Bệnh sởi giảm cả số ca mắc và tử vong

21-04-2014 18:13 | Thời sự
google news

SKĐS - Kết luận tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác phòng chống bệnh sởi và công tác tiêm chủng trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra chiều ngày 21/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện bệnh sởi đã giảm cả số ca mắc và tử vong.

Đó là kết luận của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc tại buổi làm việc giữa đoàn công tác Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội về công tác phòng chống bệnh sởi và công tác tiêm chủng trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra chiều ngày 21/4.

Nguyên nhân tử vong cao là do tiêm chủng chưa đầy đủ, chưa đúng lịch 

Báo cáo công tác phòng chống bệnh sởi trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: tính từ đầu năm đến ngày 20/4, toàn thành phố có 1.253 bệnh nhân sởi phân bố rải rác ở 356/584 xã, phường của 30 quận, huyện, thị xã. Trong đó trẻ dưới 5 tuổi chiếm 58,1%. Số ca tử vong từ đầu năm đến nay là 14 trường hợp tại 11 quận, huyện. Điều đáng lưu ý là các ca tử vong hầu hết trước đó chưa được tiêm vắc xin sởi. Số bệnh nhân mắc sởi cao nhất được ghi nhận trong ngày 26/3 với 27 trường hợp, từ ngày 26/3 đến 11/4, dịch sởi đạt đỉnh và có xu hướng giảm. Đến ngày 20/4, tổng số trẻ được tiêm vắc xin sởi toàn thành phố đạt 87,1%.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại cuộc họp với UBND TP Hà Nội về công tác phòng chống dịch bệnh sởi chiều 21/4. Ảnh: T.Minh.

Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại cuộc họp với UBND TP Hà Nội về công tác phòng chống dịch bệnh sởi chiều 21/4. Ảnh: T.Minh.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong cao trên địa bàn TP Hà Nội là do tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch cho trẻ dưới 2 tuổi thấp, người dân không chủ động đăng ký tiêm chủng tại trạm y tế, nhu cầu người dân về tiêm chủng dịch vụ cao, dân số đông, di biến động dân cư, vì thế mỗi năm có 2-5% số trẻ trong diện tiêm chủng không được tiêm chủng…

Nhằm triển khai công tác phòng chống bệnh sởi, TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, thuốc men, sẵn sàng thu dung điều trị bệnh nhân, bố trí khu vực điều trị cách ly cho bệnh nhân sởi để tránh lây nhiễm chéo. Triển khai thêm 50 giường bệnh tại bệnh viện Xanh Pôn. Ngày 18/4, Sở Y tế phối hợp với Bệnh viện Nhi trung ương tập huấn lại phác đồ điều trị sởi cho các bác sĩ khoa nhi và khoa truyền nhiễm của các bệnh viện trong và ngoài công lập…

Về công tác tiêm chủng, trong thời gian tới sẽ tổ chức 30 điểm tiêm miễn phí phòng sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 71 tháng tuổi chưa được tiêm vắc xin sởi đầy đủ tại 30 quận, huyện.

Tiêm chủng tích cực hơn nữa

Tại buổi làm việc, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, số trẻ tử vong do sởi, và liên quan đến sởi tại Hà Nội còn cao, vì thế bên cạnh việc tăng cường các biện pháp điều trị thì vẫn phải chạy đua với tiêm chủng, vì chỉ có tiêm chủng đầy đủ mới giải quyết căn cơ bệnh và giảm tỷ lệ tử vong. Liên quan đến vaccin sởi, GS.TS Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương khẳng định có đầy đủ vaccin đáp ứng cho Hà Nội và các địa phương.

Về công tác kiểm tra, giám sát, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, qua kiểm tra, giám sát tại các bệnh viện, cần rút kinh nghiệm trong việc kiểm soát nhiễm khuẩn phải được đặt lên hàng đầu vì nếu không làm tốt dễ lây nhiễm chéo. TS Khuê cũng cho biết, chiều ngày 22/4 sẽ tiến hành phân tích nguyên nhân của các ca bệnh tử vong để rút kinh nghiệm trong cả nước.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, mặc dù dịch sởi ở Hà Nội có xu hướng giảm dần, trong vòng 2 tuần không có thêm ca tử vong, nhưng không được chủ quan, cần tăng cường công tác giãn bệnh nhân và phòng chống nhiễm khuẩn. Bộ trưởng cho biết, trang thiết bị máy thở đã tăng cường cho các bệnh viện đầy đủ, các bệnh viện trung ương và địa phương cần phối hợp chặt chẽ theo chỉ đạo của Bộ Y tế để ngăn chặn và khống chế bệnh sớm nhất. Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị cần tuyên truyền để người dân hiểu tiêm chủng vẫn là giải pháp quan trọng nhất, để các bà mẹ đưa con đi tiêm chủng và hạn chế cho trẻ vượt tuyến để giảm tải, gây khó khăn cho công tác điều trị cũng như giảm lây nhiễm chéo. Tuyên truyền cho người dân có kiến thức và hành động đúng trong phòng chống bệnh.

Bộ trưởng cũng lưu ý, với trường hợp trẻ 15 tuổi bị mắc sởi cần đặc biệt quan tâm phân biệt với Rubella vì triệu chứng khá giống nhau, dẫn đến bỏ sót bệnh này cũng như rất dễ bùng phát dịch Rubella.

Nguyễn Thành

Bệnh Sởi
Sởi và biến chứng
(cập nhật liên tục)
Sởi và cách phòng chống

 


Ý kiến của bạn