Bệnh phong xuất hiện từ khi nào và ai là người đầu tiên tìm ra thuốc điều trị căn bệnh quái ác này?

12-11-2022 06:47 | Y học 360

Trải qua hàng vài thế kỷ, các nhà khoa học trên thế giới mới có thể tìm ra thuốc đặc hiệu chữa bệnh phong. Vậy căn bệnh quái ác này xuất hiện từ khi nào và quá trình tìm ra phương pháp chữa trị ra sao?

Người đầu tiên tìm ra vi khuẩn gây bệnh phong

Bệnh phong còn được gọi là "bệnh Hansen", là một bệnh truyền nhiễm mãn tính làm tổn thương các dây thần kinh ngoại biên nhắm vào da, mắt, mũi và cơ. Bệnh phong có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi từ trẻ sơ sinh đến người già, nhưng có thể chữa khỏi, trong đó các phương pháp điều trị có thể ngăn chặn tình trạng tàn tật. Nó được phát hiện vào năm 1873 bởi bác sĩ người Na Uy, Gerhard Armauer Hansen (1841 – 1912), khi ông đang tìm kiếm vi khuẩn trong nốt da của bệnh nhân mắc bệnh phong. Nó là vi khuẩn đầu tiên được xác định là gây bệnh cho người.

Hansen sinh ra tại Bergen và học y khoa tại Trường Đại học Hoàng gia Frederik (hiện nay là Đại học Oslo), tốt nghiệp năm 1866. Ông thực tập nội trú tại Bệnh viện quốc gia tại Christiania (Oslo) ở Lofoten. Năm 1868 Hansen quay về Bergen để tìm hiểu về bệnh phong cùi và làm việc với Daniel Cornelius Danielssen, một chuyên gia nổi tiếng nghiên cứu về nguyên nhân và cách chữa trị bệnh phong.

Bệnh phong xuất hiện từ khi nào và ai là người đầu tiên tìm ra thuốc điều trị căn bệnh quái ác này? - Ảnh 1.

Gerhard Armauer Hansen (1841 – 1912).

Vào thời điểm đó, bệnh phong được coi là có nguồn gốc do di truyền hay khí độc gây ra. Tuy nhiên, Hansen đã kết luận rằng những nghiên cứu cơ bản về mặt dịch tễ học cho thấy đây là một căn bệnh đặc biệt do một nguyên nhân khác. Trong khoảng thời gian 1870-1871 Hansen tới Bonn (Đức) và Viên (Áo) để học hỏi những kỹ năng cần thiết cho việc xây dựng giả thiết của mình. Năm 1873, ông công bố phát hiện ra vi khuẩn Mycobacterium leprae trong mô của tất cả bệnh nhân bị mắc.  Ông báo cáo rằng khi nhỏ nước vào các tế bào bong ra từ cơ thể người bệnh phong, một cơ số những "sinh vật hình que" chui ra bên ngoài.

Những sinh vật hình que này chính là khuẩn M. leprae. Quan sát của bác sĩ Hansen là lần đầu tiên trong lịch sử vi khuẩn được khẳng định liên quan đến một căn bệnh mạn tính. Khám phá của Hansen cũng khiến bệnh phong còn được đặt theo tên của chính ông, “bệnh Hansen”.

Nhờ những nỗ lực của Hansen, trong suốt những năm 1877 và 1885, số ca mắc bệnh phong giảm đáng kể. Cống hiến không ngừng của ông đã được Hiệp hội Phong Quốc tế công nhận tại Bergen năm 1909.

Năm 1860 Hansen qua đời vì bệnh tim mạch. Để tưởng nhớ công lao của Hansen, ở Bergen, Na Uy một bảo tàng y khoa đã được đặt tên Hansen (thường được biết đến với cái tên Bảo tàng Leprosy). Trường Đại học Bergen cũng đã đặt tên một khoa - Tòa nhà Armauer Hansen - tọa lạc tại Bệnh viện Đại học Haukeland ở Bergen. Các di tích ở Bergen đã được UNESCO ghi vào danh sách Ký ức của thế giới.

Thuốc điều trị bệnh phong đầu tiên ra đời thế nào?

Vào thập niên 1910, nhà hóa học người Mỹ gốc Phi tên là Alice Ball đã phát triển phương pháp điều trị hiệu quả đầu tiên cho những người mắc bệnh phong, một căn bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn có thể gây ra những tổn thương thần kinh nghiêm trọng và viêm loét da.

