Đông y gọi bệnh sởi là “sa tử”, có nghĩa là nốt sởi mọc lên như hạt cát. Bệnh thuộc loại truyền nhiễm. Bệnh thường phát sinh vào mùa đông xuân khi khí hậu thay đổi ở một độ ẩm nhất định thì sinh ra khí độc. Bệnh thường gặp ở trẻ em từ 2 - 8 tuổi, cũng có trẻ lớn tuổi nhưng do cơ thể yếu nên cũng thường nhiễm bệnh. Chu kỳ của bệnh sởi không theo qui luật, có khi 5 năm, có khi 7 - 10 năm một chu kỳ lệ thuộc vào thời tiết và khí hậu của từng năm.
Bệnh chia ra chứng nặng và chứng nhẹ, chứng thuận và chứng nghịch. Bệnh nhân có sốt nhưng có ra mồ hôi, ho nhẹ, đại tiểu tiện bình thường, nốt sởi theo thứ tự mọc lên là chứng thuận, chứng nhẹ. Nếu trẻ sốt cao dữ dội, không có mồ hôi, tay chân lạnh, nốt sởi mọc lên nhưng nằm dưới da hoặc chỗ mọc chỗ lặn hoặc nốt sởi mọc khắp mình nhưng trên đầu và mặt không có, ho suyễn, hai cánh mũi phập phồng, đại tiện toàn nước là bệnh thuộc chứng nghịch, chứng nặng. Nếu bệnh thuộc chứng thuận chứng nhẹ, khi mới phát chỉ cần dùng thuốc thanh nhiệt, phát tán, chăm sóc chu đáo tránh gió, tránh nước, không để nốt sởi lặn vào trong thì dần dần bệnh tự khỏi.
Cây và vị thuốc ngưu bàng tử.
Sau đây, xin giới thiệu một số bài thuốc tâm đắc của các lương y thế hệ trước điều trị bệnh sởi có những triệu chứng nghịch chứng bệnh nặng đạt kết quả tốt.
- Nếu bệnh nhân ở thời kỳ đầu sốt cao, tắc mũi, sợ lạnh, chảy nước mắt, ho, hắt hơi, hai mắt đỏ, nước mắt rưng rưng, hai bên má trong miệng có điểm trắng, mạch phù:
Bài thuốc: tiền hồ 3g, kinh giới 3g, bạc hà 3g, liên kiều 6g, tây hà liễu 6g, ngưu bàng tử 6g, cúc hoa 3g, thuyền thoái 2g, tang diệp 5g, kim ngân hoa 9g, lô căn 9g. Nếu trời lạnh sởi khó mọc gia thêm: thăng ma 6g, cát căn 6g. Nếu tay chân lạnh, gia: quế chi 5g, sinh khương 2 lát. Nếu thời tiết nóng, gia: hà diệp 5g, hoắc hương 5g. Cách dùng: ngày uống một thang sắc 1.000ml nước lấy 200ml chia 4 lần cho trẻ uống trong ngày khi thuốc còn ấm.
- Nếu thời kỳ sởi mọc, bệnh nhân lại cảm thêm phong hàn hoặc do trời quá rét làm sởi mọc không được hoặc có mọc nhưng không thấu. Bài thuốc: kim ngân hoa 10g, liên kiều 10g, sinh thạch cao 18g, lô căn 12g, bạc hà 30g, thuyền thoái 6g, hoàng cầm 6g, hạnh nhân 6g, cát cánh 6g, kinh giới tuệ 4g.
- Nếu bệnh nhân sốt cao khó thở, môi khô, khát nước, ngủ li bì, hôn mê, co giật, gia bột linh dương giác (sừng con dê rừng) 1g hòa với thuốc đã sắc cho bệnh nhân uống. Cách dùng: ngày uống 1 thang, sắc với 1.000ml nước lấy 200ml cho trẻ uống 4 lần trong ngày. Sau khi dùng bài thuốc trên 3 ngày, sởi bắt đầu mọc theo chiều thuận (mọc từ mặt xuống) nhưng bệnh nhân vẫn sốt cao, phiền táo khát nước, hai mắt đỏ có nhiều rỉ, nằm mê mệt, đó là do sởi mọc nung nấu ở bên trong. Bài thuốc: kim ngân hoa 12g, ngưu bàng tử 8g, phù bình 6g, lô căn 8g, liên kiều 10g, thuyền thoái 6g, đại thanh diệp 6g. Cách dùng: ngày uống 1 thang sắc với 1.200ml nước lấy 300ml chia đều cho trẻ uống trong ngày, uống khi thuốc còn ấm, uống liên tục 3 ngày.
- Nếu bệnh nhân sốt cao, khát nước, có đờm khò khè, hai cánh mũi phập phồng, hôn mê hoặc ngủ nhiều: Bài thuốc: liên kiều 10g, kim ngân hoa 10g, xuyên bối mẫu 10g, sinh thạch cao 18g, hạnh nhân 6g, thuyền thoái 4g, thiên hoa phấn 10g, đại thanh diệp 10g, sinh cam thảo 4g, mạch môn 10g. Nếu bệnh nhân đang thời kỳ sởi mọc sốt cao, co giật, khó thở, gia: toàn yết 3g, câu đằng 6g, linh dương giác 6g. Cách dùng: ngày uống 1 thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống khi thuốc còn ấm.
- Nếu bệnh nhân khí huyết kém, cơ thể gầy yếu, nốt sởi mọc lên có màu trắng nhìn không rõ: Bài thuốc: hồng sâm 6g, hồng hoa 6g, hoàng kỳ 8g, xích thược 6g, liên kiều 10g, đương quy 6g, đan sâm 8g, nguyên tuy tử 6g, sinh cam thảo 4g. Cách dùng: ngày uống 1 thang sắc 3 lần uống 3 lần trong ngày, uống khi thuốc còn ấm.
TTND.BS. Nguyễn Xuân Hướng