Bệnh sán lá gan lớn: Nguyên nhân, triệu chứng và chẩn đoán

13-08-2023 07:41 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Bệnh sán lá gan lớn gặp ở mọi lứa tuổi, mắc nhiều nhất là ở tuổi 30 - 40, nữ mắc bệnh nhiều hơn nam từ 2 - 2,5 lần. Hầu hết triệu chứng lâm sàng của áp xe gan do sán lá gan lớn gây ra không có gì đặc biệt. Chính vì vậy, việc hiểu rõ về căn bệnh này là vô cùng quan trọng.

Bệnh sán lá gan lớn dễ nhầm với một số trọng bệnhBệnh sán lá gan lớn dễ nhầm với một số trọng bệnh

SKĐS- Bệnh sán lá gan gồm bệnh sán lá gan nhỏ và bệnh sán lá gan lớn thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm. Trong đó bệnh sán lá gan lớn rất dễ nhầm với một số bệnh nguy hiểm: ung thư đường mật, xơ gan mật, đặc biệt là bệnh ung thư gan…

1. Tổng quan về sán lá gan lớn

Sán lá gan lớn ở người là bệnh lý nhiễm ký sinh trùng, thuộc giống Fasciola. Bệnh có thể gây lười ăn, mệt mỏi, thiếu máu, thậm chí tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hoá…

Bệnh sán lá gan lớn: Loài Fasciola Hepatica phân bố chủ yếu ở Châu Âu (Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ), Nam Mỹ (Achentina, Bôlivia, Ecuado, Pêru), Châu Phi (Ai Cập, Etiopia), Châu Á (Hàn Quốc, Iran và một số vùng của Nhật Bản). Loài Fasciola Gigantica phân bố chủ yếu ở Châu Á (Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam.

Ở Việt Nam cho đến nay bệnh sán lá gan lớn đã xuất hiện ở 47 tỉnh, thành phố; tỷ lệ nhiễm cao nhất là ở một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên (Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Gia Lai và TP. Đà Nẵng).

Bệnh sán lá gan lớn vật chủ chính là động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu; người chỉ là vật chủ ngẫu nhiên, tình cờ mắc bệnh; vật chủ trung gian truyền bệnh là ốc họ Lymnaea.

‎2. Nguyên nhân của bệnh sán lá gan lớn

Ở trâu, bò, cừu... sán sẽ ký sinh trong gan mật, trường hợp bất thường sán có thể ký sinh trong cơ, dưới da... (ký sinh lạc chỗ). Sán trưởng thành đẻ trứng theo đường mật xuống ruột và ra ngoài theo phân. Trứng xuống nước, nở ra ấu trùng lông và ký sinh trong ốc, phát triển thành ấu trùng đuôi, ấu trùng đuôi rời khỏi ốc và bám vào các loại rau mọc dưới nước, tạo nang trùng hoặc bơi tự do trong nước, rụng đuôi thành hậu ấu trùng. Người hoặc trâu bò ăn phải thực vật thủy sinh hoặc uống nước lã có hậu ấu trùng sẽ bị nhiễm sán lá gan lớn.

Khi ăn phải những loại này thì hậu ấu trùng sán lá gan lớn sẽ đi vào ruột, rồi vào gan, sống trong các ống mật. Đôi khi lạc vào mạch máu theo đại tuần hoàn đi lạc đến phổi, não, mắt, tạo áp xe hoặc di chuyển xuống đường mật trú ngụ. Tuổi thọ của sán lá gan lớn ở người từ 9 - 13,5 năm.

photo-1691758531810

Hình ảnh 2 con sán lá gan lớn trong ống mật chủ một bệnh nhân lấy ra bằng nội soi ngược dòng.

3. Triệu chứng của bệnh sán lá gan lớn

Thời gian ủ bệnh của sán lá gan lớn phụ thuộc vào số lượng ấu trùng ăn vào và đáp ứng của vật chủ. Ở người giai đoạn này không xác định được chính xác, nhưng có một số tác giả cho rằng giai đoạn này là vài ngày, vài tuần hoặc vài ba tháng, thậm chí lâu hơn.