Alice Ball sinh ra tại Seattle, Washington (Mỹ) vào ngày 24/7/1892. Mẹ của cô là nhiếp ảnh gia và bố là luật sư nên kinh tế của gia đình tương đối khá giả. Sau khi tốt nghiệp trường trung học Seattle vào năm 1910, cô theo học chuyên ngành hóa dược tại Đại học Washington. Cùng với thầy giáo của mình, cô đã xuất bản một bài báo dài 10 trang trên Tạp chí của Hiệp hội Hóa học Mỹ với tiêu đề “Benzoylations in Ether Solution” (Benzoyl hóa trong dung dịch este). Đây là thành tích hiếm có đối với một phụ nữ trong xã hội đương thời.

Bệnh phong xuất hiện từ khi nào và ai là người đầu tiên tìm ra thuốc điều trị căn bệnh quái ác này? - Ảnh 2.

Alice Ball đã phát minh ra dầu hạt đại phong tử - cách điều trị bệnh phong ban đầu.

Năm 1915, Ball trở thành người phụ nữ đầu tiên bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ tại Đại học Hawaii. Sau đó cô tham gia công tác nghiên cứu và giảng dạy tại khoa hóa học của ngôi trường này.

Trong luận văn thạc sĩ của mình, cô đã nghiên cứu thành phần hóa học của cây kava (Piper methysticum), một loại thảo mộc được sử dụng rộng rãi với tác dụng an thần và làm dịu cơn đau. Công trình này đã thu hút sự chú ý của Harry Hollmann, một bác sĩ tại Bệnh viện Kalihi ở Hawaii. Hollmann đã tìm đến sự giúp đỡ của Ball với hy vọng phân lập các thành phần hoạt tính từ thiên nhiên để điều trị bệnh phong.

Vào thời điểm đó, các bệnh nhân phong người Mỹ thường được đưa đến một khu biệt lập ở Hawaii nhằm ngăn chặn sự lây lan cho cộng đồng. Không chỉ tại Mỹ, căn bệnh này đã gây ra tổn thương thần kinh và tổn thương da nghiêm trọng cho hàng triệu người trên khắp thế giới.

Loại thuốc điều trị bệnh phong phổ biến nhất vào đầu thế kỷ XX là dầu chiết xuất từ hạt của cây chaulmoogra (đại phong tử), một loại cây thường xanh nhiệt đới. Người ta sẽ bôi dầu bên ngoài da, uống hoặc thậm chí tiêm vào tĩnh mạch. Mặc dù sức khỏe của những bệnh nhân trải qua phương pháp điều trị này đôi khi được cải thiện, nhưng nó thường gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như buồn nôn và áp xe bên dưới da. Nguyên nhân là do ở dạng chưa tinh khiết, dầu chaulmoogra không tan trong nước và có thể gây ra một số phản ứng bất lợi đối với cơ thể.

Từ lời đề nghị của Hollmann, Ball đã phát triển một kỹ thuật mới để phân tách các thành phần hoạt tính trong dầu của hạt chaulmoogra, bao gồm các axit béo. Sau đó, cô biến đổi chúng về mặt hóa học để tạo thành những phân tử este etylic có thể hòa tan trong nước, dễ dàng được cơ thể hấp thụ thông qua phương pháp tiêm trong khi vẫn giữ nguyên tác dụng điều trị bệnh.

Hợp chất tiêm do Ball điều chế là loại thuốc điều trị hiệu quả đầu tiên cho những người mắc bệnh phong mà không gây ra tình trạng áp xe trên da hoặc các tác dụng phụ không mong muốn khác.

Thật đáng tiếng, Ball qua đời một cách đột ngột sau khi gặp biến chứng do hít phải khí clo trong một tai nạn giảng dạy ở phòng thí nghiệm vào năm 1916. Khi đó cô chỉ mới 24 tuổi và chưa công bố những thành quả nghiên cứu mang tính cách mạng của mình.

Bệnh phong xuất hiện từ khi nào và ai là người đầu tiên tìm ra thuốc điều trị căn bệnh quái ác này? - Ảnh 3.

Nơi bệnh nhân phong bị cách ly.

