Hà Nội

Bệnh sán heo – bệnh sán dải heo có gì đáng lo?

18-04-2019 11:47 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Xin cho hỏi bênh sán dải heo có nguy hiểm không? Cách phòng và trị bệnh sán heo?

Trả lời: Bệnh sán heo, hay còn gọi là heo gạo, tức có ấu trùng nằm trong thịt heo, hay sán dải heo cũng là tình trạng đã có từ xưa đến nay. Chúng không có gì quá đặc biệt để phải lo ngại.Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Việt Nam trong vùng dịch tể, có nghĩa ký sinh trùng này đã có sẵn rất nhiều tại Việt Nam.Cho nên 51 tỉnh thành nhiễm là không có gì lạ.Chúng ta không nên hoang mang nếu tỷ lệ xét nghiệm dương tính cao cũng không có gì ngạc nhiên.

Có cần chẩn đoán để biết mình có bị nhiễm hay không?

Điều này thật sự không cần thiết. Nếu muốn chẩn đoán sán dải heo,  người ta dựa vào triệu chứng. Có hai mức độ. Thứ nhất là triệu chứng sán ở bụng, trường hợp này người mắc sẽ sụt cân, đau bụng, ăn uống không hấp thu. Chúng ta cũng phát hiện ra sán nếu đi tiêu ra sán.Soi phân nếu có triệu chứng đi tiêu ra sán, còn lại là không cần thiết phải tự đưa nhau đi soi.

Ngoài nằm ở bụng, sán dải heo còn có thể đi lạc nhưng rất và rất hiếm.Sán đi lạc là loại chạy lên não, lên mắt.Nhưng chỉ xét nghiệm khi có triệu chứng nghi ngờ.Nhắc lại, xét nghiệm máu chẳng có giá trị gì.Nếu sán có trong bụng, xét nghiệm phân.Còn nghi ở não cần thực hiện CT-MRI, nếu ở da đã hiện lên trên da.

Vậy điều đáng lo nhất có phải là do ăn thịt heo?

Hoàn toàn không chính xác.Bởi ngay cả heo nhiễm sán mà nấu chín ấu trùng đã chết.Ngoài heo ra, bạn còn có thể nhiễm sán heo từ trước đó hoặc từ các nguồn khác.Dương tính sán heo có thể kéo dài nhiều năm. Chính vì vậy khi thấy dương tính chưa chắc là do miếng thịt lợn ăn cách đó vài ngày. Trên thực tế khi ăn phải sán 8 - 9 tuần sau mới dương tính.

Vậy là sao để không nhiễm bệnh và có trị được không?

Ăn chín, uống sôi, môi trường sạch sẽ, rửa tay, đừng cho bé chơi đùa với môi trường bẩn là cách tốt nhất để hạn chế nhiễm giun. Nếu bị mắc, xổ giun cũng sẽ khỏi.Mỗi năm nên uống thuốc 2 lần.

Theo các nghiên cứu, các loại thuốc xổ giun thế hệ mới có tác dụng tốt trong việc tiêu diệt giun. Giun kim thường nhiễm qua đường này còn các loại khác đều qua đường ăn uống. Nếu xổ giun sau thời gian quá dài mới cần đến tư vấn bác sĩ còn trong thời gian ngắn từ 3 - 6 tháng mới xổ giun một lần không cần.

Nếu trẻ có các dấu hiệu như mắt không thấy đường, co giật, yếu chân dù trẻ có bị nhiễm sán hay không cũng phải đưa trẻ đi khám, bác sĩ sẽ làm chẩn đoán hình ảnh mới biết được đó là do nguyên nhân gì. Các triệu chứng này chưa chắc đã do sán gây nên mà có thể do các bệnh u não, động kinh, lao màng não...

Không chỉ sán lợn mới gây nguy hiểm mà các loại sán khác như sán chó, sán mèo, các loại giun nằm trong ốc sên cũng có thể đi lạc vào cơ quan khác như da, mắt, não người gây nguy hiểm. Tại BV. Nhi Đồng 1, mỗi năm Khoa Nhiễm - Thần kinh tiếp nhận khoảng 15 - 20 ca viêm màng não, đa số do ký sinh trùng trong ốc sên gây ra chứ chưa có ca nào sán lợn lên não.


BS. TRƯƠNG HỮU KHANH
Ý kiến của bạn