Bệnh sán lá gan lớn dễ nhầm với một số trọng bệnh

23-04-2023 11:06 | Bệnh thường gặp

SKĐS- Bệnh sán lá gan gồm bệnh sán lá gan nhỏ và bệnh sán lá gan lớn thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm. Trong đó bệnh sán lá gan lớn rất dễ nhầm với một số bệnh nguy hiểm: ung thư đường mật, xơ gan mật, đặc biệt là bệnh ung thư gan…


Bệnh sán lá gan được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào danh sách 20 bệnh nhiệt đới ít được quan tâm và cần phải loại trừ bởi đây là căn nguyên của nhiều loại bệnh, với những biểu hiện từ đau bụng, mệt mỏi thông thường đến các vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe khác, đặc biệt là dễ nhầm với căn bệnh ung thư gan.

1. Nguyên nhân gây bệnh sán lá gan lớn

Bệnh sán lá gan lớn là bệnh nhiễm ký sinh trùng mãn tính ở đường mật. Nguyên nhân chủ yếu khiến con người nhiễm bệnh sán lá gan lớn là do thói quen ăn uống, trong đó việc sử dụng các loại rau mọc dưới nước có ấu trùng sán lá gan lớn như rau cần, nhút, cải xoong… chưa được nấu chín và ăn các loại thức phẩm chưa nấu chín.

Bệnh sán lá gan lớn dễ nhầm với một số trọng bệnh - Ảnh 2.

Đau vùng thượng vị là biểu hiện của sán lá gan lớn.

Môi trường nước là điều kiện lý tưởng để trứng sán lá gan lớn phát triển thành ấu trùng và sán trưởng thành để gây bệnh. Bởi vì, sau khi sán lá gan lớn vào người sẽ đi khắp cơ thể, đi xuyên qua mạch máu, vào ổ bụng. Từ ổ bụng, sán lá gan lớn xuyên qua bao gan để vào gan sinh sống làm tổn thương nhu mô gan gây bệnh cho gan, đó là bệnh sán lá gan lớn.

Ngoài ra, những người có sở thích ăn đồ tái từ thịt lợn, bò, cá, tôm… món ăn sống sushi, sashimi hay nếp sống thiếu vệ sinh, phóng uế bừa bãi, vứt bỏ chất thải chưa được xử lý ra môi trường… cũng là những nguyên nhân khiến sán lá gan lớn có điều kiện phát triển, xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh cho con người.

Sau khi ấu trùng sán lá gan lớn xâm nhập vào cơ thể sẽ xuống dạ dày, tá tràng rồi theo đường mật đi vào gan. Tại đây, ấu trùng sán lá gan lớn phát triển thành sán lá gan trưởng thành, sinh sống, di chuyển xuống mật và gây bệnh. Chúng cũng được đào thải ra môi trường cùng với các chất thải được chuyển hóa qua gan và mật. Tại đường dẫn mật có thể bị tắc nghẽn và gây viêm ống mật. Giai đoạn này có thể diễn ra trong vài tháng.

2. Biểu hiện của bệnh sán lá gan lớn

Biểu hiện thông thường của người mắc bệnh sán lá gan lớn là đau vùng thượng vị (trên rốn) hay vùng hạ sườn phải do gan bị sưng to dần. Tuy vậy, trong một số trường hợp, người bị nhiễm sán lá gan lớn có thể không cảm thấy mình bị bệnh hoặc xuất hiện những dấu hiệu nhiễm trùng. Cần lưu ý là bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm sán lá gan lớn sau khi nuốt phải ấu trùng của chúng.

Các triệu chứng nhiễm sán lá gan lớn có thể khác nhau ở mỗi bệnh nhân tùy vào giai đoạn nhiễm trùng.

Một số người bệnh, triệu chứng có thể xuất hiện trong giai đoạn đầu khi sán lá gan di chuyển vào ruột, gan và khoang bụng.‌ Cũng có trường hợp gặp các triệu chứng trong giai đoạn sau khi sán lá gan lớn đã di chuyển đến ống mật. Tuy vậy, có hai hiện tượng phổ biến của giai đoạn này là viêm ống dẫn mật và tắc nghẽn mật (đau hạ sườn phải, thượng vị, sốt và vàng da, vàng mắt, lưỡi...).

