Khoảng 2 tháng gần đây, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) đã tiếp nhận và điều trị cho 1.560 bệnh nhân mắc sùi mào gà (SMG) ở nhiều địa phương khác nhau, trong đó, số lượng bệnh nhi là 59 em, tất cả đều dưới 15 tuổi. Vậy sùi mào gà là gì? Vì sao mắc bệnh?
Gọi là sùi mào gà (SMG) bởi sự biểu hiện của bệnh trông gần giống như mào của gà, bệnh gặp chủ yếu ở bộ phận sinh dục nam hoặc nữ với mọi lứa tuổi, ngoài ra còn gặp ở một số bộ phận khác của cơ thể.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh SMG có thể lây qua đường tình dục và thường gặp ở những người trưởng thành quan hệ bừa bãi, đó là các đối tượng chính. Trong thực tế, bệnh có thể lây do tiếp xúc trực tiếp với trang thiết bị, dụng cụ y tế, bàn tay nhân viên y tế không vô khuẩn hoặc bàn tay, đồ dùng của người bị bệnh SMG. Vì thế, trẻ mắc bệnh này có thể vô tình tiếp xúc với virut gây bệnh mà không biết.
Có rất nhiều con đường lây nhiễm HPV cho trẻ em. Thông thường nguyên nhân là tiếp xúc với người chăm sóc trực tiếp (người lớn bị nhiễm virut HPV nếu có tiếp xúc với bộ phận sinh dục của trẻ đều có nguy cơ lây bệnh cho trẻ). Trẻ có thể bị lây truyền từ tổn thương do HPV gây ra ở vùng niêm mạc bộ phận sinh dục hoặc da (do bị lạm dụng tình dục hoặc lây truyền từ mẹ bị nhiễm HPV sinh dục lúc sinh nở bằng đường sinh dục) hoặc do khi tắm cho trẻ. Bệnh cũng có thể lây truyền từ đồ dùng như khăn tắm, đồ lót bị nhiễm HPV của người bị SMG. Virut cũng có thể xâm nhập qua vết thương hở, trầy xước hoặc niêm mạc miệng, mắt... (rất ít khi xảy ra). Trong nhiều trường hợp, trẻ bị SMG có thể liên quan tới cắt bao quy đầu, nong bao quy đầu nếu vệ sinh phòng khám không tốt, dụng cụ y tế bị nhiễm HPV không được vô trùng tuyệt đối.
Đường lây nhiễm bệnh sùi mào gà.
Biểu hiện của bệnh
Thời kỳ ủ bệnh khá dài, thường từ 2-9 tháng sau khi có quan hệ tình dục hoặc bị lây nhiễm bởi người có mang mầm bệnh HPV hoặc bị lây nhiễm từ người có mang HPV.
Lúc đầu bệnh biểu hiện ở bộ phận sinh dục (nam hoặc nữ) nổi lên những sùi nhỏ, mềm, lồi cao lên như những nhú gai có đường kính từ 1-2mm. Nốt sùi có màu hồng, có nhiều nhánh kèm theo các nhú gai và càng ngày càng lớn dần lên trông giống như mào của con gà. Nốt sùi này phát triển dần dần lan ra các vùng xung quanh và đôi khi phát triển có thể dài tới vài centimet. Thương tổn chủ yếu là những sùi nhỏ, tròn trông giống như những đĩa bẹt, bề mặt xù xì hoặc liên kết với nhau thành một đám nhỏ, mềm. SMG có thể lan rộng ra xung quanh trông giống như hoa súp lơ (ở vùng âm đạo của phụ nữ, sùi mào gà có màu hơi trắng). Bề mặt của SMG có thể mềm, dễ bị mủn ra, ẩm ướt. SMG có thể gặp bất kỳ chỗ nào của bộ phận sinh dục nam và nữ.
Ở nam giới, SMG thường gặp ở rãnh quy đầu, miệng sáo, phần đầu của niệu đạo và đôi khi còn gặp cả ở da bìu.
Ở phụ nữ, SMG thường xuất hiện ở vùng âm vật, âm hộ, môi lớn, môi bé và còn có thể gặp cả ở cổ tử cung. Bệnh có thể xuất hiện cả ở vùng hậu môn (cả trong và ngoài). Khi điều kiện thuận lợi như ẩm ướt hoặc đang trong thời kỳ mang thai, bệnh SMG có thể phát triển nhanh hơn, to hơn, màu đỏ và tiết dịch có mùi hôi.
Đặc điểm của bệnh SMG là gây cảm giác khó chịu khi đi lại, nhất là các trường hợp SMG phát triển to quá. Khi bị sang chấn hoặc cọ xát có thể làm chảy máu. Ngoài ra, SMG cũng có thể bị bội nhiễm vi khuẩn gây sốt, hạch bẹn sưng to, nốt sùi có thể có mủ.
Biến chứng do bệnh sùi mào gà
Trước đây, bệnh SMG được coi là lành tính nhưng ngày nay đã gặp một số trường hợp trở thành ác tính (ung thư cổ tử cung ở nữ giới và ung thư dương vật ở nam giới). HPV cũng có thể kết hợp với virut gây bệnh hạt cơm ở các vùng da khác của cơ thể như ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, ngón tay, ngón chân. Người mắc bệnh SMG nếu không chữa trị sớm, bệnh sẽ kéo dài và có thể gây biến chứng, viêm loét, xơ, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cũng như tình dục sau này, nguy hiểm nhất là gây ung thư.
Nguyên tắc điều trị
Khi nghi ngờ bị bệnh SMG phải được khám và điều trị sớm bởi bác sĩ chuyên khoa da liễu. Có người khỏi hoàn toàn do miễn dịch cơ thể tốt, tuy nhiên điều trị SMG không chỉ một lần là khỏi hẳn, bệnh nhân phải định kỳ thăm khám. Trung bình 2-3 tuần, người bệnh cần khám lại điều trị tiếp tổn thương và khám định kỳ trong vài tháng. Khi được điều trị, nếu bệnh nhân không đáp ứng với thuốc bôi tại chỗ, các bác sĩ có thể sử dụng phương pháp áp lạnh, laser, cắt bỏ tổn thương. Những biện pháp này sẽ gây đau và trong một số trường hợp có thể để lại các sang chấn tâm lý, nhất là bệnh nhi, vì vậy, bác sĩ sẽ phải tiến hành gây tê hoặc gây mê.
Nguyên tắc phòng bệnh
Đây là bệnh lây qua đường tình dục, qua da, niêm mạc, cho nên trong thời gian mang bệnh và sau khi điều trị khỏi hoàn toàn ít nhất là 3 tháng mới nên có quan hệ tình dục để tránh lây cho người vợ (chồng hoặc bạn tình) hoặc phải dùng bao cao su đúng quy cách, an toàn. Những người đang mắc bệnh SMG (vợ, chồng) nên chủ động tránh tiếp xúc với con, người trong gia đình, nhất là các quần áo, đồ lót, khăn tắm...phải giặt và khử trùng bằng nước đun sôi. Trong cuộc sống sinh hoạt đừng quên vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài hàng ngày bằng nước sạch và xà phòng thích hợp. Không mặc chung quần, áo, nhất là quần áo lót của người mắc bệnh SMG. Với các cơ sở y tế, cần vô trùng tuyệt đối dụng cụ, trang thiết bị y tế và vệ sinh, sát trùng bàn tay trước khi làm việc.