Bệnh sau mưa lũ và biện pháp phòng tránh

07-10-2008 04:05 | Thời sự
google news

Trong và sau mưa, lũ, lụt, vô số vi sinh vật (cả loại gây bệnh và không gây bệnh) từ đất, bụi, rác, chất thải... hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật. Thực tế đã chứng minh rằng ở các vùng, miền sau mưa,

Trong và sau mưa, lũ, lụt, vô số vi sinh vật (cả loại gây bệnh và không gây bệnh) từ đất, bụi, rác, chất thải... hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật. Thực tế đã chứng minh rằng ở các vùng, miền sau mưa, lũ, lụt, bệnh về đường ruột thường tăng lên một cách đáng kể và có nguy cơ làm lây lan mầm bệnh tạo thành dịch nguy hiểm.

 Vệ sinh nhà cửa sau lũ giảm nguy cơ bệnh tật.
 
Bệnh đường ruột do vi khuẩn gây ra

Bệnh đường ruột hay gặp nhất trong và sau mưa, lũ, lụt là bệnh tiêu chảy. Đứng hàng đầu trong bệnh tiêu chảy là tiêu chảy cấp tính. Bệnh tiêu chảy cấp tính có thể do nhiều loại vi khuẩn khác nhau gây nên nhưng chiếm vị trí hàng đầu vẫn là vi khuẩn tả (Vibrio cholera). Ở những vùng, miền xảy ra mưa, lũ, lụt mà trong các nguồn nước có vi khuẩn tả thì cực kỳ nguy hiểm vì chúng có khả năng lây lan nhanh chóng. Bên cạnh tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả thì căn nguyên gây tiêu chảy do vi khuẩn thương hàn (Salmonella), vi khuẩn lỵ (Shigella), vi khuẩn E.coli, Campylobacter và một số vi khuẩn đường ruột khác cũng đóng vai trò đáng kể trong việc gây bệnh tiêu chảy gặp ở vùng mưa, lũ, lụt liên quan đến vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm và nước dùng trong sinh hoạt (ăn, uống ).

Bệnh đường ruột sau mưa, lũ, lụt do virut gây ra

Bệnh tiêu chảy gây ra do virut trong mùa mưa, lũ, lụt cũng có nhiều loại virut khác nhau. Một trong các loại virut gây tiêu chảy có thể gặp trong mùa mưa, lũ, lụt là Rotavirus. Ở trẻ em, nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy do Rotavirus là rất lớn và khả năng lây lan cũng mạnh, nhất là dùng nước để ăn, uống không hợp vệ sinh sau mưa, lũ, lụt. Bên cạnh tiêu chảy do Rotavirus thì người dân có thể mắc các bệnh về đường tiêu hóa do virut viêm gan A, virut viêm gan E cũng cần được quan tâm để phòng, tránh có hiệu quả hơn, bởi vì bệnh do virut viêm gan A hoặc do virut viêm gan E gây ra thì hậu quả lâu dài cũng rất phức tạp.

Bệnh đường ruột sau mưa, lũ, lụt do ký sinh trùng

 Vi khuẩn gây bệnh tả - mối nguy hiểm hàng đầu sau lũ.

Trong và sau mưa, lũ, lụt, nguồn nước ngoài bị nhiễm vi khuẩn, virut thì chúng cũng bị ô nhiễm ký sinh trùng một cách đáng kể, trong đó nhiễm ký sinh trùng amíp (gây bệnh lỵ amíp), các loại giun sán đóng vai trò khá quan trọng trong việc gây bệnh cho con người.

Bệnh sốt vàng da, chảy máu sau mưa, lũ, lụt do vi khuẩn Leptospira gây ra:

Bệnh sốt vàng da chảy máu (xuất huyết) do vi khuẩn Leptospira gây ra có liên quan trực tiếp đến nước tiểu của các loài chuột mang mầm bệnh Leptospira. Chuột đào thải vi khuẩn này theo nước tiểu ra môi trường bên ngoài trôi vào dòng nước. Trong và sau mưa, lũ, lụt, nếu con người ngâm mình, chân tay với thời gian lâu trong nước thì vi khuẩn Leptospira rất dễ dàng chui qua da và niêm mạc để vào trong cơ thể con người.

Biện pháp ngăn chặn các bệnh về đường ruột sau mưa, lũ, lụt?

Trước hết cần lưu tâm đến việc vệ sinh môi trường sống và nguồn nước sinh hoạt. Đây là một việc làm hết sức cần thiết bởi vì giải quyết nguồn nước hợp vệ sinh để cho dân sử dụng là một việc làm không dễ dàng gì trong điều kiện vừa xảy ra mưa, lũ, lụt. Các vùng, miền chưa có nước máy thì cần thau, rửa, vệ sinh sạch sẽ giếng khơi, sát trùng bằng cloramin B theo hướng dẫn của cán bộ y tế cơ sở. Cố gắng quản lý tốt chất thải, đặc biệt là các loại chất thải như phân, nước tiểu, chất thải công nghiệp, chất thải bệnh viện không cho mầm bệnh lây lan ra môi trường xung quanh. Những ao tù, nước đọng cần được khơi thông. Phát động mọi người dân tự giác vệ sinh trong từng gia đình, từng ngõ xóm làm sao để cho môi trường sống phong quang, sạch sẽ nhằm hạn chế đến mức tối đa mầm bệnh phát triển.

Tuyên truyền cho mọi người dân bằng mọi hình thức như loa, đài phát thanh, tổ dân phố, làng, xóm, các cháu học sinh... để người dân thực hiện ăn chín, uống chín (nước đun sôi, để nguội). Tuyệt đối không ăn rau sống, uống nước lã,không đi vệ sinh bừa bãi. Không nên tắm ở ao, hồ, sông vừa bị lũ, lụt. Không ngâm mình dưới nước thời gian lâu.

Mọi người dân nên đến trạm y tế để tiêm phòng những loại vaccin phòng bệnh về đường ruột. Các trạm y tế cố gắng có đủ các loại vacxin phòng bệnh đường ruột cần thiết để giúp dân phòng tránh bệnh đường ruột sau mưa, lũ, lụt một cách có hiệu quả.

PGS.TS. Bùi Khắc Hậu


Ý kiến của bạn