Tuy nhiên, tình trạng tử vong do COPD không dừng lại ở đây, theo hầu hết các dự báo đều cho thấy, trong tương lai không xa, tỷ lệ tử vong do COPD tiếp tục gia tăng và sẽ đứng hàng thứ 3 trong số các nguyên nhân tử vong.
Báo động COPD ngày càng gia tăng
COPD là bệnh hô hấp mạn tính, phổ biến có thể phòng và điều trị được. Bệnh đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp dai dẳng và có tắc nghẽn luồng khí thở ra, do hậu quả của những bất thường của đường thở và/ hoặc nhu mô phổi. Bệnh thường do phơi nhiễm với các phân tử hoặc khí độc hại trong đó khói thuốc lá, thuốc lào là yếu tố nguy cơ chính, ô nhiễm không khí và khói chất đốt là yếu tố quan trọng gây COPD.
Trong những năm sắp tới, gánh nặng do COPD sẽ tiếp tục gia tăng do tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nhiều, tỷ lệ hút thuốc lá, thuốc lào không giảm, dân số có tuổi thọ ngày càng cao …
Bên cạnh tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong cao, COPD còn thực sự trở thành gánh nặng cho toàn xã hội do gánh nặng chi phí điều trị quá lớn. Theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ mắc COPD của Việt Nam vào khoảng 4,2% ở những người có tuổi từ 40 trở lên. Như vậy, ước tính cũng có chừng gần 3 triệu người mắc COPD. Tính trung bình, mỗi bệnh nhân có một đợt cấp/ năm, với trung bình 7 triệu đồng/ điều trị đợt cấp, và chi phí trung bình 5 – 7 triệu/ năm điều trị COPD, như vậy, chỉ riêng chi phí điều trị trực tiếp cũng gần 39.000 tỷ đồng. Nếu tính cả chi phí gián tiếp do cần người thân đưa đi khám, điều trị, các chi phí do nghỉ việc, ảnh hưởng sức lao động… thì COPD cũng tiêu tốn của toàn xã hội một khoản chi phí khổng lồ.
Người bệnh COPD luôn không có đủ ô xy cho hoạt động của cơ thể
Những dấu hiệu nhận biết
Không khó để nhận ra những người có thể có nguy cơ mắc COPD. Nhìn chung, bệnh nhân mắc COPD thường ở những người có tuổi từ 40 trở nên, kèm theo một trong các dấu hiệu: Ho, khạc đờm kéo dài là triệu chứng thường gặp. Lúc đầu có thể chỉ ho ngắt quãng, sau đó ho dai dẳng, hoặc ho hàng ngày. Ho khan hoặc ho có đờm thường về buổi sáng. Bệnh nhân khó thở nặng dần theo thời gian, lúc đầu chỉ có khó thở gắng sức, sau đó khó thở cả khi nghỉ ngơi và khó thở liên tục. Bệnh nhân phải gắng sức để thở, khó thở, nặng ngực, cảm giác thiếu không khí, hụt hơi, thở khò khè.
Giai đoạn muộn hơn có thể thấy những biểu hiện của suy hô hấp mạn tính: Môi thâm tím, đầu chi tím, có thể có co kéo cơ liên sườn, cơ hõm ức. Một số bệnh nhân có thể có phù chân, các mạch máu hai bên cổ nổi căng khi bệnh nhân nằm. Nếu kéo áo bệnh nhân lên có thể thấy lồng ngực có hình như cái thùng với đường kính trước sau thậm chí còn lớn hơn cả đường kính ngang của lồng ngực.
Tuy nhiên, cũng có những bệnh nhân COPD có những dấu hiệu rất kín đáo, chẳng hạn chỉ có ho thúng thắng, hoặc đôi lúc chỉ khi phải làm việc gắng sức mới thấy dấu hiệu khó thở. Nhiều trường hợp người bệnh chỉ thấy nhanh mệt hơn khi đi cùng với người cùng tuổi.
