Hà Nội

Bệnh quai bị ở trẻ em có nguy hiểm?

30-05-2019 13:49 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Con trai tôi 7 tuổi, bị quai bị. Tôi đã đưa cháu đi khám và được bác sĩ kê đơn và hướng dẫn chữa tại nhà.

Tuy nhiên, tôi rất lo lắng vì nhiều người nói bệnh quai bị rất nguy hiểm. Xin bác sĩ cho biết làm thế nào để điều trị hiệu quả?

Trần Tuấn (Nghệ An)

Bệnh quai bị thường xuất hiện nhiều vào mùa xuân, hè. Đây là một bệnh nhẹ nhưng có thể gây những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, đặc biệt là vô sinh. Hiện chưa có thuốc đặc trị. Bệnh có thể gặp ở tất cả mọi người nhưng thường gặp nhất ở trẻ em (trên 2 tuổi). Quai bị do virut gây nên và rất dễ lây qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt bệnh nhân. Thời gian ủ bệnh là 17-28 ngày.

Phần lớn bệnh nhân thấy khó chịu 1-2 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện. Bệnh nhân bị sốt cao (39 - 40 độ C) trong 3 - 4 ngày, chảy nước bọt và má sưng to (có thể sưng một bên mặt rồi lan sang bên kia hoặc sưng hai bên cùng một lúc) gây đau khi nuốt nước bọt. Sau đó, trẻ bị khô miệng vì các tuyến nước bọt đã ngừng hoạt động. Bệnh thường tự khỏi sau 1 tuần đến 10 ngày. Sau đó, bệnh nhân được miễn dịch suốt đời.

Khi trẻ có các dấu hiệu quai bị, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để chẩn đoán xác định. Nếu đúng là quai bị thể nhẹ, bác sĩ sẽ hướng dẫn cha mẹ cách chăm sóc trẻ ở nhà: hạ nhiệt bằng cách lau mình trẻ bằng nước ấm (không được lau bằng nước lạnh). Có thể cho dùng paracetamol để hạ sốt và giảm đau; cho uống nhiều nước và súc miệng bằng nước muối sinh lý hay nước súc miệng có bán tại các hiệu thuốc nhằm chống khô miệng; cho trẻ ăn loãng hoặc ăn bằng ống hút (nếu trẻ nuốt khó); cho trẻ nằm trên giường với một chai nước nóng bọc trong khăn để áp vào bên má đau; không được cho trẻ nô đùa chạy nhảy vì những hoạt động này rất dễ dẫn đến biến chứng ở tinh hoàn.

Cần đưa trẻ tới bệnh viện ngay khi có các biểu hiện biến chứng hoặc thấy bệnh nặng lên.

BS. Văn Bàng


Ý kiến của bạn