Hà Nội

Bệnh răng miệng do thuốc lá gây ra

02-11-2018 07:37 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, điều đó đã được minh chứng rõ ràng qua nhiều nghiên cứu. Hút thuốc cũng là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vấn đề về răng miệng.

Theo thống kê y khoa, những người hút thuốc lá sẽ dễ mắc các bệnh về răng miệng nhiều gấp 3-6 lần và nguy cơ bị rụng răng là rất cao, cao gấp 2 lần so với người thường. Những bệnh lý về răng miệng thường gặp khi hút thuốc lá là viêm nhiễm ở răng, lợi và phần xương xung quanh răng.

Bệnh viêm quanh răng (bệnh nha chu)

Thuốc lá làm tăng mức độ nặng và lan rộng của bệnh vùng quanh răng. Những người hút thuốc có nguy cơ bị viêm lợi nhiều hơn, có nhiều mảng bám răng và cao răng ở cả trên và dưới lợi. Người trẻ hút thuốc nhiều có nguy cơ bị viêm lợi hoại tử loét, đây là một loại bệnh nặng và nhanh chóng dẫn đến viêm quanh răng hoại tử loét, cuối cùng là mất răng. Những người có sức khỏe tốt mà hút thuốc kéo dài nhiều năm sẽ có nguy cơ bị viêm quanh răng mạn tính, bệnh tiến triển từ từ làm lung lay nhiều răng.

Thuốc lá làm tăng mức độ nặng và lan rộng của bệnh vùng quanh răng.

Thuốc lá làm tăng mức độ nặng và lan rộng của bệnh vùng quanh răng.

Các tổn thương niêm mạc miệng khác do thuốc lá

Viêm miệng do nicotine (nicotinic stomatitis): là một sự thay đổi ở niêm mạc vòm miệng cứng do hút thuốc quá nhiều, niêm mạc vòm miệng trở nên trắng với các u nhỏ gồ lên, trên đó có các chấm đỏ. Tổn thương này sẽ mất đi sau khi dừng thuốc lá, một số trường hợp hiếm trở thành ung thư biểu mô.

Bệnh hắc tố bào: Thuốc lá làm tăng tích tụ sắc tố melanin ở tế bào biểu mô niêm mạc miệng, làm niêm mạc miệng có màu sẫm, sau khi dừng thuốc lá sẽ hết.

Candida miệng: Thuốc lá làm tăng nguy cơ xuất hiện bệnh nấm Candida miệng.

Viêm xoang mạn tính: Thuốc lá làm phù nề niêm mạc xoang và tăng nguy cơ viêm xoang mạn tính.

Ung thư niêm mạc miệng

Thuốc lá hút và nhai có khả năng kích thích các tế bào biểu mô niêm mạc lưỡi, má, sàn miệng và các vị trí khác ở miệng và họng tạo ra các tổn thương tiền ung thư (leukoplakia) rồi tiến triển thành ung thư biểu mô (squamous cell carcinoma). Những người suy dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu vitamin A, D, E mà hút thuốc lá càng có nguy cơ bị ung thư miệng. Những người vừa hút thuốc vừa nghiện rượu sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn vì các chất cồn làm tăng tính thấm của biểu mô niêm mạc đường tiêu hóa. Thuốc lá nhai gây các tổn thương ung thư biểu mô nhiều hơn thuốc lá hút. Có khoảng 90% số người bị ung thư miệng, môi, lưỡi và cổ họng do hút thuốc và rủi ro mắc bệnh tăng tỷ lệ thuận với mức độ hút hoặc nhai thuốc. Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 6 lần so với người không hút.

Khoảng 37% các bệnh nhân vẫn tiếp tục hút sau liệu trình điều trị ung thư có dấu hiệu khối u di căn sang vị trí khác như miệng, môi, lưỡi, cổ họng.

Bệnh bạch sản niêm mạc miệng do thuốc lá cũng có thể là dấu hiệu tiền ung thư miệng.

Bệnh bạch sản niêm mạc miệng do thuốc lá cũng có thể là dấu hiệu tiền ung thư miệng.

Ảnh hưởng tới cấy ghép implant

Nhiều công trình nghiên cứu ảnh hưởng của thuốc lá cho kết luận thuốc lá làm tăng gấp 3 lần nguy cơ đào thải răng cấy ghép. Hút thuốc ngăn cản sự lành thương của xương ghép vì làm giảm dòng máu tại chỗ bởi vì làm gia tăng kháng cự ngoại biên và kết tập tiểu cầu, làm sản sinh hóa chất như: hydrogen cyanide và carbone monoxide ngăn cản sự lành thương, nicotine ngăn cản sản sinh tế bào. Nhiều nghiên cứu thấy rằng các bệnh nhân hút thuốc lá thì sau phẫu thuật hay bị đau nhiều hơn. Quá trình liền sẹo rõ ràng được cải thiện sau khi ngừng hút thuốc lá.

Ảnh hưởng tới việc lành vết thương sau phẫu thuật và chấn thương

Thuốc lá là một chất gây co mạch ngoại vi làm giảm cung cấp máu đến vùng có vết thương, các-bon monoxit và các chất hóa học có trong khói thuốc ức chế các quá trình sinh học giúp làm lành vết thương, hút thuốc làm giảm tốc độ lưu chuyển máu trong mao mạch ngoại vi, làm chậm hình thành cục máu đông sau khi nhổ răng, thuốc lá làm giảm chức năng của bạch cầu nên bệnh nhân có nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn.


Y Bân
Ý kiến của bạn