Ở các giai đoạn người bệnh sẽ có các biểu hiện sau:

Triệu chứng toàn thân

  • Mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút.
  • Sốt: Sốt thất thường, có thể sốt cao, rét run hoặc sốt chỉ thoáng qua rồi tự hết, đôi khi sốt kéo dài.
  • Thiếu máu: Da xanh, niêm mạc nhợt thường gặp ở các trường hợp nhiễm kéo dài, đặc biệt là ở trẻ em.

Các triệu chứng tiêu hoá

Là các triệu chứng thường gặp nhất, khi đó người bệnh có các biểu hiện:

  • Đau bụng: Đau vùng hạ sườn phải lan về phía sau hoặc vùng thượng vị - mũi ức. Tính chất đau không đặc hiệu, có thể đau âm ỉ, đôi khi dữ dội, cũng có trường hợp không bị đau bụng.
  • Bệnh nhân có cảm giác đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hoá, buồn nôn.
  • Một số bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng của một số biến chứng: Tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hoá...

4. Chẩn đoán sán lá gan lớn

Ngoài việc khám lâm sàng sẽ có các biểu hiện nghi ngờ như: Gan to hoặc bình thường, mật độ mềm, ấn đau, có dấu hiệu ấn kẽ liên sườn. Có thể có dịch trong ổ bụng, đôi khi có viêm phúc mạc.

Các triệu chứng khác (hiếm gặp) như: Đau nhiều khớp, đau cơ, đỏ da. Ho, khó thở hoặc có ban dị ứng mẩn ngứa ngoài da (biểu hiện nhiễm ký sinh trùng). Tràn dịch màng phổi...

Bệnh sán lá gan lớn: Nguyên nhân, triệu chứng và chẩn đoán - Ảnh 4.

Nhiễm sán lá gan lớn liên quan đến thói quen và tập quán ăn uống của người dân.

Để chẩn đoán chính xác các bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm như:

- Xét nghiệm công thức máu: Số lượng bạch cầu trong máu ngoại vi có thể tăng hoặc bình thường, nhưng tỷ lệ bạch cầu ái toan tăng cao.

- Chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm cho thấy hình ảnh tổn thương gan là những ổ âm hỗn hợp hình tổ ong hoặc có thể thấy hình ảnh tụ dịch dưới bao gan. Trong một số trường hợp cần thiết có thể chụp cắt lớp vi tính gan (những hình ảnh này chỉ có tính chất gợi ý).

- Phát hiện kháng thể kháng sán lá gan lớn (chủ yếu bằng kỹ thuật ELISA). Kháng thể xuất hiện trong máu 2 tuần sau khi sán xâm nhập, sự tồn tại kháng thể trong máu là cơ sở của các phản ứng miễn dịch giúp chẩn đoán bệnh.

- Xét nghiệm phân: Tìm trứng sán lá gan lớn trong phân hay dịch mật (tuy nhiên tỷ lệ phát hiện được trứng sán rất thấp và còn phụ thuộc vào phương pháp xét nghiệm). Cần xét nghiệm phân trong 3 ngày liên tục.

Tóm lại: Nhiễm sán lá gan lớn liên quan đến thói quen và tập quán ăn uống của người dân. Vì vậy, phòng bệnh là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết. Người dân không ăn sống các loại rau mọc dưới nước; không uống nước lã, cần ăn chín uống sôi. Cần hết sức cẩn thận và rửa thật kỹ khi ăn các loại rau ngập nước như: Rau ngổ, rau rút/nhút, rau cần, cải xoong...

Nếu nghi ngờ nhiễm sán lá gan lớn, phải đến ngay cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Mời độc giả xem thêm video:

Những loại siêu thực phẩm giúp gan sạch và khoẻ

BS.CKI Nguyễn Xuân Tuấn
Ý kiến của bạn