Hà Nội

Bệnh suy thận mạn tính, những điều nên biết

03-07-2019 08:27 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Nếu như bạn có suy thận mạn, điều này có nghĩa là chức năng lọc các chất độc và dịch dư thừa ra khỏi máu của bạn đang dần bị suy giảm.

Đây là một bệnh lý nghiêm trọng, tuy nhiên nếu điều trị đúng đắn sẽ làm chậm diễn tiến của bệnh.

Suy thận mạn là gì ?

Có suy thận mạn có nghĩa là thận của bạn mất chức năng đào thải các chất độc hại và dịch dư thừa ra khỏi máu. Bệnh có tổn thương thận mạn tính có nghĩa là một tình trạng bệnh lý kéo dài.

Hai thận của bạn nằm ngay dưới các xương sườn và thuộc về vùng giữa lưng, hai bên cột sống. Thận có chức năng lọc máu khỏi chất độc và dịch dư thừa thông qua nước tiểu. Suy thận mạn tính có nghĩa là bạn đang có vấn đề về chức năng lọc máu này. Thông thường suy thận mạn thường xuất hiện ở những bệnh nhân tăng huyết áp và đái tháo đường lâu năm. Bệnh nhân đái tháo đường có tình trạng tăng nồng độ đường trong máu, dần dần quá trình này sẽ làm tổn thương các mạch máu nhỏ có chức năng dẫn các chất độc và dịch dư thừa tới thận. Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh thận mạn tính.

Tăng huyết áp cũng gây tổn thương những mạch máu nhỏ một cách từ từ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến hàng thứ 2.

Một số nguyên nhân khác như: Tắc mạch động mạch thận; Bệnh thận do nguyên nhân di truyền (thận đa nang); Bệnh tự miễn (như lupus, xơ cứng bì); Nhiễm độc trong thời gian kéo dài như chì trong màu vẽ, hoặc các chất độc quân sự; Khi thận mất chức năng lọc, các chất độc và dịch sẽ tích lũy trong cơ thể và gây nên các vấn đề toàn thân.

Suy thận mạn tính khác với suy thận cấp tính. Suy thận cấp là tình trạng mất chức năng thận đột ngột. Nguyên nhân có thể là do lượng  máu tới thận không đủ, tắc nghẽn đường niệu dưới, hoặc tổn thương do các bệnh lý nghiêm trọng, thuốc hoặc các chất độc.

Tổn thương thận cấp tính có thể hồi phục nếu như không quá tồi tệ. Nhưng nếu bạn có suy thận cấp tính, nguy cơ chuyển suy thận mạn tính của bạn sẽ cao hơn trong tương lai.

Suy thận mạn tính là một bệnh lý nặng và thường dẫn tới nhiều biến chứng làm giảm tuổi thọ.

Suy thận mạn tính là một bệnh lý nặng và thường dẫn tới nhiều biến chứng làm giảm tuổi thọ.

Chẩn đoán suy thận mạn tính nhiều khó khăn

Nhiều bệnh nhân suy thận mạn tính không có triệu chứng rõ ràng. Thực tế triệu chứng sẽ không biểu hiện cho tới khi xuất hiện các tổn thương thận nặng nề.

Các triệu chứng có thể là: Mệt mỏi; Buồn nôn; Tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường; Nặng mi mắt, hoặc sưng nề hai chi dưới (sưng nề được gọi là phù); Cảm thấy không khỏe; Sút cân hoặc ăn không ngon; Tiểu bọt; Nước tiểu có màu sậm (màu cocacola); Ngứa hoặc nổi ban; Một số triệu chứng như mệt mỏi, buồn nôn có thể gây nên bởi các bệnh lý khác. Chính vì vậy chẩn đoán suy thận mạn tính thường gặp nhiều khó khăn.

Nếu thầy thuốc nghi ngờ có tổn thương thận, sẽ chỉ định xét nghiệm máu và nước tiểu để đánh giá khả năng lọc của thận.

Có thể bạn cũng sẽ được chỉ định làm siêu âm để đánh giá tình trạng tắc nghẽn đường niệu, hoặc sinh thiết để tìm nguyên nhân và đánh giá mức độ tổn thương thận. Sinh thiết là kỹ thuật lấy một phần rất nhỏ của thận bằng kim sinh thiết để đánh giá dưới kính hiển vi.

Lời khuyên của bác sĩ

Suy thận mạn tính là một bệnh lý nặng và thường dẫn tới nhiều biến chứng làm giảm tuổi thọ. Việc điều trị sẽ giúp chậm sự phát triển của bệnh, nhiều bệnh nhân có thể sống trong rất nhiều năm. Điều quan trọng là cần chẩn đoán sớm, điều trị càng sớm sẽ giúp ngăn chặn sớm những tổn thương thận. Chất lượng cuộc sống của nhiều bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối rất tốt khi theo chỉ định của bác sĩ một cách chặt chẽ.


PGS.TS. Trần Hồng Nghị (Bệnh viện TWQĐ 108)
Ý kiến của bạn