Hà Nội

Bệnh sốt xuất huyết gia tăng, Hà Nội ghi nhận hơn 1.000 ca mắc

23-07-2020 18:31 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ ngày 13-19/7, trên địa bàn thành phố ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM) tăng hơn so với tuần trước đó.

Cụ thể, trong tuần qua, thành phố ghi nhận 139 trường hợp mắc SXH, phân bố tại 48 xã, phường, thị trấn. Như vậy, tính từ đầu năm 2020 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.007 ca mắc SXH, chưa có trường hợp tử vong.

Trong tuần 13-19/7, Hà Nội ghi nhận số trường hợp mắc TCM là 375 (tăng 80 trường hợp). Ngoài ra, trong tuần qua không ghi nhận ca mắc não mô cầu, ho gà, sởi, bạch hầu, viêm não Nhật Bản...

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tăng cường giám sát và hỗ trợ các địa phương có số ca mắc SXH và TCM tăng cao trong công tác bao vây khoanh vùng xử lý dịch, tiến hành kiểm tra các khu vực ổ dịch cũ và các khu vực có nguy cơ cao.

PGS.TS. Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, dù số ca mắc SXH giảm so với cùng kỳ của năm 2019, nhưng thời tiết hiện nay vẫn là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh này phát triển. Vì vậy, các đơn vị tiếp tục chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch như vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh; đồng thời, tăng cường tuyên truyền để người dân cùng phối hợp thực hiện công tác phòng, chống dịch.

Cũng theo PGS.TS. Hoàng Đức Hạnh, dịch bệnh TCM có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, các ca mắc thường ở thể nhẹ. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh này, người dân cần tăng cường công tác vệ sinh cá nhân, ăn chín, uống chín và nâng cao sức đề kháng. Các đơn vị tiếp tục tăng cường tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho cộng đồng về các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là tuyên truyền để người dân tích cực thực hiện công tác vệ sinh môi trường, chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH và TCM...

Trong nước, những tuần gần đây số mắc SXH có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương. 12 tỉnh, TP vẫn ghi nhận số mắc cao từ đầu tháng 7 đến nay gồm: Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bến Tre, TP.HCM và Hà Nội. Sở Y tế các tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa SXH và các bệnh truyền nhiễm khác.

Trong khu vực Đông Nam Á, dịch SXH chưa có dấu hiệu thuyên giảm ở nhiều quốc gia, vẫn tiếp tục diễn biến nghiêm trọng tại Singapore. Tổng số ca nhiễm ghi nhận trong tuần qua là 1.736 ca, đánh dấu tuần thứ 6 liên tiếp số ca mắc SXH vượt con số 1.000 ca. Từ tháng 1/2020 đến nay, đã có 18.673 người mắc SXH tại nước này. Từ đầu năm 2020 đến nay, tổng số ca tử vong do SXH tại Singapore đã lên tới 19 trường hợp.

Để phòng bệnh SXH, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) vừa đưa ra khuyến cáo mới nhất. Do bệnh SXH đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần, thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Hàng tuần, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, bẹ lá...

Thực hiện ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Đồng thời, khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.


Vân Hà
Ý kiến của bạn