Bệnh sởi đang bùng phát tại Mỹ

03-05-2014 02:15 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trong 4 tháng đầu năm 2014, bệnh sởi bùng nổ lại ở Mỹ với 129 trường hợp mắc bệnh tại 13 địa điểm trên toàn liên bang.

Tại Mỹ, trước đây khoảng một nửa dân số mắc bệnh sởi trước tuổi lên 6 và gần như tất cả trẻ nhỏ trước tuổi 15 đều bị mắc bệnh này - mỗi năm có chừng 48.000 người nhập viện. Từ năm1963, khi vaccin MMR đưa vào chương trình chủng ngừa, tỉ lệ mắc bệnh giảm tới 99%. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm 2014, bệnh sởi đang được coi là bùng nổ lại ở Mỹ với 129 trường hợp mắc bệnh tại 13 địa điểm rải rác trên toàn liên bang.

Người bị mắc bệnh ờ Mỹ phần lớn là trẻ em không tiêm phòng
Người bị mắc bệnh ờ Mỹ phần lớn là trẻ em không tiêm phòng

Theo tin của CNN, nguyên nhân chính gây bệnh là từ công dân ra nước ngoài và khách du lịch mang virut vào Mỹ, lây sang những đối tượng không tiêm phòng trong nước. Nguyên nhân lớn thứ hai, Trung tâm Phòng chống bệnh CDC thừa nhận do các bác sĩ và trung tâm y tế không có nhận biết kịp thời để có biện pháp ngăn chặn lây lan vì đã quá lâu không được nhìn thấy bệnh nhân mắc căn bệnh này.

Một điều đáng lo ngại - chính các trung tâm khám chữa bệnh lại là nơi lan truyền bệnh. Tuần trước, Dr. Julia Shaklee Sammons - chuyên viên về bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Trẻ em Philadelphia khuyến cáo: “Chúng ta cần đảm bảo cơ sở của chúng ta không phải là trung tâm gieo rắc bệnh sởi”, thì ngày 25/4, AP đưa tin nhân viên cao cấp CPC thừa nhận: “Một số người (cụ thể là 11 trong số 58 bệnh nhân ở Cali) mắc bệnh sởi từ phòng khám và bệnh viện, đưa tổng số bệnh nhân lên tới mức cao nhất từ năm 1996 tới nay”.

Người bị mắc bệnh ở Mỹ phần lớn là trẻ em không tiêm phòng hoặc chưa đủ tuổi tiêm phòng 2 mũi và ở người lớn không có hồ sơ tiêm chủng trước đây. Mặc dù khi trẻ đến tuổi đi học, yêu cầu bắt buộc là phải có chứng nhận tiêm phòng, trong đó có vaccin sởi nhưng ngày càng có nhiều cha me, vì lý do tín ngưỡng, vì sức khỏe cá nhân và vì nỗi lo sợ vaccin gây nên chứng tự kỷ (Autism) đã tìm cách chối từ tiêm ngừa cho con. Sau 6 thập niên tiêm chủng đại trà, trung bình mỗi năm ở Mỹ chỉ có khoảng 60 người mắc bệnh sởi và trường hợp tử vong gần nhất được báo cáo là vào năm 2003. Nhưng với số lượng người không tiêm chủng ngày một tăng trong bối cảnh giao lưu toàn cầu ngày một dễ dàng thuận tiện, thì “khả năng bùng nổ ca bệnh là điều tất yếu” như Dr. William Schaffner - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Vanderbilt University khẳng định.

Việc tiêm phòng sởi ở Mỹ được tiến hành dưới dạng vaccin 3 trong 1 MMR. Năm 1963, vaccin sởi/measles được công nhận ở Mỹ, tiếp đó là vaccin quai bị/Mumps và vaccin Rubella/sởi Đức. Năm 1971, ba loại vaccin này kết hợp trong một mũi tiêm có tên gọi là MMR được chỉ định tiêm ngừa cho trẻ, lần thứ nhất vào độ 12-15 tháng tuổi và mũi thứ hai giữa thời gian 4 và 6 tuổi. MMR được khuyến cáo không dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Khi trẻ dưới 9 tháng tuổi, hệ thống miễn dịch từ người mẹ truyền sang cơ thể bé vẫn đang còn hoạt động mạnh, nếu tiêm lúc này thì vaccin sởi mới sẽ bị tiêu diệt hoặc không phát huy hết công dụng. Hai loại còn lại, vaccin quai bị/Mumps và vaccin sởi Đức/ Rubella được chính hãng dược phẩm nổi tiếng bào chế ra nó - Merck khuyến cáo không dùng cho trẻ dưới 12 tháng vì “Độ an toàn và hiệu quả sử dụng chưa được khẳng định”. Trong trường hợp trẻ phải ra nước ngoài trước độ tuổi hoặc trong lúc bệnh dịch bùng nổ thì các bé nên tiêm phòng MMR, nhưng mũi này không được tính là mũi thứ nhất. Bé vẫn phải nhận hai mũi tiếp theo ở độ tuổi đã qui định nói trên.

Tại Mỹ, khi trẻ sinh ra là có một hồ sơ sức khỏe cá nhân được lưu giữ ở bệnh viện, bác sĩ gia đình và các trung tâm y tế. Mỗi khi các cháu tiêm phòng thì tên các loại vaccin đều được đóng dấu vào tấm thẻ Chích ngừa. Dù có bị thất lạc thẻ thì bố mẹ vẫn xin lại được rất dễ dàng từ Hồ sơ sức khỏe của con mình. Nhưng tại Việt Nam, qua sự bùng nổ của dịch sởi chúng ta mới thấy có rất nhiều người không biết mình đã được tiêm ngừa những loại nào và mình đã đưa con đi chích ngừa đầy đủ chưa. Nhiều người cho rằng cứ đi tiêm cho an toàn, thừa còn hơn thiếu, nhưng việc mang một đống virut thừa vào người có thể phải đợi đến thế hệ sau mới thấy hậu quả nghiêm trọng. Chính hãng dược phẩm Merck, trong tờ hướng dẫn về MMR đã ghi rõ “Cần lưu giữ lại giấy xác nhận tiêm phòng và đưa bản coppy cho bố mẹ hoặc người bảo hộ trẻ được chích ngừa để tránh trường hợp tái tiêm chủng không cần thiết”. 

 

Bệnh Sởi
Sởi và biến chứng
(cập nhật liên tục)
Sởi và cách phòng chống

Hà Thiên Hương (từ California, Mỹ)


Ý kiến của bạn