Ngoài ra, người nhiễm sán lá gan lớn cũng có thể xuất hiện một số triệu chứng khác bao gồm như ngứa (do tắc mật làm ứ đọng bilirubin gây vàng da, vàng mắt…), sốt, ớn lạnh, khó chịu, đau bụng, gan to, tăng bạch cầu ái toan (tăng bạch cầu ái toan là một dấu hiệu rất quan trọng). 

Cần xét nghiệm huyết thanh (xét nghiệm máu) để xác định kháng thể kháng sán lá gan lớn, bởi vì, nếu bị nhiễm sán lá gan lớn thì trong máu sẽ xuất hiện kháng thể chống lại chúng hoặc xét nghiệm phân sẽ phát hiện thấy trứng sán lá gan lớn trong phân (chỉ có 5% số người được xét nghiệm có trứng sán lá gan lớn trong phân).

Ngoài ra, có thể xét nghiệm dịch mật, tuy nhiên kỹ thuật này khá phức tạp do phải hút dịch mật. Xét nghiệm quan trọng nhất để xác định người bị nhiễm sán lá gan lớn là làm phản ứng ELISA (còn gọi là xét nghiệm miễn dịch hấp phụ gắn men) là xét nghiệm cận lâm sàng nhằm xác định nồng độ kháng thể IgG và IgE, được tiết ra khi cơ thể bị nhiễm sán lá gan. Ngoài ra có thể chụp gan hoặc nội soi mật tụy ngược dòng. chụp đường mật, chụp cắt lớp vi tính (CT), siêu âm và chụp cộng hưởng từ (MRI).

3. Bệnh sán lá gán lớn dễ nhầm với bệnh nào?

Bệnh sán lá gan lớn dễ nhầm với một số trọng bệnh - Ảnh 4.

Rửa tay sạch sẽ giúp phòng bệnh.

Bệnh sán lá gan lớn gây nên các khối u trong gan, mật hay một số nơi khác nhưng khó phát hiện, chỉ có 5% người mắc bệnh sán lá gan lớn mới có trứng trong phân. Trong khi đó, sán lá gan lớn thường gây nên những triệu chứng cấp tính rầm rộ như: sốt, đau hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị nên dễ nhầm với các bệnh về gan mật hoặc dạ dầy kèm theo người bệnh mệt mỏi, kém ăn, rối loạn tiêu hóa. Hậu quả bệnh sán lá gan lớn có thể dẫn tới tử vong do vỡ bao gan, xuất huyết hoặc sốc nhiễm trùng do viêm phúc mạc... làm cho bác sỹ có thể chẩn đoán nhầm với u, đặc biệt nhầm với ung thư, dẫn đến xử lý không đúng và gây nguy hiểm cho người bệnh, thậm chí có bệnh nhân bệnh viện trả về chờ chết.

4. Nguyên tắc phòng sán lá gan lớn

- Cần rửa tay trước khi ăn, khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh và khi tiếp xúc với phân, rác thải…. - Không ăn thực phẩm hay các loại rau sống mọc dưới nước chưa được nấu chín. 

- Cần quản lý phân người và phân động vật thật tốt, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi; không dùng phân tươi để bón rau; 

- Cần sử dụng nước sạch để ăn uống. 

- Nếu thấy xuất hiện các biểu hiện của tình trạng nhiễm giun sán, hãy đến cơ sở y tế có đủ điều kiện để được thăm khám, tìm nguyên nhân gây bệnh và điều trị đúng tránh để xẩy ra biến chứng.

Thường xuyên ăn gói cá, khoảng 1 triệu người Việt Nam nhiễm sán lá gan nhỏThường xuyên ăn gói cá, khoảng 1 triệu người Việt Nam nhiễm sán lá gan nhỏ

SKĐS - Thông tin được Ts. Đỗ Trung Dũng, Khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét ký sinh trùng và côn trùng Trung ương cho biết tại Hội nghị khoa học thường niên về sốt rét ký sinh trùng, côn trùng năm 2020 được tổ chức tại Hà Nội sáng nay 18/11.

Mời xem video nhiều người quan tâm:

Bé Trai Sốc Phản Vệ Nặng Sau Ăn Xôi Trứng Kiến | SKĐS

PGS.TS.BS Bùi Khắc Hậu
Ý kiến của bạn