Sau một thời gian yên tĩnh thì gần đây bệnh sởi ở trẻ em đã xuất hiện trở lại với tần suất ngày càng tăng. Điều đáng lo ngại là nhiều bệnh nhi mắc sởi đã có biến chứng nặng thậm chí rất nặng.
Nhiều trẻ mắc sởi biến chứng nặng
Mới đây, các bác sĩ khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết vừa cấp cứu thành công bệnh nhi Bùi Kiều T. (10 tháng tuổi) bị bệnh sởi, đã chuyển sang giai đoạn biến chứng, viêm phổi nặng.
Bệnh nhi nhập viện sáng 16/2, sau 2 ngày ho, sốt, nổi ban, được xác định mắc sởi và chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị. Tuy nhiên, ngay chiều cùng ngày, chụp X-quang phổi bệnh nhi đã thấy tổn thương nặng nên được chuyển trở lại Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng suy hô hấp. Cháu bé phải thở ôxy, điều trị tích cực, nhưng chưa đầy một ngày suy hô hấp tiến triển nhanh, phải thở máy. Cùng với diễn biến bệnh quá nhanh (trong khi thông thường, viêm phổi do vi khuẩn bệnh cảm không cấp tính) và các xét nghiệm cấy máu, dịch nội khí quản đều không thấy có vi khuẩn nên bệnh nhi được khẳng định viêm phổi do virut sởi tấn công trực tiếp. Ngay lập tức cháu bé được điều trị tích cực, thở máy suốt 5 ngày. Đến nay, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, có thể tự thở, không cần sử dụng máy thở và dần hồi phục, sức khỏe tiến triển tốt.
Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cũng vừa tiếp nhận một bệnh nhi sởi đã chuyển sang giai đoạn biến chứng viêm phổi nặng. Bệnh nhi Lâm Quang (1 tuổi, ở Bình Phước) nhập viện trong tình trạng sốt cao, đã nổi ban 3 ngày, suy hô hấp, có lúc ngưng thở. Các bác sĩ đã nhanh chóng điều trị tích cực, cho bệnh nhi thở máy. Sau 3 ngày điều trị, đến nay, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, có thể tự thở, không cần sử dụng máy thở và dần hồi phục, sức khỏe tiến triển tốt.
Những biến chứng thường gặp
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch. Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng điều đáng sợ nhất của sởi không phải là ban mà là các biến chứng. Những biến chứng có thể gặp là: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng...
Biến chứng đường hô hấp
Viêm thanh quản
- Giai đoạn sớm, là do virut sởi: Xuất hiện ở giai đoạn khởi phát, giai đoạn đầu của mọc ban thường mất theo ban, hay có Croup giả, gây cơn khó thở do co thắt thanh quản.
- Giai đoạn muộn: Do bội nhiễm (hay gặp do tụ cầu, liên cầu, phế cầu…), xuất hiện sau mọc ban. Diễn biến thường nặng: Sốt cao vọt lên, ho ông ổng, khàn tiếng, khó thở, tím tái.
Viêm phế quản: Thường do bội nhiễm, xuất hiện vào cuối thời kì mọc ban. Biểu hiện sốt lại, ho nhiều, nghe phổi có ran phế quản, bạch cầu tăng, neutro tăng, Xquang có hình ảnh viêm phế quản.
Viêm phế quản - phổi: Do bội nhiễm, thường xuất hiện muộn sau mọc ban. Biểu hiện nặng: sốt cao khó thở, khám phổi có ran phế quản và ra nổ. Xquang có hình ảnh phế quản phế viêm (nốt mờ rải rác 2 phổi). Bạch cầu tăng, neutro tăng, thường là nguyên nhân gây tử vong trong bệnh sởi, nhất là ở trẻ nhỏ.
Biến chứng thần kinh
Viêm não - màng não - tủy cấp: Là biến chứng nguy hiểm gây tử vong và di chứng cao. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh của Mỹ, cứ khoảng 1.000 trẻ bị sởi thì có một trẻ bị viêm não. Viêm não có thể gây co giật, hôn mê, tử vong hoặc ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần và thể chất của trẻ sống sót.
Viêm màng não: Có thể viêm màng não thanh dịch do virut sởi hoặc viêm màng não mủ sau viêm tai do bội nhiễm.
Viêm não chất trắng bán cấp xơ hóa (Van bogaert): Hay gặp ở tuổi 2 - 20 tuổi, xuất hiện muộn sau vài năm, điều này cho thấy virut sởi có thể sống tiềm tàng nhiều năm trong cơ thể bệnh nhân có đáp ứng miễn dịch bất thường. Diễn biến bán cấp từ vài tháng đến 1 năm. Bệnh nhân tử vong trong tình trạng tăng trương lực cơ và co cứng mất não.
Biến chứng đường tiêu hóa: Thường gặp là viêm niêm mạc miệng, viêm ruột, cam mã tấu… Tiêu chảy cũng thường gặp ở những trẻ bị sởi. Tiêu chảy sau sởi nặng nề hơn và có nhiều biến chứng hơn tiêu chảy cấp do virut thông thường.
Viêm loét giác mạc: Có thể gặp ở trẻ suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A và có thể gây mù vĩnh viễn. Ở trẻ em châu Phi, sởi là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa. Phụ nữ mang thai nếu bị sởi thì có thể bị sảy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc sinh con nhẹ cân.
- Bệnh sởi và những biến chứng
- Nguyên tắc chữa sởi của Hải Thượng Lãn Ông
- Trước nguy cơ bệnh sởi quay trở lại: Chủng ngừa bằng vắc-xin nào?
- Món ăn thuốc cho người bệnh sởi
- Dự phòng và điều trị bệnh sởi thế nào?
- Bệnh sởi, Đông y chữa thế nào?
- Không tiêm phòng sởi, trẻ bị biến chứng viêm phổi suýt chết
- Chủ quan với sởi, nhiều trẻ bị “bỏ quên” tiêm chủng
- Phân biệt sởi và thủy đậu
Bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc
Bệnh có thể phòng
Để phòng chống bệnh sởi, các bà mẹ cách tốt nhất là nên đưa trẻ đi tiêm chủng vắc - xin sởi đầy đủ, đúng lịch. Tiêm vắc - xin sởi là biện pháp tốt nhất chủ động phòng bệnh sởi. Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm cho trẻ từ 9 đến 11 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi. Nếu trẻ được tiêm một mũi vắc - xin sởi lúc 9 - 11 tháng tuổi, chỉ có 80 - 85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vắc - xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90 - 95%. Sau khi trẻ được tiêm đủ 2 mũi vắc - xin theo lịch tiêm chủng hoặc sau khi trẻ mắc sởi thì trẻ sẽ có miễn dịch có thể bền vững suốt đời.
Hiện đang là mùa Xuân, điều kiện thời tiết thuận lợi cho virut sởi lưu hành và gây bệnh. Theo kết quả giám sát của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỷ lệ trẻ mắc bệnh sởi trong số các trường hợp có sốt phát ban nghi sởi là rất cao (trên 70%). Do vậy, khi phát hiện trẻ có sốt, phát ban, cần thông báo và đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh và tránh lây nhiễm cho cộng đồng.