Hà Nội

Bệnh sốt xuất huyết gia tăng: Một nữ sinh viên ở Hà Nội tử vong

24-05-2017 08:10 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Có 4 týp virut gây sốt xuất huyết (gồm D1, D2, D3, D4). Một người mắc bệnh do một týp nào đó thì miễn nhiễm suốt đời với týp này...

* Có 4 týp virut gây sốt xuất huyết (gồm D1, D2, D3, D4). Một người mắc bệnh do một týp nào đó thì miễn nhiễm suốt đời với týp này, nhưng với 3 týp còn lại thì không. Vì vậy, trong đời, một người có thể bị mắc bệnh sốt xuất huyết tới 4 lần.

* Khuyến cáo của  Bộ Y tế về cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay, bệnh sốt xuất huyết (SXH) gia tăng tại một số tỉnh, thành phố như khu vực miền Trung và phía Nam. Riêng tại Hà Nội, mới đây đã ghi nhận trường hợp đầu tiên tử vong do SXH, cùng với đó từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP. Hà Nội đã ghi nhận trên 700 trường hợp mắc SXH, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2016... Trong khi SXH là bệnh chưa có vắc-xin phòng bệnh, do đó các chuyên gia khuyến cáo người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh của ngành y tế để tránh làm cho dịch bệnh SXH lây lan rộng, nhất là khi mùa mưa đang đến...

Nữ sinh 19 tuổi tử vong vì SXH

Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, trường hợp tử vong đầu tiên là một nữ sinh viên 19 tuổi của Học viện Ngân hàng (thuê trọ tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa). Được biết, nữ sinh viên này được điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TW và kết quả mẫu bệnh phẩm xác định, bệnh nhân dương tính với virut SXH Dengue týp 1. Nguyên nhân tử vong do bệnh nhân đến viện cấp cứu muộn, bệnh diễn biến quá nhanh. Ngay khi có ca bệnh này, từ ngày 17-21/5, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Trung tâm Y tế quận Đống Đa cùng với phường Trung Liệt đã tiến hành điều tra côn trùng, vệ sinh môi trường diệt bọ gậy; phun hóa chất; truyền thông bằng loa truyền thanh di động tại khu vực bệnh nhân thuê trọ. Đồng thời tổ chức phun hóa chất diện rộng và chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy quy mô toàn phường Trung Liệt. Mặt khác, giám sát chặt chẽ tại khu vực ổ dịch để phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, tư vấn chăm sóc và điều trị, tránh xảy ra tử vong tại cộng đồng.Người dân cần phối hợp với ngành y tế để phun hóa chất tại nơi ở,  phòng chống dịch bệnh SXH. Ảnh: TM

Người dân cần phối hợp với ngành y tế để phun hóa chất tại nơi ở,  phòng chống dịch bệnh SXH. Ảnh: TM

Mới đây, trên địa bàn quận cũng ghi nhận ổ dịch SXH tại ký túc xá Trường ĐH Luật Hà Nội với 11 ca mắc. Ngoài ra, tại phường Khương Thượng cũng ghi nhận ổ dịch SXH tại ngõ 95 Chùa Bộc và ngõ 354 Trường Chinh với tổng số bệnh nhân là 10 người.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, nguyên nhân gia tăng tỷ lệ mắc SXH tại Hà Nội là do tình hình thời tiết diễn biến thất thường khiến muỗi gây bệnh phát triển. Mặt khác, tỷ lệ hộ gia đình tham gia vệ sinh môi trường và phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành còn thấp.

Cũng theo ông Hoàng Đức Hạnh, SXH là bệnh truyền nhiễm do virut Dengue (D) gây nên. Có 4 týp virut gây bệnh (gồm D1, D2, D3, D4). Một người mắc bệnh do một týp nào đó thì miễn nhiễm suốt đời với týp này, nhưng với 3 týp còn lại thì không. Vì vậy, trong đời, một người có thể bị mắc bệnh SXH tới 4 lần. Điều đáng chú ý là nếu như năm 2016, việc giám sát cho thấy các bệnh nhân mắc SXH trên địa bàn Hà Nội là do virut týp D1 thì sang năm nay, đã phát hiện thêm virut týp D2.

Tăng cường giám sát, xử lý ổ dịch kịp thời

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, những tháng đầu năm 2017, mặc dù các trường hợp mắc SXH trên cả nước giảm 20% so với cùng kỳ năm 2016 nhưng trong thời điểm hiện nay, bệnh có sự gia tăng tại một số tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đăk Lăk... Bên cạnh đó, cả nước vẫn ghi nhận rải rác các trường hợp mắc bệnh do virut Zika tại một số tỉnh, thành phố phía Nam; đặc biệt, hiện bắt đầu vào mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH và Zika phát triển mạnh.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia và vận động người dân tiến hành các hoạt động loại bỏ các vật dụng phế thải để triệt tiêu nơi sinh sản của muỗi; tổ chức các chiến dịch để người dân tự diệt loăng quăng, bọ gậy phòng chống bệnh SXH và Zika.

Các địa phương cần đảm bảo đủ nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị để triển khai các hoạt động phòng chống dịch chủ động, hiệu quả. Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để tiến hành xử lý ổ dịch kịp thời; phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng kỹ thuật 2-3 lần cách nhau 1 tuần để xử lý triệt để các ổ dịch; đảm bảo 100% các hộ gia đình và 100% các phòng, các tầng trong nhà được phun thuốc theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh

Theo Bộ Y tế, bệnh SXH đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Ðể tích cực phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp sau: Ðậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Thái Bình
Ý kiến của bạn