Có thể nói bệnh là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng bệnh tật và tử vong ở nhiều quốc gia trên thế giới dẫn đến gánh nặng về kinh tế xã hội ngày càng gia tăng. Ở cơ sở y tế tuyến đầu, bệnh cần được quan tâm phát hiện, chẩn đoán để có chỉ định biện pháp điều trị cơ bản.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có biểu hiện đặc trưng với các triệu chứng hô hấp dai dẳng và giới hạn luồng khí thở, có thể là hậu quả của những bất thường về đường thở và phế nang do phơi nhiễm với các phân tử hoặc khí độc hại, trong đó có khói thuốc lá, thuốc lào là yếu tố nguy cơ chính; đồng thời tình trạng ô nhiễm không khí và khói chất đốt cũng là yếu tố nguy cơ quan trọng gây nên. Ngoài ra, những trường hợp mắc các bệnh khác kèm theo và các đợt kịch phát bệnh sẽ làm nặng thêm tình trạng bệnh lý. Hiện nay bệnh đang có xu hướng gia tăng ở nhiều quốc gia đang phát triển có tỷ lệ hút thuốc lá nhiều và hiện tượng già hóa dân số cao; ước tính đến năm 2030 có thể có trên 4,5 triệu người bị tử vong hàng năm do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các rối loạn có liên quan.
Chẩn đoán định hướng tại cơ sở y tế tuyến đầu
Đối với các cơ sở y tế ở tuyến đầu chưa được trang bị đầy đủ phương tiện máy đo chức năng thông khí, do đó cần phát hiện và chẩn đoán định hướng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính với các yêu cầu nội dung cần thiết. Khai thác kỹ tiền sử tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây bệnh, thăm khám lâm sàng để tìm các dấu hiệu định hướng chẩn đoán.
Bệnh thường hay gặp ở nam giới trên 40 tuổi, có tiền sử hút thuốc lá và thuốc lào, bao gồm cả hút thuốc chủ động và thụ động. Sống trong môi trường bị ô nhiễm ở trong nhà và ngoài nhà như khói bếp, khói chất đốt; tiếp xúc bụi nghề nghiệp như bụi hữu cơ, bụi vô cơ; hơi độc, khí độc. Nhiễm khuẩn đường hô hấp tái diễn, mắc bệnh lao phổi... Tăng tính phản ứng đường thở như hen phế quản hoặc viêm phế quản co thắt.
Người bệnh có triệu chứng ho, khạc đờm kéo dài không do các bệnh phổi khác như lao phổi, giãn phế quản...; đây là triệu chứng thường gặp. Lúc đầu có thể chỉ có ho ngắt quãng, sau đó ho dai dẳng hoặc ho hàng ngày, ho kéo dài ít nhất 3 tháng trong 1 năm và trong 2 năm liên tiếp, ho khan hoặc ho có đờm, thường khạc đờm về buổi sáng; ho có đờm mủ là một trong các dấu hiệu của đợt cấp tính do bội nhiễm. Triệu chứng khó thở thường tiến triển nặng dần theo thời gian, lúc đầu chỉ có khó thở khi gắng sức, sau đó khó thở cả khi nghỉ ngơi và khó thở liên tục. Bệnh nhân phải gắng sức để thở, khó thở, nặng ngực; có cảm giác thiếu không khí, hụt hơi hoặc thở hổn hển, thở khò khè. Tình trạng khó thở tăng lên khi gắng sức hoặc có nhiễm trùng đường hô hấp. Các triệu chứng ho khạc đờm, khó thở dai dẳng và tiến triển nặng dần theo thời gian.
