Hà Nội

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nếu nhiễm ncov sẽ rất nguy hiểm

17-09-2020 22:08 | Y học 360
google news

SKĐS - Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một trong những bệnh gây nhiều biến chứng, có tỉ lệ tử vong cao. Trong giai đoạn này, nếu nhiễm nCOV, một loại virus đường hô hấp mới, gây bệnh đường hô hấp cấp, sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính(COPD: Chronic Obstructive Pulmonary Disease) là một dạng bệnh ly làm tắc nghẽn lưu lượng khí thở ra thường xuyên, dẫn đến suy giảm thông khí mạn tính. Bệnh có diễn tiến xấu dần theo thời gian và khó hồi phục.

Nguyên nhân gây bệnh COPD chủ yếu là do hút thuốc lá. Khoảng 5 người nghiện thuốc lá thì sẽ có một người mắc COPD.  Có tới 80 -90% bệnh nhân COPD đang hút hoặc có tiền sử hút thuốc lá. Bên cạnh đó, các chất kích thích khác có thể gây COPD bao gồm cả khói xì gà, khói thuốc lào, khói của nhà máy, ô nhiễm không khí (khói bếp than) và khói trong sử dụng hóa chất do các phản ứng hóa học xẩy ra. Một số bệnh về phổi mạn tính kéo dài như viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, giãn phế nang, hen suyễn, khí phế thũng,  cũng gây nên COPD. Một số trường hợp trào ngược dạ dày thực quản làm gia tăng bệnh COPD hoặc tạo điều kiện cho COPD xuất hiện.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Khi thời tiết chuyển mùa, nhất là mùa lạnh, gió mùa đông bắc tràn về, áp thấp nhiệt đới, đều có tác động làm cho bệnh COPD xuất hiện, tái diễn. Trong giai đoạn hiện nay, bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, nếu người lâm bệnh COPD bị nhiễm nCOV sẽ có nguy cơ cao lâm bệnh COVID-19. Lúc này bệnh tình sẽ rất nguy hiểm, bởi bệnh COVID-19 chủ yếu tấn công tổ chức phổi.

Triệu chứng của bệnh

Triệu chứng của COPD phát triển chậm. Những triệu chứng đầu tiên có vẻ nhẹ, vì vậy, bệnh nhân thường cho rằng đây là vấn đề không quan trọng, cho nên bệnh ngày một nặng dần. Triệu chứng thường gặp nhất là khó thở, ho, khò khè và có hiện tượng tăng tiết chất nhày và đờm, tương tự như hen suyễn. Khi bị nặng, người bệnh luôn luôn thấy khó thở, đôi khi phải dùng mặt nạ để thở ô xy. Thở khò khè giống như hen suyễn vì phế nang bị sưng nề và xuất tiết nhiều đờm, làm nghẽn đường dẫn khí. Ho lúc đầu vào buổi sáng, sau đó dần dần ho nhiều lên suốt ngày đêm. Ho ra đờm, lúc đầu ít, lỏng, càng về sau càng đặc quánh. Đờm trong hoặc hơi đục, đôi khi đờm có màu hơi vàng. Người bệnh luôn luôn cảm thấy mệt mỏi, lười vận động, môi thâm, chán ăn do thiếu dưỡng khí.

Khi có biểu hiện ho, khạc đờm trên 3 tháng trong một năm và biểu hiện liên tiếp như vậy trong vòng hai năm trở lên, đồng thời khó thở càng ngày càng tăng,  thường phải gắng sức để thở hoặc thở hổn hển được gọi là bệnh COPD.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tínhTriệu chứng thường gặp nhất là khó thở, ho

Hầu hết những người bị COPD có cả bệnhkhí phế thũngvà viêm phế quản mạn tính, do sự gia tăng các thiệt hại ở những túi khí trong phổi và viêm đường hô hấp ở phổi. Đối với bệnh COPD khi đã có ho nhiều, khó thở nặng và tăng tiết chất nhầy nhiều, thì bệnh đã vào giai đoạn nặng. Nếu nhiễm nCOV, bệnh sẽ hết sức nguy hiểm.

Phòng bệnh trong thời kỳ có dịch

Đại dịch toàn cầu do nCOV gây ra hết sức nguy hiểm. Đã có nhiều trường hợp tử vong trên toàn thế giới, đặc biệt là những người có các bệnh lý nền mạn tính, Việt Nam không nằm ngoài sự nguy hiểm đó. Tuy nhiên, nước ta đã không chế, bao vây và đang dập tắt chúng. Chúng ta có thể kiểm soát tốt tình trạng bệnh nền, cũng như yếu tố thúc đẩy nếu tuân thủ đúng và nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa.

Người bệnh COPD không nên hút thuốc lá, bởi vì, khói thuốc gây ra 4/5 trường hợp tử vong do COPD. Thuốc lá truyền thống hay thuốc lá điện tử đều làm suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể, khi đó bệnh nhân COPD dễ có khả năng bị viêm nhiễm đường hô hấp, mức độ cũng nặng nề hơn. Ngoài ra, khả năng sử dụng chung thuốc lá điện tử cũng làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính Thuốc lá gây ra 4/5 trường hợp tử vong do COPD

Người bệnh COPD cần tập vận động thể lực, nên tập luyện từ nhẹ đến vừa để tăng khả năng hô hấp và thông khí ở phổi. Yoga, thái cực quyền, những bài tập dưới nước như bơi hoặc đi bộ từ từ giúp cải thiện thể lực. Với người bị béo phì, cần kiểm soát cân nặng, bởi vì, người bị COPD khi thừa cân, tim và phổi phải làm việc nhiều hơn để cung cấp đủ nhu cầu oxy cho toàn bộ tế bào của cơ thể gây tình trạng khó thở. Người thừa cân có nhiều nguy cơ mắc các bệnh khác như: ngưng thở khi ngủ, đái tháo đường, các bệnh lý về gan, thận,trào ngược dạ dày, thực quản,... Nên thực hiện một chế độ ăn và sinh hoạt hợp lý như ăn uống đủ dinh dưỡng, khoa học, bổ sung đầy đủ các vitamin, acid amin thiết yếu, omega 3,... Ăn nhiều rau xanh, trái cây, nhất là trái cây chứa nhiều sinh tố. Uống đủ lượng nước cần thiết hàng ngày (từ 1,5-2,0lít) bao gồm cả nước có trong rau, củ, quả.


PGS.TS.BS. BÙI KHẮC HẬU
Ý kiến của bạn