1.Tổng quan về bệnh rách (bong) võng mạc mắt
Võng mạc là lớp mô thần kinh mỏng ở phía trong cùng của mắt. Khi ánh sáng đi vào trong mắt, nó xuyên qua giác mạc và thủy tinh thể và được hội tụ trên võng mạc, sau đó được chuyển thành các tín hiệu thần kinh và gửi thông tin ngược về não thông qua những dây thần kinh thị giác. Chức năng của võng mạc giống như phim trong máy chụp ảnh, có tác dụng ghi lại những hình ảnh và sự vật bên ngoài, sau đó truyền lên não. Vì vậy mà chúng ta có thể nhận biết được thế giới xung quanh.
Rách (bong) võng mạc được chia làm 2 hình thái đó là: Bong võng mạc có vết rách và bong võng mạc không có vết rách.
Rách (bong) võng mạc là tình trạng lớp mô võng mạc bị bong ra khỏi vị trí bình thường bên trong mắt. Ban đầu nguyên nhân có thể là do một vết rách nhỏ trên võng mạc khiến cho dịch trong mắt tràn xuống dưới võng mạc, dần dần làm tách lớp võng mạc ra khỏi vị trí ban đầu. Khi đó, võng mạc sẽ không được nuôi dưỡng, dẫn đến bệnh nhân có thể bị nhìn mờ (mất thị lực một phần) hoặc mù hoàn toàn vĩnh viễn nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đây là trường hợp cấp cứu nhãn khoa. Bệnh nhân có thể bị tổn thất thị lực vĩnh viễn nếu không được điều trị trong vòng từ 24 đến 72 giờ.
Trong phần lớn các trường hợp, các bệnh nhân bị bong võng mạc thường có những triệu chứng cảnh báo rất rõ ràng, chỉ cần người bệnh không chủ quan là có thể dễ dàng phát hiện những dấu hiệu bất thường của bệnh, sớm phát hiện và điều trị bệnh sẽ giúp cải thiện thị lực cho bệnh nhân.
1.1 Nguyên nhân của bệnh rách (bong) võng mạc mắt
- Bong võng mạc xảy ra khi trên võng mạc xuất hiện một hay nhiều vết rách. Khi đó, phần dịch kính bên trong mắt sẽ chảy qua vào lỗ rách và tràn xuống phía dưới võng mạc, tách dần võng mạc ra khỏi lớp mô nuôi dưỡng phía bên dưới.
- Vết rách được hình thành từ các thoái hóa võng mạc, đặc biệt là thoái hóa võng mạc chu biên. Những người có tiền sử chấn thương mắt, cận thị nặng, xuất huyết dịch kính võng mạc, bệnh võng mạc đái tháo đường… là những đối tượng có nguy cơ bị bong võng mạc cao hơn so với người bình thường.
- Các thoái hóa võng mạc chu biên có thể bắt gặp ở mọi đối tượng nhưng hay gặp ở người bị cận thị nặng.
- Các trường hợp rách võng mạc chu biên có thể xảy ra khi xảy ra hiện tượng bong dịch kính sau, hay gặp ở tuổi 60 -70 tuổi.
- Chấn thương mắt có thể gây ra rách võng mạc do chấn động hoặc do hoại tử võng mạc chu biên.
Phân loại bong võng mạc
Lâm sàng chia bong võng mạc ra làm 2 loại:
- Bong võng mạc nguyên phát: do có một hay nhiều lỗ hoặc vết rách ở lớp thần kinh cảm thụ. Do đó còn được gọi là bong võng mạc có rách.
- Bong võng mạc thứ phát: là tình trạng lắng đọng chất lỏng ở khoang dưới võng mạc nhưng không do những vết rách hay lỗ rách của lớp thần kinh cảm thụ mà thứ phát sau một quá trình bệnh lý của võng mạc, dịch kính hay màng bồ đào.
Có hai nhóm bong võng mạc thứ phát
- Một là bong võng mạc do co kéo: các tổ chức tân tạo dính bất thường lên mặt trong của lớp thần kinh cảm thụ của võng mạc bị co lại và tách ra. Loại này hay xảy ra ở bệnh nhân bị tiểu đường và quá trình tiến triển của bệnh khá thầm lặng và diễn ra cũng không quá nhanh.
- Hai là bong võng mạc xuất tiết: chất dịch rò rỉ vào vùng nằm dưới võng mạc, nhưng không có bất kỳ vết xước hay rách nào trên võng mạc. Loại này thường do các bệnh về võng mạc gây ra, bao gồm các rối loạn gây viêm (inflammatory disorders) hoặc chấn thương mắt. Những bệnh này gây nên sự rối loạn hàng rào máu võng mạc hoặc hắc - võng mạc, từ đó tạo điều kiện cho dịch kính có thể rò rit xuống lớp dưới võng mạc.
2. Triệu chứng bệnh rách (bong) võng mạc
Triệu chứng lâm sàng
- Bệnh bong võng mạc không gây đau đớn mà chỉ có các rối loạn về thị giác và giảm thị lực.
- Thấy ánh sáng nhấp nháy ở tại góc mắt (chớp sáng).
- Nhìn thấy nhiều chấm đen (ruồi bay) hoặc có một màng đen che trước mắt. Trong hầu hết các trường hợp, những triệu chứng này không chỉ ra được những vấn đề nghiêm trọng. Ở vài trường hợp, sự xuất hiện bất ngờ những vệt hay những đốm sáng có thể là dấu hiệu của bệnh bong võng mạc.
