Bệnh polyp trực tràng có nguy hiểm không?

11-11-2015 13:27 | Y học 360
google news

SKĐS - Polyp trực tràng là một bệnh rất thường gặp ở người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi. Bệnh gây nhiều phiền toái trong cuộc sống, nếu không phát hiện và chữa trị sớm có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm.

Polyp trực tràng là những khối u lồi vào trong lòng trực tràng, chúng được hình thành do sự tăng sinh quá mức của niêm mạc trực tràng, là sự phì đại của biểu mô tuyến quanh một trục liên kết mạch ở trực tràng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân có thể do đột biến gen làm phát triển tế bào không bình thường tạo thành polyp, hoặc có thể do di truyền hoặc do viêm nhiễm niêm mạc trực tràng bởi vi khuẩn hoặc do ký sinh trùng. Có đến 90% số ca polyp trực tràng gặp ở những người từ 50 tuổi trở lên.

Bên cạnh đó, có khá nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đễn mắc polyp trực tràng, đó là tuổi càng cao tỉ lệ gặp polyp trực tràng càng nhiều, nam gặp nhiều hơn nữ, các thói quen hút thuốc, nghiện rượu bia hoặc do chế độ ăn không hợp lý (ăn nhiều chất béo, ăn ít chất xơ, ăn nhiều loại thị có màu đỏ) hoặc do béo phì kèm theo lười hoặc ít vận động cơ thể hoặc trong cuộc sống đã từng mắc bệnh viêm trực tràng mạn tính. Một số trường hợp đã từng bị ung thư buồng trứng (nữ giới) hoặc đã từng cắt bỏ polyp, có thể có khả năng bị bệnh polyp trực tàng hoặc tái phát polyp trực tràng.

Trên một người có thể chỉ có 1 polyp đơn độc hoặc nhiều polyp nhưng riêng biệt. Nguy cơ thoái hóa trở thành ác tính của polyp trực tràng tùy thuộc vào kích thước của chúng. Nếu các polyp có đường kính không quá 5mm, ít có nguy cơ phát triển thành ung thư, nhưng khi polyp có đường kính trên 20mm, kéo dài khảng 10 năm, nguy cơ trở thành ung thư là rất lớn (chiếm tới 50%).

Triệu chứng

Triệu chứng của bệnh thường nghèo nàn và không đặc hiệu. Đi ngoài phân có máu tươi là dấu hiệu thường gặp nhất. Vì vậy, đây là dấu hiệu có giá trị gợi ý chẩn đoán polyp trực tràng. Máu phủ ngoài mặt phân không trộn lẫn với phân (phân có khuôn). Khi polyp trực tràng có cuống tương đối dài có thể bị sa ra ngoài hậu môn khi đi ngoài; nếu polyp nhỏ, ở thấp gần hậu môn có thể tự lên hoặc dùng tay đẩy lên, tuy vậy, đôi khi bị tắc nghẽn trong hậu môn.

Những polyp đơn độc có thể là những khối u hoàn toàn lành tính và tồn tại trong nhiều năm mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Trong trường hợp đó, bệnh nhân không hề biết mình mắc bệnh. Tuy nhiên, vẫn có tiềm ẩn nguy cơ trở thành ung thư đại trực tràng sau này nếu nó lớn dần lên (kích thước to dần lên, vượt trên 5mm). Một đặc điểm cần lưu ý là những polyp có chân rộng, không có cuống, càng có nhiều polyp, khả năng hóa ác tính càng cao hơn những polyp có chân nhỏ hay cuống dài.

Trong trường hợp polyp trực tràng quá lớn, nhiều polyp hoặc có viêm loét bề mặt polyp, có thể gây đi cầu khó hoặc có máu trong phân hoặc máu có thể lẫn dịch nhầy và cảm giác đau buốt khi đi ngoài.

Để chẩn đoán polyp trực tràng, có thể xét nghiệm phân để tầm soát polyp và ung thư trực tràng bằng cách tìm máu ẩn trong phân hoặc xét nghiệm ADN.

Chụp X-quang có thuốc cản quang là phương pháp thong dụng có thể phát hiện được polyp hay khối u trực tràng nhưng dễ bỏ sót những polyp nhỏ. Chụp cắt lớp vi tính (CT-scanner) cũng có thể phát hiện polyp hoặc khối u đại trực tràng. Tuy vậy, nội soi trực tràng vẫn là phương pháp chính xác nhất để phát hiện polyp hay u và có thể sinh thiết để xác định u lành hay u ác tính.

Nguyên tắc điều trị

Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đặc biệt các trường hợp nhiều polyp hoặc polyp có kích thước lớn trên 5mm nên loại bỏ càng sớm càng tốt, giảm thiểu đáng kể nguy cơ polyp trở thành ung thư. Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị, vì vậy, khi polyp có kích thước lớn hoặc nhiều polyp hoặc polyp có biến chứng, đặc biệt là loại chân rộng, không có cuống cần được loại bỏ càng sớm càng tốt bằng kỹ thuật mổ nội soi. Một số nhà chuyên môn có khuyến cáo rằng, nếu polyp tuyến, thường hay có tỉ lệ tái phát cao. Vì vậy, sau cắt polyp trực tràng khoảng 3 - 5 năm nên nội soi để kiểm tra lại.

Đi ngoài phân có máu tươi là dấu hiệu thường gặp nhất.

Nguy cơ thoái hóa trở thành ác tính của polyp trực tràng tùy thuộc vào kích thước của chúng

Lời khuyên của thầy thuốc

Khi có các triệu chứng như đã nêu ở trên, nhất là đi ngoài ra máu, người cao tuổi cần đến cơ sở y tế để được khám và xác định bệnh không nên chủ quan xem thường.

Cần có chế độ ăn hợp lý tránh ăn nhiều chất béo, thịt đỏ (thịt trâu, thịt bò, thịt chó) và trong các bữa ăn hàng ngày nên ăn nhiều hơn các loại rau, quả và ngũ cốc. Với người cao tuổi, tốt nhất là không uống rượu, bia, nhất là những người có sẵn bệnh huyết áp, tim mạch, bệnh đường tiêu hóa, đái tháo đường.

PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU

 


Ý kiến của bạn