Khám lâm sàng trong giai đoạn sớm của bệnh ghi nhận phổi có thể bình thường; cần đo chức năng thông khí ở những đối tượng có yếu tố nguy cơ và có triệu chứng cơ năng gợi ý ngay cả khi thăm khám bình thường để chẩn đoán sớm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; nếu bệnh nhân có khí phế thũng có thể thấy lồng ngực hình thùng, gõ vang, rì rào phế nang giảm. Trong giai đoạn nặng hơn khám phổi thấy rì rào phế nang giảm, có thể có ran rít, ran ngáy, ran ẩm, ran nổ. Ở giai đoạn muộn có thể thấy những biểu hiện của suy hô hấp mạn tính như tím môi, tím đầu chi, thở nhanh, co kéo cơ hô hấp phụ; có biểu hiện của suy tim phải như tĩnh mạch cổ nổi, phù 2 chân, gan to, phản hồi gan tĩnh mạch cổ dương tính. Khi phát hiện bệnh nhân có các triệu chứng nghi ngờ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính như đã nêu trên, cần chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế có đủ điều kiện hơn như tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố; tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương... để thực hiện thêm các thăm dò chẩn đoán như đo chức năng thông khí, chụp phim X-quang phổi, đo điện tim... nhằm chẩn đoán xác định và loại trừ những nguyên nhân khác có triệu chứng lâm sàng giống với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Trên thực tế, có thể dùng bảng câu hỏi để tầm soát bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở cộng đồng (theo GOLD) với nội dung đặt 5 câu hỏi để ghi nhận sự trả lời “có” hay “không” gồm: Ông hay bà có ho vài lần trong ngày ở hầu hết các ngày hay không? Ông hay bà có khạc đờm ở hầu hết các ngày hay không? Ông hay bà có dễ bị khó thở hơn những người cùng tuổi hay không? Ông hay bà trên 40 tuổi rồi phải không? Ông hay bà vẫn còn hút thuốc lá hoặc đã từng hút thuốc lá phải không? Nếu người được phỏng vấn trả lời “có” từ 3 câu hỏi trở lên thì nên khuyến cáo phải đi khám bệnh để được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời ngay.
Biện pháp điều trị cơ bản
Khuyến cáo người bệnh ngừng tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như khói thuốc lá, thuốc lào, bụi; khói bếp rơm, củi, than, khí độc... Phải mạnh dạn thực hiện việc cai nghiện thuốc lá, thuốc lào vì cai thuốc là biện pháp rất quan trọng ngăn chặn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tiến triển nặng lên. Trong biện pháp cai thuốc, việc tư vấn cho người bệnh đóng vai trò then chốt, các thuốc hỗ trợ cai nghiện sẽ cho giúp người bệnh cai thuốc được dễ dàng hơn. Chiến lược tư vấn giúp người bệnh cai được thuốc lá, thuốc lào là phải tìm hiểu lý do cản trở người bệnh thực hiện việc cai thuốc như sợ cai thuốc bị thất bại, bị hội chứng cai nghiện gây khó chịu, mất đi niềm vui hút thuốc, căng thẳng tinh thần... Nên sử dụng lời khuyên 5A đối với người bệnh gồm: Ask - Hỏi xem tình trạng hút thuốc của người bệnh để có kế hoạch phù hợp. Advise - Khuyên bằng cách đưa ra lời khuyên phù hợp và đủ sức thuyết phục người bệnh bỏ hút thuốc. Assess - Đánh giá xác định nhu cầu cai thuốc thực sự của người bệnh. Assist - Hỗ trợ giúp người bệnh xây dựng kế hoạch cai thuốc, tư vấn, hỗ trợ và chỉ định thuốc hỗ trợ cai nghiện thuốc lá, thuốc lào nếu cần. Arrange - Sắp xếp có kế hoạch theo dõi, hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp để người bệnh cai nghiện được thuốc và tránh tái nghiện.