Các thăm dò cần thiết để chẩn đoán xác định
Có thể định hướng chẩn đoán một người có COPD, tuy nhiên, để có thể chẩn đoán chắc chắn, và nhất là trong lần chẩn đoán đầu tiên, đặc biệt trên những bệnh nhân có dấu hiệu bệnh lý nghèo nàn thì các bệnh nhân đều cần được chỉ định làm thêm các thăm dò như:
Chụp X quang phổi: Các bệnh nhân đều cần chụp X quang phổi để loại trừ các nguyên nhân khác gây ho, khạc đờm, khó thở mạn tính như u phổi, lao phổi, giãn phế quản …
Đo chức năng thông khí phổi: Đây là tiêu chuẩn vàng xác định có COPD hay không. Bệnh nhân được yêu cầu ngậm vào một ống, nối với máy đo chức năng thông khí phổi. Tiến hành đo các thông số thông khí phổi, từ đó đánh giá tình trạng rối loạn thông khí tắc nghẽn, mức độ nặng của rối loạn thông khí tắc nghẽn.
Các thăm dò khác: Như điện tim, công thức máu…
Phối hợp cùng các dấu hiệu lâm sàng, cận lâm sàng giúp bác sĩ chẩn đoán xác định COPD, bên cạnh đó còn giúp đánh giá mức độ nặng của COPD theo 4 nhóm:
Nhóm A: Ít triệu chứng, nguy cơ thấp.
Nhóm B: Nhiều triệu chứng, nguy cơ thấp
Nhóm C: Ít triệu chứng, nguy cơ cao.
Nhóm D: Nhiều triệu chứng, nguy cơ cao.
Với việc chia nhóm như vậy, các thầy thuốc sẽ tư vấn, kê đơn cho các bệnh nhân phù hợp với mức độ nặng của bệnh nhân.
Bệnh nhân được điều trị như thế nào?
Trước hết bệnh nhân cần ngừng tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ. Đây là biện pháp rất quan trọng trong điều trị COPD. Chỉ khi người bệnh dừng tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ thì việc điều trị mới mang lại hiệu quả tích cực. Việc tiếp tục tiếp xúc yếu tố nguy cơ làm giảm chức năng phổi nhanh chóng, gia tăng tần xuất đợt cấp.
Các yếu tố nguy cơ luôn cần được tránh tiếp xúc bao gồm: Không hút thuốc; tránh tiếp xúc khói thuốc lá, khói thuốc lào; tránh tiếp xúc khói than, khói bếp rơm, củi, khí độc; tránh tiếp xúc bụi công nghiệp, hạn chế tiếp xúc bụi đường phố …
Trường hợp không cai được thuốc lá, thuốc lào, có thể dùng các thuốc hỗ trợ chứa nicotin, bupropion, vareniclin.
Bệnh nhân luôn cần tiêm vắc xin cúm vào đầu mùa thu, nhắc lại hàng năm và vắc xin phòng phế cầu mỗi 5 năm/ 1 lần nhằm phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp.
Dùng thuốc đầy đủ theo đúng đơn kê của bác sĩ
Hầu hết các thuốc điều trị cho các bệnh nhân COPD đều được kê ở dạng thuốc xịt, hít, hoặc một số trường hợp dùng thuốc theo đường khí dung. Với những thuốc dạng xịt, hít, bệnh nhân cần lưu ý dùng thuốc đúng cách. Việc không dùng đúng các kỹ thuật sử dụng thuốc dạng phun hít có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả điều trị.
Với việc sử dụng đầy đủ các liệu pháp điều trị nêu trên, sẽ giúp cải thiện triệu chứng của các bệnh nhân COPD, giảm tần xuất các đợt cấp COPD, làm chậm lại tình trạng xấu đi của chức năng thông khí phổi. Người bệnh sẽ có chất lượng cuộc sống tốt hơn và giúp giảm chi phí điều trị.