- Nếu có một mảng lớn võng mạc bị bong thì bệnh nhân có thể cảm thấy như có một mảng tối che trước mắt, lấn dần về phía trung tâm. Khi bong qua hoàng điểm, bệnh nhân sẽ thấy mờ mắt rất nhiều và nhanh.
- Nếu bong võng mạc toàn bộ, bệnh nhân có khi chỉ còn phân biệt được sáng tối.
- Một số trường hợp, bong võng mạc có thể tiến triển âm thầm cho đến khi phần lớn của võng mạc bị bong ra. Những trường hợp cá biệt như vậy, bệnh nhân có thể chú ý sự xuất hiện một bóng tối ở vài nơi trong thị lực của họ.
- Những trường hợp nặng hơn, bong võng mạc sẽ làm nhòe mờ thị lực trung tâm và làm mất tầm nhìn đáng kể ở mắt bị ảnh hưởng.
- Một số trường hợp bệnh xuất hiện đột ngột và bệnh nhân thường bị mất thị lực toàn phần ở một mắt. Sự mất thị lực nhanh có thể cũng gây ra bởi máu chảy vào trong dịch kính, tình trạng này xảy ra khi võng mạc bị rách.
Triệu chứng cận lâm sàng
- Soi đáy mắt (cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa) có thể nhìn thấy một hố võng mạc, rách hoặc bong.
- Siêu âm nhãn cầu: giúp khảo sát được hình ảnh của võng mạc và các cấu trúc nội nhãn khác. Xét nghiệm này thường cung cấp các thông tin cần phải xác định xem liệu tách võng mạc.
Đối tượng nguy cơ bệnh rách (bong) võng mạc
- Bong võng mạc thường gặp hơn ở những người trên 40 tuổi. Tuy nhiên bệnh cũng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh ảnh hưởng đến đàn ông nhiều hơn phụ nữ.
- Những đối tượng có nguy cơ bị bong võng mạc gồm có:
- Bị cận thị nặng (>-6.00D).
- Đã từng bị bong võng mạc một bên mắt.
- Tiền sử gia đình có người từng bị bong võng mạc.
- Đã từng phẫu thuật mắt trước đó, ví dụ như: loại bỏ đục thủy tinh thể.
- Có bệnh hoặc rối loạn về mắt, chẳng hạn như tách võng mạc, viêm màng bồ đào, cận thị bệnh lý hoặc thoái hóa võng mạc chu biên (lattice degeneration)
- Sau chấn thương đụng dập hoặc vết thương xuyên nhãn cầu, võng mạc có thể bị bong, kèm theo vết rách và các tổn thương khác của nhãn cầu, mi mắt. Thông thường trong tình trạng này bong võng mạc sẽ được phát hiện kịp thời khi người bị chấn thương đến khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt
- Trẻ em ít khi bị bong võng mạc. Nếu có thường do bị các tật bẩm của dịch kính võng mạc hoặc do cận thị nặng bẩm sinh.
3. Bệnh rách (bong) võng mạc mắt có lây nhiễm không?
Theo các bác sĩ, chuyên gia y khoa, rách (bong) võng mạc là bệnh không lây nhiễm nhưng vẫn có khả năng di truyền gia đình. Chính vì vậy, chúng ta cần tìm hiểu rõ hơn để biết cách phòng ngừa cũng như điều trị bệnh hiệu quả.
4. Cách phòng bệnh rách (bong) võng mạc mắt
- Đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt ngay khi thấy có các triệu chứng ruồi bay hoặc có chớp sáng hoặc có vùng tối trong tầm nhìn.
- Mang kính bảo hộ khi chơi thể thao hoặc sử dụng các dụng cụ.
- Kiểm soát lượng đường trong máu và thường xuyên gặp bác sĩ nếu bạn bị tiểu đường.
- Khám mắt hàng năm, đặc biệt nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh về bong võng mạc.
- Bệnh nhân cận thị nên khám mắt định kỳ 6 tháng một lần.
- Khi một mắt đã bị bong võng mạc thì phải kiểm tra ngay mắt còn lại để phát hiện sớm những tổn thương mới và dùng tia Laser để điều trị.
5. Cách điều trị bệnh rách (bong) võng mạc mắt
Trong một số trường hợp võng mạc bị rách có thể dùng các phương pháp sau:
- Phẫu thuật Laser: tạo các vết đốt nhỏ giúp hàn lại võng mạc về vị trí ban đầu.
- Làm lạnh cường độ cao (Cryopexy): giúp gắn võng mạc về trị cũ.
- Bơm khí: bơm bóng khí vào mắt: đẩy lớp võng mạc trở lại vị trí phía sau mắt đồng thời kết hợp với 1 trong 2 biện pháp ở trên để cố định vị trí của võng mạc tại đây. Bóng khí có thể biến mất sau một tuần.
- Còn nếu võng mạc đã bong ra thì hầu hết các trường hợp đều phải điều trị bằng phẫu thuật:
- Ấn độn củng mạc: gắn một dải băng nhân giúp đẩy nhẹ thành mắt về phía trung tâm giúp cho võng mạc bị bong được áp át vào thành mắt.
- Cắt dịch kích: khối dịch kính cắt bỏ được thay thế bằng một loại gel để giúp duy trì hình dạng của mắt.
- Sử dụng các phương pháp ở điều trị rách, lỗ nhỏ để cố định được võng mạc về vị trí ban đầu.
Mục đích phẫu thuật: nhằm mục đích hàn gắn các vết rách, vết rách và làm cho Võng mạc áp sát vào hắc, củng mạc.