Bệnh sốt xuất huyết (SXH) đã và đang diễn biến hết sức phức tạp tại các địa phương, cả nước đã ghi nhận khoảng 25.000 ca SXH và 16 người tử vong, đặc biệt SXH gia tăng ở một số địa phương Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Theo khuyến cáo của ngành y tế, SXH đang vào mùa và dự báo nguy cơ lây lan ra cộng đồng, vì vậy người dân cần chủ động các biện pháp phòng, chống dịch để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Để phòng bệnh SXH cần sự chủ động của người dân trong vệ sinh môi trường sống. Ảnh: B.Nhung
SXH diễn biến phức tạp
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện nay 29/30 quận, huyện có bệnh nhân mắc SXH, số bệnh nhân ghi nhận cao tại một số quận huyện như: Thanh Trì, Hoàng Mai, Ba Đình, Thanh Xuân, Hoài Đức. Cũng theo nhận định của Sở Y tế Hà Nội, trong 8 tháng đầu năm 2015, bệnh SXH xảy ra trên địa bàn với đặc điểm dịch không bùng phát mạnh như những năm trước, dịch có thể có những diễn biến phức tạp... Còn tại TP.HCM, tính đến đầu tháng 9, các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM ghi nhận hơn 8.000 ca mắc SXH phải nhập viện điều trị, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Liên tục 4 tuần gần đây, toàn thành phố ghi nhận 75 phường, xã liên tục có ca mắc SXH mới. Trước tình hình bệnh SXH đang bùng phát, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch.
Tại Bình Dương, theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) tỉnh, đến tháng 8/2015 trên 9 huyện, thị, thành phố đều có bệnh nhân SXH và 4 ca tử vong. Trong đó, TP.Thủ Dầu Một nhiều nhất với 118 ca... BS. Dương Thành Mỹ, Giám đốc TTYTDP TP.Thủ Dầu Một cho biết, năm nay, TP.Thủ Dầu Một là địa bàn có số ca SXH tăng mạnh và đã có trường hợp tử vong. Trước tình hình này, TTYTDP tỉnh cũng đã triển khai phun hóa chất diện rộng tại các nơi có bệnh nhân SXH.
Tại Bình Định, ổ dịch SXH cũng đã xuất hiện ở 3 huyện miền núi Vân Canh, An Lão và Vĩnh Thạnh. Tại Khánh Hòa đã ghi nhận hơn 1.380 ca SXH Dengue, tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 1 ca tử vong. Mới đây nhất, Hà Tĩnh cũng đã ghi nhận ổ dịch SXH tại xã Đức Vĩnh, huyện Đức Thọ với 11 ca mắc...
Phòng dịch tích cực, bệnh vẫn tăng cao?
Theo các chuyên gia y tế, việc phòng chống SXH trên thế giới và tại Việt Nam hiện nay là vô cùng khó khăn vì chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc phòng chống dịch để giảm số mắc hiện nay chủ yếu dựa vào việc tiêu diệt muỗi truyền bệnh và loại trừ nơi sinh sản của muỗi mà vẫn thường gọi là ổ bọ gậy (lăng quăng). Tuy nhiên, nhiều người vẫn chủ quan với bệnh nên không hợp tác, khiến công tác phòng chống bệnh SXH đã khó khăn lại khó khăn hơn. Theo ngành y tế Hà Nội, chỉ 64% hộ gia đình hợp tác với cán bộ y tế phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh, vì vậy hiệu quả diệt phòng, chống dịch bệnh không cao, đây là khó khăn lớn nhất cản trở công tác phòng chống dịch bệnh này. Còn BS. Quách Hoàng Mỹ, Trưởng phòng Dịch tễ - TTYTDP Bình Dương nhận định, nguyên nhân số ca mắc bệnh SXH gia tăng gần đây là do ý thức vệ sinh môi trường của một số người dân chưa được quan tâm thường xuyên. Một số nơi tập trung đông dân cư vệ sinh chưa tốt. Ý thức người dân về phòng, chống bệnh SXH chưa cao. Nhiều hộ gia đình từ chối phun hóa chất, không hợp tác với cán bộ y tế (18%), số hộ gia đình vắng mặt nhiều khi cán bộ đến phun thuốc... Cùng quan điểm này, BS. Trần Văn Khải, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng cũng cho hay, khó khăn lớn nhất trong công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương này là thay đổi thói quen tích trữ nước ở lu, vại. Bởi đây chính là môi trường lý tưởng cho muỗi sinh sôi... Bên cạnh đó, nhiều hộ dân chưa dành thời gian để vệ sinh môi trường sống, diệt lăng quăng...
BS. Cao Trọng Ngưỡng – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Nai: Tình hình dịch SXH diễn biến rất phức tạp tại địa phương, chỉ tính riêng trong tháng 8 toàn tỉnh có hơn 1.000 ca mắc, tăng 1,35 lần so với tháng 7, cao gấp 3,4 lần cùng kỳ năm 2014. Tính đến hết tháng 8, cả tỉnh có gần 3,5 ngàn ca (tăng 153% so với cùng kỳ), trong đó có 2 ca tử vong. Trước tình hình đó, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai đã đưa ra nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong tháng 9 là tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch SXH và tay - chân - miệng. Mặc dù thời gian qua, ngành y tế đã rất tích cực chủ động trong phòng chống dịch bệnh, tuy nhiên bệnh SXH vẫn diễn biến phức tạp. Và, chúng tôi gặp không ít khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ khi không có sự hợp tác tích cực của người dân. TTYTDP đã làm khảo sát nhận thức của người dân đối với bệnh SXH, kết quả có đến 80% người dân hiểu về bệnh và cơ chế gây bệnh này. Nhưng số người chủ động hành động để ngăn ngừa bệnh như diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường nơi sống lại rất thấp... Vì vậy, với việc này, ngành y tế không làm xuể, mà cần có sự vào cuộc của cộng đồng.
Nguyễn Tuệ - Hải Anh