Sau này, Arthur Dean – một người bạn đồng nghiệp của Ball và cũng là hiệu trưởng của Đại học Hawaii – đã công bố kết quả nghiên cứu của Ball và bắt đầu chiết xuất một lượng lớn các thành phần hoạt tính từ hạt chaulmoogra để điều chế thuốc tiêm. Tuy nhiên trong các bài báo, Dean lại khẳng định đây là công lao nghiên cứu của riêng mình mà không đề cập đến Ball, thậm chí còn gọi quá trình điều chế thuốc là “Phương pháp Dean”.

Cuối cùng, Hollmann – người ban đầu khuyến khích Ball phân lập các thành phần hoạt tính từ thiên nhiên để điều trị bệnh phong – đã lên tiếng về vấn đề này. Năm 1922, ông xuất bản một bài báo đề cập đến các nghiên cứu của Ball. Ông nêu rõ Ball mới là người đầu tiên điều chế thành công loại thuốc tiêm chữa bệnh phong thay vì Dean.

Năm 1918, tổng cộng 78 bệnh nhân phong tại Bệnh viện Kalihi đã hết tổn thương và xuất viện sau khi điều trị bằng thuốc tiêm của Ball. Kết quả thử nghiệm được công bố chi tiết trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ. Kể từ đó, loại thuốc này dần trở thành phương pháp điều trị bệnh phong tiêu chuẩn trong nhiều thập kỷ cho đến khi các loại thuốc sulfonamide xuất hiện vào những năm 1940.

Năm 2000, Đại học Hawaii đã treo một tấm bảng bằng đồng trên cây chaulmoogra duy nhất ở trong khuôn viên trường để tôn vinh cuộc đời của Ball và công trình nghiên cứu khoa học quan trọng của cô. Cùng lúc đó, Mazie Hirono – Thống đốc bang Hawaii – tuyên bố ngày 29/2 là “Ngày Alice Ball” và lễ kỷ niệm được tổ chức bốn năm một lần. Năm 2007, Hội đồng Quản trị Đại học Hawaii đã truy tặng cho cô Huân chương Xuất sắc. Tháng 3/2016, tạp chí Hawaii đưa Ball vào danh sách những phụ nữ có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Hawaii.

Năm 2017, Paul Wermager, một nhà nghiên cứu tại Đại học Hawaii, đã thành lập học bổng mang tên “Alice Augusta Ball” để hỗ trợ những sinh viên xuất sắc theo đuổi chuyên ngành hóa học, sinh học, hóa sinh hoặc vi sinh.

Vaccine chống lại bệnh phong

Jacinto Convit (1913-2014) là một bác sĩ nổi tiếng người Venezuela. Ông là người đã tạo ra chủng ngừa mới để làm chậm sự phát triển của bệnh phong và tiêu diệt nó. Ông đã điều trị cho các bệnh nhân và giúp họ chống lại những kỳ thị xã hội về căn bệnh phong. Chính ông đã phát triển ra một chủng ngừa mới chống lại bệnh do nhiễm Leishmaniasis (một chứng bệnh do nhiễm ký sinh trùng Leishmania thường dính dáng đến nghèo đói và suy dinh dưỡng, bệnh thường lây lan do một loại muỗi cát gây ra).

Bệnh phong xuất hiện từ khi nào và ai là người đầu tiên tìm ra thuốc điều trị căn bệnh quái ác này? - Ảnh 4.

Nhà khoa học-bác sĩ Jacinto Convit đã cống hiến đời mình cho các bệnh truyền nhiễm, cụ thể là bệnh phong.

Trong suốt 75 năm sự nghiệp nghiên cứu y học, Convit đã nhận được một số giải thưởng danh dự, bao gồm giải Asturias của Hoàng tử Tây Ban Nha và Bắc Đẩu Bội Tinh của Pháp.

Đến năm 2000, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố loại bỏ bệnh phong ra khỏi danh sách các vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Trong nhiều năm qua, con người từng nỗ lực thử nghiệm các loại vaccine nhằm phòng ngừa bệnh phong nhưng đều thất bại. Tuy nhiên, bệnh phong hoàn toàn có thể được chữa khỏi với liệu trình điều trị bằng nhiều loại thuốc, bao gồm thuốc kháng sinh và các loại thuốc khác để ngăn ngừa biến chứng.

Theo DH (th)
Ý kiến của bạn