.
Nếu bạn bắt đầu cuộc trò chuyện với một chút lo lắng hoặc đau khổ, nhưng nếu khuôn mặt của bạn của bạn có vẻ thoải mái và cởi mở, thì biểu hiện của chính bạn cũng có thể thư giãn.
Bắt chước có thể giúp bạn liên hệ với người khác bằng cách hiểu trải nghiệm của họ, vì vậy đó là một khía cạnh quan trọng của tương tác xã hội, nhưng đó chỉ là một phần của quá trình lây lan cảm xúc.
2.2 Phản hồi và lây lan
Bằng cách bắt chước một cảm xúc, bạn bắt đầu trải nghiệm nó. Trong ví dụ trên, nét mặt thoải mái có thể giúp bạn cảm thấy bình tĩnh hơn. Thậm chí mức độ sâu hơn đó là trầm cảm có thể lây lan. Rất nhiều trường hợp khi con cái trong nhà có chuyện xảy ra, ví dụ ly hôn hay vợ chồng cãi nhau, làm ăn thua lỗ, lâm vào tình trạng trầm cảm, bố mẹ hay anh chị em trong nhà cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Bắt chước một cảm xúc thường gợi lên cảm xúc như vậy trong bạn và sau đó nó trở thành một phần trong trải nghiệm của chính bạn. Bạn bắt đầu thể hiện nó và từ bạn những cảm xúc này có thể lây sang những người khác theo cách tương tự, và quá trình lây lan cảm xúc đã hoàn tất.
3. Làm thế nào để lan truyền những cảm xúc tích cực và hạn chế nhiễm cảm xúc tiêu cực?
Luôn cười và suy nghĩ tích cực sẽ tiếp thêm niềm tin, cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng.
Lây lan cảm xúc không phải lúc nào cũng là điều xấu. Ai không muốn lan tỏa hạnh phúc, nhưng cũng có một nhược điểm: Cảm xúc tiêu cực có thể lây lan dễ dàng. Điều quan trọng là chúng ta nhận ra cảm xúc tiêu cực của người khác và giúp họ có được cảm xúc tích cực, còn mình thì không bị lây những cảm xúc tiêu cực đó.
3.1 Bao quanh bạn với những điều khiến bạn hạnh phúc
Bạn sẽ ít có khả năng khuất phục trước tâm trạng tồi tệ của người khác nếu bạn giữ cho môi trường xung quanh luôn tràn ngập những điều mang lại niềm vui cho bạn. Nếu bạn có xu hướng gặp phải nhiều điều tiêu cực trong công việc, hãy biến văn phòng hoặc bàn làm việc thành "nơi hạnh phúc" cho chính mình.
Dưới đây là một vài ý tưởng gợi ý cho bạn:
- Mang theo thực vật hoặc thậm chí là cá, nếu nơi làm việc của bạn cho phép.
- Treo ảnh thú cưng, đối tác, con cái hoặc bạn bè của bạn tại không gian làm việc của bạn.
- Sử dụng tai nghe để nghe podcast hoặc nhạc yêu thích của bạn trong khi bạn làm việc.
- Ngay cả khi bạn bắt đầu cảm thấy như mình đang rơi vào trường hợp tiêu cực tồi tệ, môi trường xung quanh bạn có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
3.2 Cười lên
Cười có thể giúp cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng. Nó cũng có thể lây lan cho những người xung quanh bạn.
Khi bạn cảm thấy sự tiêu cực len lỏi, hãy chia sẻ một video hài hước, kể một câu chuyện cười hay hoặc thưởng thức bộ phim yêu thích của bạn để tăng cường sự tích cực.
Tham gia những câu lạc bộ Yoga cười đem lại nụ cười và cảm xúc rất tích cực cho mọi người.
Mời độc giả xem thêm video:
Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng.