(SKDS) - Gần đây ở tỉnh Khánh Hòa các ca bệnh sốt mò đang có xu hướng tăng cao hơn so với những năm trước, tập trung chủ yếu ở xã trung du, miền núi. Đây là bệnh có thể gây tử vong, với biểu hiện ban đầu dễ nhầm lẫn với bệnh sốt xuất huyết, sốt rét... Do đó người dân cần nắm rõ về bệnh sốt mò để đến cơ sở y tế điều trị kịp thời khi có biểu hiện của bệnh.
Bệnh truyền sang người qua côn trùng trung gian ấu trùng mò. Người bị nhiễm bệnh khi bị ấu trùng mò đốt. Người bệnh không có khả năng truyền bệnh sang người khác
Phát ban trong bệnh sốt mò. |
Theo nghiên cứu của Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Quy Nhơn, ở Việt Nam bệnh sốt mò đã được phát hiện ở Sài Gòn từ năm 1915 do Goutron mô tả, bệnh xảy ra ở vùng trung du và miền núi, đã có hàng nghìn người mắc và hàng trăm người chết tại các tỉnh: Sơn La, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Quảng Trị, Bình Long… Một thời gian dài bệnh tạm lắng, trong thời gian gần đây bệnh lẻ tẻ xuất hiện ở nhiều nơi và có xu hướng ngày càng tăng, từ năm 1998 đến năm 2005 tại Bệnh viện 110 đã điều trị 168 ca sốt mò, trong các năm 2001 - 2003 Viện Y học lâm sàng các Bệnh nhiệt đới có 166 ca bệnh sốt mò, Khánh Hòa cũng là tỉnh hiện có số ca bệnh sốt mò tăng cao.
Biểu hiện của bệnh
Thời gian ủ bệnh trung bình 8-12 ngày. Lúc đầu tại nơi ấu trùng mò đốt có một nốt phỏng nước bằng hạt đỗ, không đau, bệnh nhân thường không chú ý; sau vài ngày nung bệnh, bệnh phát ra với những triệu chứng sau:
Sốt cao trên 38 - 40 độ C, liên tục, kéo dài; Có khi rét run 1 - 2 ngày đầu kèm theo sốt thường có nhức đầu nặng, đau mỏi cơ.
Nốt loét đặc trưng (điển hình của sốt mò): Thường ở vùng da mềm, ẩm, như bộ phận sinh dục, vùng hạ nang, hậu môn, bẹn, nách, cổ,… đôi khi ở vị trí trong vành tai rốn, mi mắt (dễ nhầm với lẹo mắt); đặc điểm của nốt loét là không đau, không ngứa; người bệnh thường chỉ có một nốt hiếm có 2-3 nốt; hình tròn/bầu dục đường kính 1mm đến 2 cm; nốt phỏng ban đầu phát triển dần thành dịch đục trên một nền sẩn đỏ, sau 4 - 5 ngày vỡ ra thành một nốt có vẩy nâu nhạt hoặc sẫm tùy vào vùng da mềm hay cứng và độ non hay già của nốt loét; sau một thời gian, vẩy bong để lộ nốt loét đáy nông, hồng nhạt, không mủ, không tiết dịch, bờ viền hồng đỏ hoặc thâm tùy theo bệnh đang phát triển hay đã lui; từ khi hết sốt nốt loét liền dần; nốt loét gặp ở 65 - 80% các trường hợp.
Hạch và ban dát sẩn: Hạch khu vực nốt loét thường hơi sưng và đau, không đỏ, vẫn di động, xuất hiện cùng với sốt hoặc sau 2 - 3 ngày. Hạch toàn thân sưng đau nhẹ hơn, trừ những ca nặng. Ban dát sẩn mọc cuối tuần thứ nhất đầu tuần thứ hai, mọc khắp người, trừ lòng bàn tay bàn chân, tồn tại vài giờ đến 1 tuần, đôi khi có đốm xuất huyết,…
Ngoài ra, sốt mò còn có thể ẩn và thể không điển hình (không có nốt loét). Nếu được điều trị bằng kháng sinh thích hợp, sẽ cắt sốt nhanh. Nếu can thiệp muộn hoặc không hiệu quả, có thể có biến chứng như viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi, suy hô hấp, viêm não - màng não, có thể dẫn đến tử vong.
Điều trị cho bệnh nhi bị bệnh sốt mò tại Bệnh viện đa khoa khu vực Ninh Hòa (Khánh Hòa). Ảnh: Thanh Loan |
Bệnh dễ nhầm lẫn
Dấu hiệu ban đầu của bệnh sốt mò là sốt cao và có một số triệu chứng gần giống sốt xuất huyết, sốt rét, sốt phát ban,... nên rất dễ nhầm, gây khó khăn cho công tác chẩn đoán ban đầu tại y tế cơ sở. Các biểu hiện sốt thường kéo dài trung bình 6 - 7 ngày, nhưng ở sốt xuất huyết ban dát sẩn dày hơn, đau cơ khớp rõ hơn; xuất huyết ban hay xuất hiện khi sốt về bình thường, không có nốt loét đặc trưng.
Ở bệnh sốt rét, tuy sốt rét tiên phát có sốt liên tục, nhưng rồi cũng chuyển vào cơn sốt chu kỳ với 3 giai đoạn rét - nóng - vã mồ hôi; không có nốt loét đặc trưng; ký sinh trùng sốt rét dương tính.
Do đó khi có biểu hiện nghi ngờ người bệnh nên đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh tự ý dùng các loại thuốc hạ sốt kéo dài khiến bệnh nặng thêm. Tại các cơ sở y tế khi có bệnh nhân sốt liên tục, ngoài việc nghĩ các bệnh sốt thông thường cần nghĩ đến bệnh sốt mò, nên tìm vết đốt của mò để lại trên người bệnh nhân.
Hiện ngành y tế tỉnh Khánh Hòa đã tập huấn cách thức nhận biết, chẩn đoán, xử trí ban đầu đối với bệnh sốt mò cho các trạm y tế, phòng khám đa khoa nên chưa có trường hợp nào tử vong.
Phòng tránh như thế nào?
Mò và ấu trùng ưa sống ở nơi đất xốp, ẩm mát trong các khe hang, ven bờ sông suối, nơi râm mát có bụi rậm và cây thấp. Người có thể bị đốt trong các điều kiện sau: Sinh hoạt lao động trong ổ dịch, phát rẫy làm nương, đi dã ngoại, ngồi, nằm nghỉ, trên bãi cỏ, để mũ nón, buộc võng vào gốc cây…
Do đó để phòng bệnh cần giữ gìn vệ sinh nơi ở, phát quang bui rậm quanh nhà, phun thuốc diệt mò… Khi đi làm rẫy, phát nương, đi rừng cần mặc quần áo dài tay có dây chun buộc chặt ở ống quần, mang giầy, đội mũ; tránh ngồi, nằm, phơi quần áo đặt balô trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây. Khi đi về nên thay đồ ngay và tắm rửa sạch sẽ, không nên mặc đi lại nhiều lần.
Bác sĩ Trọng Nghĩa