Cai thuốc là biện pháp rất quan trọng ngăn chặn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tiến triển
Để hỗ trợ việc cai nghiện thuốc lá, thuốc lào có kết quả; có thể sử dụng các loại thuốc để giúp giảm nhẹ hội chứng cai thuốc và làm tăng tỷ lệ cai thuốc thành công. Các thuốc hỗ trợ cai nghiện có thể được chỉ định sử dụng là Nicotine thay thế, Bupropion, Varenicline. Nicotine thay thế chống chỉ định tương đối ở bệnh nhân bị bệnh tim mạch có nguy cơ cao như vừa mới bị nhồi máu cơ tim cấp tính; các dạng thuốc thường được dùng dưới dạng xịt mũi họng, viên ngậm, viên nhai, miếng dán da; thời gian dùng thuốc tùy thuộc vào mức độ nghiện thuốc lá là mức độ phụ thuộc vào Nicotine, thông thường dùng từ 2 - 4 tháng, tuy nhiên có thể kéo dài hơn; thực tế các tác dụng phụ của thuốc có thể gặp như gây kích ứng da khi dán, khi uống có thể gây khô miệng, nấc, khó tiêu... Bupropion có tác dụng tăng cường phóng thích Noradrenergic và Dopaminergic ở hệ thần kinh trung ương giúp làm giảm ham muốn hút thuốc; không dùng cho bệnh nhân bị động kinh, rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi ăn uống; dùng thuốc nhóm IMAO (inhibitor mono amino oxydase) khi đang điều trị cai nghiện rượu, suy gan nặng; thời gian điều trị từ 7 - 9 tuần, có thể kéo dài 6 tháng; liều cố định không được vượt quá 300 mg mỗi ngày, tuần đầu với liều lượng 150 mg mỗi ngày uống buổi sáng, từ tuần thứ 2 đến tuần thứ 9 dùng liều lượng 300mg mỗi ngày chia làm 2 lần; các tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng thuốc là mất ngủ, khô miệng, nhức đầu, kích động, co giật. Varenicline có tác dụng giảm triệu chứng khi cai thuốc lá, thuốc lào và giảm cảm giác sảng khoái khi hút thuốc; chống chỉ định tương đối đối với người bệnh bị suy thận nặng, có độ thanh thải Creatinine dưới 30ml mỗi phút; thời gian điều trị khoảng 12 tuần, có thể kéo dài đến 6 tháng; liều điều trị thực hiện theo quy định: ngày 1 đến 3 dùng liều lượng 0,5mg mỗi ngày uống buổi sáng, ngày 4 đến 7 dùng liều lượng 1mg mỗi ngày chia làm 2 lần sáng-chiều, tuần thứ 2 đến tuần thứ 12 dùng liều lượng 2mg mỗi ngày chia làm 2 lần sáng-chiều; các tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc là buồn nôn, rối loạn giấc ngủ, ác mộng, trầm cảm, thay đổi hành vi.
Ngoài ra, có thể tiêm vắcxin để phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp vì nhiễm trùng đường hô hấp như cảm cúm và viêm phổi... là một trong các yếu tố nguy cơ gây nên đợt cấp tính của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Việc tiêm phòng vắc xin có thể làm giảm các đợt cấp tính nặng và giảm tỉ lệ tử vong. Nên tiêm phòng vắcxin cúm vào đầu mùa thu và tiêm nhắc lại hàng năm cho các đối tượng mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; tiêm phòng vắcxin phế cầu mỗi 5 năm 1 lần và được khuyến cáo thực hiện ở bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn ổn định. Đồng thời nếu cơ sở y tế tuyến đầu có điều kiện phải thực hiện thêm biện pháp phục hồi chức năng hô hấp tùy theo từng trường hợp bệnh lý. Những bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng cần lưu ý đến các vấn đề phòng ngừa quan trọng như vệ sinh mũi họng thường xuyên, giữ ấm cổ ngực về mùa lạnh, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các nhiễm trùng tai mũi họng, răng hàm mặt; phát hiện và điều trị các bệnh khác bị mắc kèm theo.
Có thể nói bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một bệnh lý khá phổ biến ở đường hô hấp được phát hiện trong cộng đồng người dân với nhiều nguyên nhân gây bệnh khác nhau, trong đó người bệnh có tiền sử hút thuốc lá và thuốc lào nhiều là vấn đề đang được quan tâm hiện nay. Vì vậy, khi có biểu hiện những triệu chứng nghi ngờ, người bệnh phải đến cơ sở y tế để được chẩn đoán xác định sớm và có chỉ định điều trị cơ bản kịp thời. Nếu để bệnh kéo dài, có thể sẽ gặp phải những biến chứng nặng xảy ra và tử vong là điều không thể tránh khỏi.